1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vụ tử tù Hồ Duy Hải: Tiêu hủy vật chứng sau khi khám nghiệm hiện trường

(Dân trí) - Theo Viện KSND tối cao, chiếc thớt có vết máu xuất hiện trong bản ảnh hiện trường là vật chứng nhưng không được thu giữ để nguyên mà bị đem đi tiêu hủy ngay sau khi khám nghiệm hiện trường.

Theo dự kiến, vào ngày 6/5, hội đồng thẩm phán TAND tối cao sẽ xét xử giám đốc thẩm vụ án giết người, cướp tài sản với bị án Hồ Duy Hải.

Phiên xử giám đốc thẩm sẽ kéo dài 3 ngày và do ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao, làm chủ tọa phiên tòa.

Vụ tử tù Hồ Duy Hải: Tiêu hủy vật chứng sau khi khám nghiệm hiện trường - 1
Số phận tử tù Hồ Duy Hải sẽ được định đoạt trong phiên xử sắp tới.

Đây là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm, khi Hồ Duy Hải mang thân phận tử tù hơn 10 năm qua và được hoãn tiêm thuốc độc vào “phút 89”. Đồng thời, Văn phòng Chủ tịch nước nhiều lần có văn bản yêu cầu làm rõ vụ án.

Theo Viện KSND tối cao, trong vụ án này, bản án 2 cấp vi phạm tố tụng nghiêm trọng, chưa làm rõ hàng loạt vấn đề của vụ án.

Theo đó, 2 nhân chứng là anh Hồ Văn Bình và Đinh Vũ Thường không khẳng định nhìn thấy Hồ Duy Hải tại hiện trường vào thời điểm vụ án xảy ra. Cả 2 nhân chứng khai nhìn thấy 1 thanh niên có mặt tại bưu điện Cầu Voi nhưng không thể nhận dạng qua ảnh cũng như không mô tả được hình dạng.

Nội dung 2 bản án xác định chiếc ghế là công cụ phạm tội nhưng thực tế chiếc ghế không liên quan đến vụ án. Còn con dao, chiếc thớt thu giữ được không có giá trị chứng minh công cụ phạm tội.

Bởi lẽ, dựa trên lời khai của một số người dọn dẹp hiện trường đã phát hiện 1 con dao rất mới và sạch, không có dấu vết được đút vào sau tấm bảng treo đối diện cầu thang nhà bếp. Sau đó, con dao được đem đi đốt cùng một số vật khác của bưu điện và không tìm được lại kể cả phần lưỡi dao. Bản vẽ nhận dạng con dao được cơ quan điều tra vẽ ra trước mà không phải do những người dọn dẹp hiện trường vẽ ra. Quá trình điều tra, Hồ Duy Hải không tự vẽ con dao, lời khai về kích thước con dao không thống nhất. Con dao do anh Nguyễn Văn Thu mua về được điều tra viên vẽ ra rồi mới cho Hải nhận dạng.

Các lời khai ban đầu, Hải không khai tới việc dùng chiếc thớt gây án, sau đó Hải khai dùng chiếc thớt đánh vào đầu nạn nhân nhưng lời khai không thống nhất. Cơ quan điều tra có thu giữ 1 cái thớt giống với bản ảnh tại hiện trường do chị Lê Thị Thu Hiếu (bạn của nạn nhân) mua (sau 6 tháng kể từ khi vụ án xảy ra) về cho Hải nhận dạng. Chiếc thớt có vết máu xuất hiện trong bản ảnh hiện trường là vật chứng nhưng không được thu giữ để nguyên mà đã đem đi tiêu hủy ngay sau khi khám nghiệm hiện trường.

Tài liệu hồ sơ vụ án chưa đủ căn cứ xác định chiếc ghế là vật chứng. Hai tháng sau khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra thu giữ chiếc ghế innox Hòa Phát có mã số HPM2-44705 khác với chiếc ghế trong bản ảnh và khác với mã số ghi nhận trong biên bản khám nghiệm hiện trường.

Khám nghiệm hiện trường đã ghi nhận, chụp ảnh nhưng không để nguyên là thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng.

Sau khi Viện KSND tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, hồi đầu năm, luật sư Trần Hồng Phong - người được gia đình Hồ Duy Hải mời hỗ trợ pháp lý trong nhiều năm qua - đã có đơn cung cấp chứng cứ cho các cơ quan tố tụng Trung ương.

Luật sư Phong cho rằng, sau khi gặp nhiều nhân chứng trong đó có anh Đinh Vũ Thường đã xác minh được việc "không có nhân chứng nào nhìn thấy Hồ Duy Hải tại Bưu điện Cầu Voi - nơi xảy ra vụ án vào tối 13/1/2008" như quy kết của cơ quan tố tụng Long An.

Theo luật sư Phong, bản kết luận giám định ngày 11/4/2008 kết luận "các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không trùng khớp với 10 ngón tay của Hồ Duy Hải", nhưng kết quả giám định này đã bị rút ra khỏi hồ sơ vụ án.

Cơ quan điều tra kết luận Hải đã dùng dao cắt cổ hai nạn nhân, nhưng thực tế không thu được tang vật nào như vậy. Sau khi bắt giam Hải, cơ quan điều tra cử người ra chợ mua một con dao và dùng để làm chứng cứ buộc tội.

 Hồng Lĩnh