Thường vụ Quốc hội giao cơ quan chuyên môn xem xét vụ án Hồ Duy Hải

(Dân trí) - Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thông tin này tại cuộc họp báo về chương trình dự kiến kỳ họp thứ 9 của Quốc hội.

Tại cuộc họp báo chiều 18/5, báo giới đặt vấn đề, xung quanh kết quả phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải tại TAND tối cao vừa qua, một số đại biểu Quốc hội đã lên tiếng, thể hiện việc không tán đồng với quyết định của Hội đồng thẩm phán tại phiên xử. Các đại biểu cũng cho biết sẽ gửi kiến nghị lên UB Thường vụ Quốc hội đề nghị có ý kiến về sự việc. UB Thường vụ đã nhận kiến nghị của các đại biểu Quốc hội và quan điểm của cơ quan thường trực Quốc hội về vấn đề này?

Thường vụ Quốc hội giao cơ quan chuyên môn xem xét vụ án Hồ Duy Hải - 1

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời câu hỏi của phóng viên về vụ án Hồ Duy Hải.

Trả lời câu hỏi, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc xác định, những ngày qua, báo chí, mạng xã hội đã nêu nhiều thông tin, bình luận trái chiều về phiên xử. Ông Phúc cũng xác nhận việc một số đại biểu Quốc hội đã gửi kiến nghị về phiên xử tới UB Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể, các đại biểu bày tỏ không tán đồng với quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao bác kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao, giữ nguyên bản án tử hình đã tuyên đối với Hồ Duy Hải về tội “giết người”, “cướp tài sản”.

“Đây là một trong những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, kéo dài nhiều năm nên trong nhiệm kỳ trước, Quốc hội đã thành lập đoàn giám sát của Quốc hội để giám sát, xem xét, tránh trường hợp án oan sai. Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Quôc hội Uông Chu Lưu làm Trưởng đoàn, bà Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp khi đó làm Phó Trưởng đoàn. Đoàn giám sát sau đó đã báo cáo Quốc hội nhiều nội dung cụ thể về vụ án này, từ đó khởi động quá trình xem xét lại vụ án, cho đến khi có phiên tòa giám đốc thẩm vừa qua” – ông Nguyễn Hạnh Phúc thông tin.

Song song với việc này, gia đình bị án Hồ Duy Hải cũng liên tục khiếu nại, kêu oan. Tổng Thư ký Quốc hội cho biết: “Để xem xét thật toàn diện vụ án này, UB Thường vụ Quốc hội đang giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất hướng xem xét, xử lý”.

Phương Thảo