1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Vụ AIC:

Luật sư đề nghị cựu Bí thư Đồng Nai được hưởng "khoan hồng đặc biệt"

Hải Nam

(Dân trí) - Luật sư cho rằng thân chủ mình là cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành xứng đáng được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt, trong đó có tình tiết "người phạm tội tự thú".

Sáng 26/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.

Luật sư đề nghị đổi tội danh truy tố cựu Bí thư Đồng Nai

Trong phần tranh luận, luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi, bào chữa cho bị cáo Trần Đình Thành (cựu Bí thư Đồng Nai), đề nghị HĐXX đánh giá lại nguồn chứng cứ thể hiện việc bị cáo này nhận tiền từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Theo VKS, qua lời khai của ông Thành, lời khai của nhân viên AIC và vợ bị cáo, cơ quan tố tụng xác định ông này có 6 lần nhận tiền từ Chủ tịch AIC. Tuy nhiên, luật sư cho rằng lời khai từ nhân viên AIC không đủ rõ ràng để chứng minh mục đích những lần đưa tiền cho ông Thành.

Luật sư đề nghị cựu Bí thư Đồng Nai được hưởng khoan hồng đặc biệt - 1

Toàn cảnh phiên tòa.

Từ đó, việc bị cáo Thành tự khai nhận 6 lần nhận tiền thể hiện cựu Bí thư Đồng Nai nhận thức được sai phạm của bản thân, thành khẩn khai báo. Luật sư Thi cho rằng thân chủ mình xứng đáng được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt, trong đó có tình tiết "người phạm tội tự thú".

Theo bản luận tội của VKSND TP Hà Nội, bị cáo Trần Đình Thành được hưởng các tình tiết giảm nhẹ "người phạm tội tự nguyện khắc phục hậu quả", "thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải", "tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án".

Cùng bào chữa cho bị cáo Thành, một luật sư khác nhận định việc nhận tiền của cựu Bí thư Đồng Nai trước giai đoạn đấu thầu là vi phạm đạo đức, không vi phạm pháp luật. Ngoài ra, quá trình đấu thầu, ông Thành cũng không có chỉ đạo trực tiếp để Công ty AIC trúng thầu.

Luật sư đề nghị cựu Bí thư Đồng Nai được hưởng khoan hồng đặc biệt - 2

Cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành.

Theo quan điểm của luật sư, để cựu bí thư bị quy vào tội "Nhận hối lộ" thì ông này phải là người có quyền hạn, thực hiện được theo mục đích của người đưa hối lộ. Tuy nhiên, trong vụ án này, ông Thành với vai trò là Bí thư tỉnh ủy lại không có quyền hạn trong quyết định để Công ty AIC trúng thầu trong Dự án. Ông Thành cũng không nằm trong ban chỉ đạo Dự án.

Từ đó, luật sư nhận định về mặt lý thuyết và thực tế, ông Thành không thỏa mãn yếu tố chủ thể để bị truy cứu tội "Nhận hối lộ" và đề nghị HĐXX đổi tội danh truy tố đối với cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai.

Trước tòa, ông Thành khai số tiền nhận từ Chủ tịch AIC, bị cáo dùng để làm từ thiện, sau đó cũng nộp khắc phục hết. Vì vậy, luật sư cho rằng thân chủ mình cần được hưởng khoan hồng.

Nhiều bị cáo được đề nghị cho hưởng khoan hồng

Trước HĐXX, luật sư Nguyễn Thị Thu, người bào chữa cho bị cáo Bồ Ngọc Thu (cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai), đưa ra quan điểm để bảo vệ quyền lợi cho thân chủ.

Theo cáo buộc của cơ quan tố tụng, bà Thu vì động cơ vụ lợi và thực hiện theo chỉ đạo của ông Trần Đình Thành, ông Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch Đồng Nai) đã bỏ qua các bước thẩm định, ký tờ trình phê duyệt lại dự án. Trong đó, dự án bổ sung thêm phần đầu tư thiết bị y tế số tiền hơn 756 tỷ đồng không có căn cứ, trái quy định. 

Trước cáo buộc trên, luật sư nhận định là không khách quan, làm tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bà Thu. Cụ thể, luật sư cho rằng cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai không có động cơ vụ lợi.

Luật sư đề nghị cựu Bí thư Đồng Nai được hưởng khoan hồng đặc biệt - 3

Luật sư bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa.

Người bào chữa cho bà Thu lập luận việc thân chủ ký Tờ trình số 1472/SKHĐT-XDCB (tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai về Quyết định điều chỉnh Dự án), là thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công của Sở Kế hoạch và Đầu tư, theo sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh.

Ngoài ra, luật sư cũng cho rằng bà Thu không tạo điều kiện cho AIC trúng thầu, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Theo luật sư, danh mục thiết bị y tế chuyên môn đính kèm Tờ trình 1472 không được sử dụng vào đưa vào hồ sơ đấu thầu nên hành vi ký tờ trình trên của bị cáo Thu không thể tạo điều kiện cho Công ty AIC dự thầu, trúng thầu.

Vì vậy, hành vi của bà Thu không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 148 tỷ đồng.

Cuối cùng, luật sư Nguyễn Thị Thu đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh truy tố của VKS. Luật sư nhận định hành vi này của bị cáo Thu có dấu hiệu của tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự. Trước đó trong bản luận tội, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bà Bồ Ngọc Thu 4-5 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Tiếp tục trong phần tranh luận, nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Thị Bích Thủy (Giám đốc Công ty TNT) đồng ý với quan điểm của VKS rằng hành vi của bà Thủy là "đồng phạm giúp sức với vai trò không đáng kể" và bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ.

Tuy nhiên, trước cáo buộc TNT là công ty "quân xanh", "quân đỏ", các luật sư lại cho rằng công ty của bà Thủy không nằm trong "hệ sinh thái" của Công ty AIC. Theo đó, người bào chữa cho Giám đốc Công ty TNT nhận định bà Thủy vì mong muốn được bán hàng trong cơ chế thị trường vận hành, đã thiếu kiểm soát, trở thành đồng phạm giúp sức có vai trò không đáng kể.

Cụ thể, hành vi của bị cáo Thủy là đứng tên đấu thầu hộ Công ty AIC. Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, luật sư đưa ra quan điểm bà Thủy có nhiều đóng góp cho xã hội, đặc biệt là trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Trước tòa, nhóm luật sư bào chữa cho bà Thủy đề nghị HĐXX áp dụng những chính sách khoan hồng đặc biệt khi quyết định mức hình phạt cho bị cáo.

Dòng sự kiện: Vụ án AIC