Hồ Duy Hải còn quyền gửi đơn xin ân giảm án tử hình lên Chủ tịch nước?

(Dân trí) - Theo luật sư Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán TANDTC phân tích, Hồ Duy Hải vẫn còn quyền xin ân giảm hình phạt tử hình lên Chủ tịch nước...

Như Dân trí đã đưa tin, trong các ngày từ 6-8/5/2020, TAND tối cao (trụ sở tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã mở phiên tòa Giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với bị cáo Hồ Duy Hải (SN 1985, ở quận 5, TPHCM) phạm tội "Giết người" và "Cướp tài sản", xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) vào năm 2008.

Hồ Duy Hải còn quyền gửi đơn xin ân giảm án tử hình lên Chủ tịch nước? - 1

Quang cảnh phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải.

Chiều 8/5/2020, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Trí Tuệ đã công bố quyết định của Hội đồng Thẩm phán phiên tòa Giám đốc thẩm nói trên, trong đó, đoạn cuối nhấn mạnh: Sau khi xét xử phúc thẩm, Hồ Duy Hải không có đơn xin đề nghị xem xét bản án hình sự phúc thẩm theo trình tự Giám đốc thẩm, chỉ có đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm hình phạt tử hình.

Theo quy định tại điều 367 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, thì bản án tử hình được thi hành nếu Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và người bị kết án không có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình lên Chủ tịch nước.

Trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình thì bản án tử hình được thi hành sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm. Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC đã có quyết định không kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và có tờ trình gửi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.

Trên cơ sở đó, ngày 17/5/2012, Chủ tịch nước có Quyết định số 639/QĐ-CTN bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.

Ngày 24/7/2019, Văn phòng Chủ tịch nước có Công văn số 688/VPCTN-PL-m thông báo ý kiến của Chủ tịch nước, đề nghị Viện trưởng VKSNDTC xem xét, quyết định theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật quy với vụ án Hồ Duy Hải.

Hồ Duy Hải còn quyền gửi đơn xin ân giảm án tử hình lên Chủ tịch nước? - 2

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ công bố quyết định của Hội đồng Thẩm phán phiên tòa Giám đốc thẩm, chiều 8/5/2020.

Nội dung quyết định phiên Giám đốc thẩm nói trên tiếp tục nhấn mạnh: Pháp luật tố tụng hình sự quy định, các quyết định tố tụng hình sự chỉ được thay thế, hủy bỏ bằng một quyết định tố tụng hình sự khác của cấp có thẩm quyền chứ không thể thay thế bằng văn bản hành chính. Trong khi quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực thi hành, nhưng Viện trưởng VKSNDTC đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm với bản án hình sự sơ thẩm, phúc thẩm là vi phạm pháp luật tố tụng hình sự, không đúng với thẩm quyền, không đúng với nội dung thông báo yêu cầu của Chủ tịch nước là đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ tiếp tục công bố, Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định thủ tục tố tụng trong trường hợp Chủ tịch nước đã có quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình thì các cơ quan tố tụng không được phép thực hiện các hành vi tố tụng khác, trừ khi thi hành án.

"Do đó, không có cơ sở chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSNDTC. Bản án hình sự phúc thẩm số 281/2009/HSPT ngày 28/4/2009 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại TPHCM đã có hiệu lực pháp luật từ ngày 28/4/2009. Vì các ý trên, căn cứ vào các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, quyết định không chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSNDTC", nội dung quyết định nhấn mạnh.

Ý kiến trái chiều về việc Hồ Duy Hải vẫn còn quyền gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước

Ngay khi quyết định của Hội đồng thẩm phán phiên giám đốc thẩm ngày 8/5/2020 được công bố, đã có một số ý kiến của giới luật sư cho rằng, Hồ Duy Hải hiện vẫn có quyền gửi đơn xin ân giảm hình phạt tử hình lên Chủ tịch nước. Nếu được chấp nhận, tử tù Hồ Duy Hải có thể sẽ được giảm từ án tử hình xuống chung thân. Tuy nhiên cũng có ý kiến ngược lại về nội dung này.

Hồ Duy Hải còn quyền gửi đơn xin ân giảm án tử hình lên Chủ tịch nước? - 3

Luật sư Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán TANDTC.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán TANDTC cho biết: Theo điểm d, điều 367 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước. 

"Quyết định Giám đốc thẩm ngày 8/5/2020 khẳng định bản án hình sự phúc thẩm đối với Hồ Duy Hải đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 28/4/2009. Quyết định Giám đốc thẩm là quyết định cao nhất về mặt xét xử vụ án hình sự của nước Việt Nam. Có nghĩa là Hồ Duy Hải đã hết quyền gửi đơn xin ân giảm hình phạt tử hình lên Chủ tịch nước", luật sư Hùng cho biết.

Tuy nhiên, theo luật sư Hùng, có một chi tiết trong nội dung quyết định Giám đốc thẩm công bố chiều 8/5/2020 là "chưa chuẩn".

Ông phân tích, theo điều 377 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Người ra quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó. Quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định bị kháng nghị Giám đốc thẩm phải gửi cho tòa án, VKS nơi đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và cơ quan thi hành án có thẩm quyền.

Ngày 24/10/2011, Viện trưởng VKSNDTC có Quyết định không kháng nghị số 131/QĐ-VKSTC-V3 và Tờ trình số 110/TTr-VKSNDTC-V3 đề nghị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.

Đến ngày 22/11/2019, Viện trưởng VKSNDTC đã có Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 15/QĐ-VKSTC-V7 đề nghị Hội đồng thẩm phán TANDTC xét xử theo thủ tục Giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, phúc thẩm của vụ án Hồ Duy Hải để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật; tạm đình chỉ thi hành án bản án phúc thẩm nói trên đối với Hồ Duy Hải; Quyết định này thay thế quyết định không kháng nghị số 131 nói trên.

"Do đó, tính từ mốc thời gian quyết định kháng nghị ngày 22/11/2019 của Viện trưởng VKSNDTC đến thời điểm khi chưa công bố quyết định Giám đốc thẩm chiều 8/5/2020 thì bản án phúc thẩm tạm thời chưa tiếp tục có hiệu lực pháp luật, bởi quyết định kháng nghị đã tạm đình chỉ thi hành bản án phúc thẩm. Còn từ mốc 28/4/2009 (bản án phúc thẩm) đến ngày 22/11/2019, thì bản án này vẫn có hiệu lực", luật sư Hùng phân tích.

Từ phân tích trên, luật sư Hùng cho rằng, một chi tiết trong đoạn cuối của bản công bố Giám đốc thẩm chiều 8/5/2020 của Hội đồng thẩm phán TANDTC phải sửa thành "... Bản án hình sự phúc thẩm số 281/2009/HSPT ngày 28/4/2009 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại TPHCM tiếp tục có hiệu lực từ ngày 8/5/2020" mới đúng quy định pháp luật.

Do đó, nếu sửa như vậy thì Hồ Duy Hải vẫn còn thời hạn 7 ngày (tính từ ngày 8/5/2020) theo quy định của pháp luật để gửi đơn xin ân giảm hình phạt tử hình lên Chủ tịch nước.

Nguyễn Dương