1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Chánh án Nguyễn Hòa Bình làm Chủ tọa giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải

(Dân trí) - Theo dự kiến, vào ngày 6/5, hội đồng thẩm phán TAND tối cao sẽ xét xử giám đốc thẩm vụ án giết người, cướp tài sản với bị án Hồ Duy Hải.

Được biết, phiên xử giám đốc thẩm sẽ kéo dài 3 ngày và do ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao, làm chủ tọa phiên tòa.

Luật sư được tham dự

Đây là vụ án rúng động dư luận trong thời gian rất dài bởi sự man rợ của hung thủ khi giết cùng lúc 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi.

Hung thủ được cơ quan điều tra xác định là Hồ Duy Hải.

Ngoài các ủy viên của hội đồng thẩm phán TAND tối cao và đại diện Viện KSND tối cao, TAND tối cao và đại diện các cơ quan tố tụng của tỉnh Long An, TAND tối cao đã mời luật sư Trần Hồng Phong - người đồng hành cùng gia đình Hồ Duy Hải kêu oan cho bị án này trong rất nhiều năm qua, tham gia phiên xét xử với tư cách người bào chữa cho phạm nhân.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình làm Chủ tọa giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải - 1
Tử tù Hồ Duy Hải.

Theo nội dung vụ án, sáng 14/1/2008, dư luận chấn động trước thông tin 2 nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi (đóng tại ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) bị sát hại dã man ngay tại nơi làm việc. Qua quá trình điều tra, cơ quan tố tụng xác định Hồ Duy Hải là hung thủ sát hại 2 nạn nhân. Với hành vi của mình, Hải bị tòa 2 cấp tuyên phạt mức án tử hình về tội giết người

Sau khi những bản án được tuyên, mẹ bị án Hồ Duy Hải liên tục kêu oan cho con. Năm 2014, TAND tỉnh Long An cho biết sẽ tổ chức thi hành bản án tử hình đối với tử tù Hồ Duy Hải.

Tuy nhiên, trong ngày 4/12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản thông báo tới các cơ quan chức năng, về việc Văn phòng Chủ tịch nước đã nhận được đơn kêu oan của mẹ bị án Hồ Duy Hải nên đã yêu cầu Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND và Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự tỉnh Long An tạm dừng thi hành án, để xem xét thật kỹ trước khi tước đoạt sinh mạng một con người.

Trong quá trình chờ thi hành án, luật sư Trần Hồng Phong (người hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải) và bà Nguyễn Thị Loan (mẹ Hồ Duy Hải) đã có đơn đề nghị các cơ quan tố tụng làm rõ việc hồ sơ của vụ án có dấu hiệu bị làm sai lệch.

Cụ thể, hồ sơ rút bỏ kết luận giám định về dấu vân tay và diễn giải sai lệch về kết quả giám định dấu vân tay - trong khi đây chính là tình tiết ngoại phạm của Hồ Duy Hải. Tự ý sửa, thay đổi kết quả nhận dạng (về “chiếc xe máy” và “người thanh niên”) của nhân chứng Đinh Vũ Thường. Tự ý sửa lời khai của nhân chứng về kích thước con dao (được xác định Hồ Duy Hải đã dùng để cắt cổ hai nạn nhân). Rút khỏi hồ sơ những tình tiết liên quan đến một nhân chứng đặc biệt quan trọng, có dấu hiệu liên quan đến cái chết của hai nạn nhân...

Còn nhiều mâu thuẫn

Sau khi nhận được đơn của luật sư và người thân của Hải, Viện KSND tối cao yêu cầu các cơ quan liên quan cần kiểm tra, làm rõ và báo cáo lãnh đạo Viện để theo dõi. Nhận thấy, hồ sơ vụ án còn nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ, từ đó, Viện KSND tối cao đã quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Theo Viện KSND tối cao, bản án sơ thẩm và phúc thẩm có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với tình tiết khách quan vụ án; việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ; nhiều nội dung cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn nhưng chưa được làm rõ.

Các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng như: bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu; không đưa lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án.

Đồng thời, Viện KSND tối cao xác định lời khai đầu tiên ngày 20/3/2008 của Hồ Duy Hải không nhận tội, nhưng bản khai này và một số lời khai nhân chứng không được đưa vào hồ sơ vụ án. Những tài liệu này có trong hồ sơ lưu trữ của cơ quan điều tra.

Ngoài ra, theo Viện KSND tối cao, cơ quan tiến hành tố tụng đã không lấy lời khai nhân chứng đầu tiên phát hiện vụ án và các dấu vân tay tại hiện trường chưa xác định được của ai.

 Xuân Duy