(Dân trí) - Hàng loạt đại án xảy ra chủ yếu do cán bộ, không thể đổ lỗi cho cơ chế. Điều này thể hiện rất rõ qua vụ nữ doanh nhân của "đế chế AIC" hối lộ hàng chục tỷ đồng cho quan chức, theo góc nhìn của ĐBQH.
Hàng loạt cán bộ từ Trung ương đến địa phương bị "cuốn" đi sau những "cơn bão" mang tên Việt Á, chuyến bay giải cứu hay AIC... Nhiều người gọi đó là những phép thử đau đớn trong công tác cán bộ, bởi một khi không giữ mình, không kiểm soát được quyền lực, cán bộ sẽ dễ dàng rơi vòng xoáy tiền - quyền. Kiểm soát quyền lực vì thế trở thành vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh Đảng đang dốc toàn lực để đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) với hàng loạt vi phạm nghiêm trọng trong đấu thầu dự án xảy ra tại một số bệnh viện công, khiến Nhà nước bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và quyết định truy nã đối với Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC). Nữ bị can này bị truy nã liên quan đến hành vi phạm tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Trước đó, khi điều tra dấu hiệu sai phạm trong việc thực hiện đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cơ quan điều tra xác định dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng, song đơn vị thẩm định giá đã thông đồng, nâng khống giá trị trang thiết bị trong điều chỉnh tổng mức đầu tư và giá gói thầu, thông thầu, gian lận trong đấu thầu, vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu, để Công ty AIC trúng thầu 12 gói thầu, với tổng trị giá gần 480 tỷ đồng, gây thiệt hại tài sản Nhà nước số tiền 152 tỷ đồng.
Sau khi nhiều thành viên của Công ty AIC bị khởi tố, loạt cựu cán bộ của tỉnh Đồng Nai liên quan đến vụ án cũng bị tạm giam để điều tra về tội Nhận hối lộ. Trong đó có ông Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai), ông Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh), bà Bồ Ngọc Thu (cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai)...
Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ (lúc đó là Giám đốc BVĐK Đồng Nai, sau là Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai) cùng Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã móc ngoặc với đơn vị thẩm định giá, thực hiện nhiều hành vi sai phạm trong quá trình xây dựng BVĐK Đồng Nai, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Đấu thầu...
26 lần đưa nhận hối lộ với số tiền hơn 45 tỷ đồng, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế), đã khiến nhiều lãnh đạo địa phương vướng vòng lao lý. Hàng chục tỷ hối lộ quan chức của bà Nhàn đều bằng tiền mặt, diễn ra ngay tại trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ở Hà Nội, với lần đưa hối lộ nhiều nhất lên tới 5 tỷ đồng tiền mặt.
Trong suốt một thời gian dài, bà Nhàn đã xây dựng nên "đế chế AIC", thao túng trong hoạt động thuộc nhiều lĩnh vực. Chỉ tính riêng vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Đồng Nai, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã hối lộ hơn 45 tỷ đồng.
Theo kết luận điều tra, năm 2003, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã có quan hệ quen biết với ông Trần Đình Thành, khi đó đang là Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai. Năm 2007, trước khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai, bà Nhàn gặp và nhờ ông Thành quan tâm, tạo điều kiện cho công ty tham gia các dự án của tỉnh.
Sau đó, bà Nhàn đã nhiều lần gặp gỡ ông Thành, ông Đinh Quốc Thái (khi đang là Phó Chủ tịch tỉnh), bà Bồ Ngọc Thu đề nghị tạo điều kiện để Công ty AIC tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai.
Trong nhiều năm liền, "đế chế AIC" dưới thời bà Nhàn liên tiếp trúng các gói thầu mua sắm trang thiết bị có giá trị rất lớn. Và sự ưu ái đối với AIC đã được Bộ Công an làm sáng tỏ khi điều tra các dự án mà công ty này trúng thầu.
Để tham gia dự án và trúng hàng loạt gói thầu, bà Nhàn chủ trương thành lập "ban nội bộ" - chuyên chi tiền đối ngoại. Cựu Chủ tịch AIC chủ động gặp gỡ, tạo quan hệ với lãnh đạo tỉnh, chủ đầu tư dự án, sau đó chi tiền cho những người này để tìm kiếm sự ưu ái.
Ông Trần Đình Thành khi là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai với quyền lực của mình đã giới thiệu bà Nhàn cho lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, giúp Công ty AIC của bà Nhàn nhận nhiều ưu ái trong suốt quá trình tham gia đấu thầu.
Có sự "đỡ đầu" từ lãnh đạo tỉnh, bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới câu kết với đơn vị thẩm định và tư vấn đấu thầu, nâng khống năng lực dự thầu, thiết lập "quân xanh"… để chắc chắn trúng thầu.
Ngoài vụ án ở Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng đang bị điều tra ở vụ án vi phạm đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ninh. Cựu Chủ tịch Công ty AIC cùng hàng loạt cựu nhân viên Sở Y tế bị khởi tố, do có hành vi thông đồng nâng giá thiết bị y tế, gây thiệt hại ngân sách hàng chục tỷ đồng.
Cả hai vụ án đều đóng vai trò quan trọng, song bà Nhàn đang bỏ trốn và bị phát lệnh truy nã. Dù Bộ Công an và VKSND tối cao đã phát thông báo kêu gọi đầu thú, đến nay vẫn chưa có kết quả.
Dù vậy, cuối năm 2022, đầu năm 2023, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC), cùng 35 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.
Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn 16 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, 14 năm tù về tội Đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Nhàn là 30 năm tù.
Liên quan vụ án ở Đồng Nai, điều đáng nói nhất là trong hơn 10 năm liền, Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần nhận "lót tay" để giúp Công ty AIC trúng 16 gói thầu cung cấp thiết bị y tế tại dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Quá trình triển khai dự án, ông Thành đã chỉ đạo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai "tạo điều kiện cho AIC tham gia và trúng thầu các gói về thiết bị y tế".
Cùng với việc "giúp sức" cho AIC trúng thầu, từ năm 2010 - 2015, cựu Bí thư tỉnh Đồng Nai đã 6 lần trực tiếp nhận tiền từ bà Nhàn, tổng 14,5 tỷ đồng. Trong đó có 3 lần bà Nhàn cho nhân viên đón ông Thành đến trụ sở AIC để đưa tiền, những lần còn lại nhận ngay tại trụ sở thành ủy.
Lần ông Thành nhận nhiều nhất vào năm 2012, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đưa hối lộ 5 tỷ đồng trong phòng làm việc của bà tại Hà Nội.
Ông Thành khai đã dùng phần lớn số tiền nhận hối lộ để gửi tiết kiệm, đầu tư bất động sản, phần còn lại giữ chi tiêu cá nhân.
Cũng nhận số tiền 14,5 tỷ đồng, cựu Chủ tịch Đồng Nai Đinh Quốc Thái được bà Nhàn và nhân viên "lót tay" trong 14 lần kéo dài hơn 10 năm. Những lần nhận "lại quả" này cũng đa phần diễn ra tại trụ sở AIC hoặc UBND tỉnh.
Cựu chủ tịch tỉnh khai đã đưa một phần số tiền nhận hối lộ cho vợ để đóng tiền cho hai con ruột du học tại Mỹ từ năm 2016 đến nay. Số tiền còn lại, ông Thái sử dụng cá nhân và chi phí một số việc trong gia đình.
Cựu Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cũng nhận hối lộ 6 lần với tổng cộng 14,8 tỷ đồng. Những lần đưa nhận tiền đều diễn ra tại phòng làm việc của Vũ.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án nhận hối lộ và vi phạm đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai và Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế AIC diễn ra hồi cuối năm 2022, khi được nói lời sau cùng, cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành chia sẻ ông đã mắc phải những sai phạm nghiêm trọng nên rất đau khổ, ân hận, day dứt, hổ thẹn với mọi người.
Bị cáo này nói thêm, Đảng bộ tỉnh Đồng Nai là nơi cưu mang, tạo điều kiện thuận lợi và tin tưởng giao trọng trách cho ông nhưng với những sai phạm của mình, ông đã đem lại vết nhơ cho Đảng bộ.
"Là một lãnh đạo cao cấp, là bí thư tỉnh ủy mà mắc những sai phạm nghiêm trọng dẫn đến con đường lao lý, tù đày, bị cáo rất đau xót về tội lỗi của mình", cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nói trong day dứt.
Cuối cùng, bị cáo Thành còn gửi lời tới những người còn đang công tác hãy thường xuyên xem xét, tự cảnh giác với chính bản thân mình, bởi hoạt động trong cơ chế kinh tế thị trường đầy những cạm bẫy.
"Nếu không thường xuyên rèn luyện, nhắc nhở bản thân thì đây là mảnh đất rất dễ sa vào vũng bùn của sự tội lỗi, đánh mất tất cả những gì tốt đẹp mà cả cuộc đời đã gây dựng", ông Thành nói.
Cựu Chủ tịch Đồng Nai Đinh Quốc Thái khi nói lời sau cùng cũng bày tỏ sự ăn năn, hối lỗi và cho hay đây là bài học không chỉ cho ông, mà còn cho những cá nhân khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
"Bị cáo rất đau buồn vì truyền thống gia đình, niềm tin của gia đình, bạn bè đối với bị cáo, sự nghiệp của bị cáo đã mất hết. Bị cáo xin cúi đầu nhận hết tất cả tội lỗi của mình để khi soi xét, những người tiếp tục sự nghiệp sau này tránh được các sai phạm mà bị cáo đã mắc phải", cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai trình bày và mong được hưởng sự khoan hồng của tòa án.
Nhận định rõ đó là những biểu hiện của lợi ích nhóm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh đấu tranh phòng, chống các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực dưới hình thức "nhóm lợi ích" là vấn đề đã được đề cập tới trong nhiều văn kiện của Đảng, được dư luận xã hội rất quan tâm trong thời gian gần đây.
Và việc kiểm soát quyền lực để phòng, chống "lợi ích nhóm" trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật cũng có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế - là một trong những đột phá chiến lược trong mục tiêu phát triển đất nước.
Ông Cường chỉ ra những "lợi ích nhóm tiêu cực", giống như trong vụ án AIC, làm trầm trọng tệ nạn tham nhũng, gây tổn thất, thất thoát lớn về nguồn lực của đất nước; làm băng hoại đạo đức, gây bất bình trong xã hội; làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào chế độ. Vì vậy, những "nhóm lợi ích" này cần được nhận diện rõ ràng để kiểm soát, ngăn chặn.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, "nhóm lợi ích" thường bao gồm những người có chức, có quyền hoặc liên quan đến người có chức, có quyền trong bộ máy Nhà nước. Nhóm này thường hoạt động kín, được che giấu dưới các thủ tục hợp pháp, lợi dụng danh nghĩa lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia để hưởng lợi không chính đáng nên khó phát hiện.
Đặc biệt, theo ông Cường, "nhóm lợi ích" có thể tác động lên quá trình hoạch định chính sách ở Trung ương hoặc địa phương. Vì thế, cần kiểm soát quyền lực để phòng, chống "lợi ích nhóm", "tham nhũng chính sách" trong hoạt động xây dựng chính sách pháp luật.
Để siết chặt công tác này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết quy trình lập pháp bao gồm nhiều bước, nhiều giai đoạn bắt buộc phải tuân thủ, mỗi giai đoạn có tính chất độc lập tương đối (từ lập chương trình xây dựng pháp luật; soạn thảo; thẩm tra; trình Quốc hội xem xét, thông qua), với nhiều chủ thể tham gia, bảo đảm quyền của các chủ thể tham gia không bị sự tác động, sự chi phối tiêu cực của các chủ thể khác.
Cán bộ nắm giữ quyền lực phải có trách nhiệm giải trình
Để xây dựng cơ chế giám sát quyền lực với những cán bộ thường tiếp xúc với doanh nghiệp hoặc cán bộ làm việc trong lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng trước hết phải yêu cầu họ thực hiện đúng quy định của pháp luật về công khai minh bạch trong tổ chức hoạt động.
Qua đó, người dân, doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước khác có thể giám sát được hoạt động hoạt động công vụ của cán bộ. Bên cạnh đó, cần phát huy dân chủ để người dân có cơ hội, điều kiện phản ánh những hành vi, việc làm của người thực thi công vụ.
Cùng với cơ chế giám sát, cần quy định cán bộ nắm giữ quyền lực có trách nhiệm giải trình với những việc họ làm khiến người dân, dư luận thắc mắc.
"Đặc biệt, cán bộ làm việc trong những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực hay thường xuyên tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp phải định kỳ thay đổi vị trí công tác, bởi nếu cán bộ ngồi mãi một ghế sẽ dễ tạo ra các mối quan hệ lợi ích nhóm", theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Với nhiều năm kinh nghiệm làm trong lĩnh vực tư pháp và nghiên cứu nhiều văn bản hướng tới giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ông Cường nhấn mạnh muốn kiểm soát được quyền lực, phải kiểm soát được tài sản thu nhập của cán bộ. "Hiện nay đã có quy định cán bộ phải kê khai tài sản, thu nhập nhưng cần tiến tới quy định buộc họ giải trình những tài sản, thu nhập phát sinh không rõ ràng về nguồn gốc và có cơ chế xử lý khi tài sản cán bộ tăng lên bất thường mà không chứng minh được nguồn gốc. Bởi theo lẽ thường, làm một công chức bình thường không thể tự nhiên có khối tài sản khổng lồ được", ông Cường nói.
Đồng thời với các giải pháp đó, theo ông, phải thực hiện tốt việc thanh toán qua tài khoản vì chỉ có như vậy mới có thể kiểm soát được mọi giao dịch, kể cả những giao dịch bất thường.
Công nghệ thông tin cũng cần được đẩy mạnh và áp dụng trong các hoạt động công vụ, hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ với người dân, doanh nghiệp. Như vậy sẽ bớt được sự nhũng nhiễu của người có quyền lực.
Một giải pháp khác để kiểm soát quyền lực, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, phải thực hiện tốt việc phát hiện, tăng cường thanh tra, kiểm tra, trong đó kiểm tra cả của Đảng, vì những người nắm giữ quyền lực Nhà nước ở những vị trí quan trọng đều là đảng viên. Cùng với đẩy mạnh thanh tra, phải tăng cường hoạt động điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội một cách nghiêm minh.
"Sự giám sát của người dân cùng các cơ quan dân cử, MTTQ và các tổ chức đoàn thể cũng rất quan trọng trong góp phần kiểm soát quyền lực. Muốn làm được đó cần có cơ chế phát huy dân chủ để người dân có thể tham gia giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đồng thời động viên, khuyến khích và có cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng", đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường nêu quan điểm.
Kiểm soát quyền lực là một chủ trương rất đúng với thực tiễn đất nước, bởi lạm dụng quyền lực sinh ra tham nhũng, và chỉ những người có quyền lực mới có thể tham nhũng.
Chủ trương chống tham nhũng có từ khi thành lập Đảng nhưng chỉ có gần đây mới thành phong trào mạnh mẽ, mở rộng ra chống tham nhũng, tiêu cực ở cả mảng kinh tế, điều tra và xử lý nghiêm minh nhiều lãnh đạo tập đoàn kinh tế lớn.
Xét về mối quan hệ thì những người có chức quyền luôn gắn với người có tiềm lực kinh tế để bắt tay nhau, tạo nên tình trạng lợi ích nhóm và câu chuyện "sân trước, sân sau".
Thời điểm tôi còn công tác ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chủ trương kiểm soát quyền lực chưa được quán triệt mạnh mẽ như hiện nay. Khi đó, công tác kiểm tra chủ yếu dựa vào đơn tố cáo chứ chưa chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm như bây giờ. Cơ chế kiểm soát quyền lực hiện nay đã tốt hơn rất nhiều với việc chủ động kiểm tra giám sát, khi phát hiện ra sai phạm thì xử lý luôn, quy trình xử lý rất nhanh chóng và đồng bộ.
Trước đây để xử lý được một ủy viên Trung ương là khó lắm, quy trình nhiều bước và mất rất nhiều thời gian, nhưng hiện nay việc này đã khác rất nhiều. Vì thế mới có thể sớm phanh phui những đại án như vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu hay AIC - điển hình của hiện tượng lợi ích nhóm khi cán bộ các cấp cùng doanh nghiệp cấu kết, bắt tay nhau để trục lợi. Thậm chí, sai phạm dính đến cả những cán bộ cấp cao là bộ trưởng, ủy viên Trung ương.
Để kiểm soát tốt quyền lực, quan trọng nhất là siết chặt công tác cán bộ từ khâu quy hoạch, tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm. Tiếp đó, việc đánh giá cán bộ phải khách quan, thực chất; kiểm tra, giám sát cán bộ thường xuyên để ngăn ngừa lạm dụng quyền lực.
Nội dung: Hoài Thu
Thiết kế: Tuấn Huy