Vụ AIC: Luật sư đề nghị gỡ lệnh truy nã cho một bị cáo đang ở Mỹ
(Dân trí) - Theo luật sư, bị cáo Thuyết không bỏ trốn, ngược lại còn tích cực hợp tác với các cơ quan pháp luật theo phương án tối ưu nhất có thể.
Chiều 26/12, nhiều luật sư bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan, tranh luận trước tòa để bảo vệ quyền lợi cho thân chủ.
Luật sư Nguyễn Thị Thanh Hải, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết (Tổng Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội, người được xác định là bỏ trốn, đang bị truy nã), đưa ra quan điểm không đồng ý với cáo trạng về việc Thuyết bỏ trốn.
Theo luật sư, ngay sau khi biết bản thân bị đưa ra xét xử, bị cáo đã liên hệ với luật sư để tham gia tố tụng. Từ Mỹ, Thuyết đã viết bản tường trình khẳng định đã nhờ luật sư bào chữa, xin được xét xử vắng mặt vì lý do bất khả kháng.
Vì vậy, trước tòa, luật sư Hải đề nghị HĐXX chấp thuận bị cáo Thuyết không bỏ trốn, ngược lại còn tích cực hợp tác với các cơ quan pháp luật theo phương án tối ưu nhất có thể. "Bị cáo không từ bỏ quyền tự bào chữa và cũng không từ bỏ bất kỳ quyền, nghĩa vụ tư pháp nào mà pháp luật dành cho bị cáo trong vụ án này", luật sư đưa ra quan điểm.
Về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hình phạt, luật sư cho biết Công ty Thành An đã nộp khắc phục thay Thuyết số tiền hơn 1,9 tỷ đồng; Thuyết cũng được nhận nhiều bằng khen, giấy khen về các hoạt động xã hội - từ thiện; Là bị cáo duy nhất trong 8 bị cáo không có mặt tại phiên tòa gửi bản tường trình tới tòa, thể hiện sự ăn năn, thành khẩn.
Người bào chữa cho bị cáo đề nghị HĐXX cho Thuyết được hưởng mức án ở khung liền kề nhẹ hơn so với khung truy tố.
Trong bản luận tội của VKS, Nguyễn Đăng Thuyết bị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, mức án bị đề nghị là 3 - 4 năm tù.
Cùng bào chữa cho bị cáo Thuyết, luật sư Nguyễn Văn Tú còn đề nghị HĐXX và VKSND TP Hà Nội gỡ bỏ lệnh truy nã đối với bị cáo để Thuyết nhận được chính sách khoan hồng tối đa của pháp luật.
Tại phiên tòa chiều nay, một bị cáo khác được xác định là bỏ trốn là Đỗ Mỹ Hạnh (Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Vân Sa) cũng có luật sư bào chữa. Theo luật sư, trong thời gian sớm nhất, bị cáo Hạnh sẽ có tâm thư gửi đến HĐXX. Nội dung được cho là bị cáo sẽ quay về nước để chấp hành bản án, mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Đưa ra quan điểm về những cáo buộc dành cho thân chủ mình, luật sư của Hạnh cho rằng việc thông thầu, gian lận trong đấu thầu được thực hiện theo "Quy trình 70 bước" do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Công ty AIC) yêu cầu. Như vậy, luật sư đánh giá hành vi của bị cáo Hạnh là "tiểu tiết" khi chỉ ký báo giá cho AIC, thêm nữa, khi ký báo giá, Hạnh cũng không biết mục đích để làm gì.
Từ đó, luật sư bào chữa cho bị cáo bày tỏ mong muốn được cơ quan tố tụng, HĐXX xem xét lại mức án dành cho Đỗ Mỹ Hạnh. Trong bản luận tội của cơ quan tố tụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Vân Sa bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", mức án bị đề nghị là 6 - 7 năm tù.
Theo cáo buộc, Thuyết là Tổng Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội, đã thực hiện hành vi thông thầu thông qua việc làm "quân xanh", "quân đỏ" giúp Công ty AIC trúng 5 gói thầu, hưởng lợi hơn 1,9 tỷ đồng và gây thiệt hại hơn 55,5 tỷ đồng.
Đỗ Mỹ Hạnh bị cơ quan tố tụng cáo buộc đã có hành vi thông thầu, ký khống 13 bảng báo giá thiết bị để chuyển cho đơn vị tư vấn thẩm định giá. Bảng báo giá này sau đó được Công ty AIC và các công ty "quân xanh", "quân đỏ" sử dụng làm căn cứ để trúng 13 gói thầu, gây thiệt hại hơn 128 tỷ đồng.