Trịnh Văn Quyết đã "đạo diễn" phi vụ lừa 30.403 nhà đầu tư ra sao?
(Dân trí) - Diễn biến phiên tòa thể hiện, vụ án trên được "đạo diễn" bởi ông Trịnh Văn Quyết, còn "biên kịch" là Trịnh Thị Minh Huế, cựu cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC (em gái ruột ông Quyết).
Dự kiến, chiều 26/7, VKSND TP Hà Nội sẽ công bố bản luận tội, đồng thời đưa ra mức đề nghị án đối với 50 bị cáo trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC.
Trong 3 ngày xét xử trước đó, các nội dung, cáo buộc trong cáo trạng của vụ án đã được làm rõ. 49/50 bị cáo, bao gồm cả cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đều thừa nhận hành vi phạm tội, ăn năn, hối cải và xin được hưởng khoan hồng của pháp luật.
Tận dụng tối đa người thân, quen
Diễn biến phiên tòa thể hiện, vụ án trên được "đạo diễn" bởi ông Trịnh Văn Quyết, còn "biên kịch" là Trịnh Thị Minh Huế, cựu cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC (em gái ruột ông Quyết).
Trong lúc anh em Quyết - Huế bị cách ly, các bị cáo tại Tập đoàn FLC cũng như các công ty "họ FLC" có chung lời khai. Họ đều nghe theo chỉ đạo hoặc sự nhờ vả của Trịnh Thị Minh Huế và một phần nào đó, vô tình phạm tội.
Những người em, họ hàng gần của ông Quyết như Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Văn Đại, Trịnh Tuân... đã bị Huế lừa ký vào những bản hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, biên bản họp, giấy nộp tiền... khống để giúp cựu Chủ tịch FLC nâng khống vốn chủ sở hữu của Tập đoàn FLC.
Ngoài ra, những người thân, quen như Nguyễn Thị Hồng Dung (vợ Nguyễn Quang Trung, họ hàng với bị cáo Trịnh Văn Quyết, thợ may), Nguyễn Văn Mạnh, cựu Trưởng nhóm vật tư cảnh quan, phòng mua sắm của Công ty TNHH MTV FLC Land (em rể ông Quyết)... cũng không "thoát" khỏi chiêu trò của ông Quyết.
Chưa dừng lại ở đó, Huế còn tận dụng triệt để những bị cáo trên, nhờ họ mượn căn cước, thông tin của những cá nhân khác để mở tài khoản chứng khoán, phục vụ cho hành vi thao túng các mã cổ phiếu "họ FLC".
Có thể nói, ông Trịnh Văn Quyết và Trịnh Thị Minh Huế đã lợi dụng người nhà, người thân, rồi kéo họ cùng rơi vào vòng lao lý.
Sức ép từ doanh nghiệp
Tuy nhiên, những hành vi nêu trên mới chỉ là "bước đầu tiên" trong kế hoạch phạm pháp của Trịnh Văn Quyết. 3 ngày xét hỏi tại TAND TP Hà Nội đã vạch ra cách mà cựu Chủ tịch FLC cùng đồng phạm "lách" luật.
Sau khi nâng khống được vốn chủ sở hữu Công ty Faros từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng, ông Quyết muốn niêm yết mã cổ phiếu ROS của Faros lên Sàn HoSE của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM.
Tại tòa, cựu Vụ trưởng Giám sát công ty đại chúng (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) Lê Công Điền khai rằng Vụ Giám sát thành lập tháng 3/2016 thì tháng 5/2016, Vụ nhận được hồ sơ xin đăng ký công ty đại chúng của Faros.
Với kinh nghiệm, ông Điền nhận thấy quá trình tăng vốn của doanh nghiệp trên có sự bất thường nên đã yêu cầu Faros giải trình, bổ sung nhiều nội dung, trong đó có báo cáo kiểm toán do Công ty kiểm toán CPA Hà Nội thực hiện.
Độ quái của ông Trịnh Văn Quyết thể hiện rất rõ khi vị chủ tịch này đã chỉ đạo Huế và cấp dưới "làm việc" với CPA Hà Nội và dễ dàng có trong tay những bản báo cáo kiểm toán.
Ông Điền sau đó buộc lòng phải đồng ý cho Faros đăng ký là công ty đại chúng nhưng vẫn có một công văn lưu ý đi kèm và yêu cầu công ty này tiếp tục giải trình những bất thường.
Lý giải cho quyết định này, cựu Vụ trưởng cho biết UBCKNN không có quy định được phép từ chối. Đồng thời, bản thân ông Điền từng 2 lần bị Faros phản ánh "gây khó khăn cho doanh nghiệp, yêu cầu nhiều tài liệu ngoài quy định, vượt quá thẩm quyền".
Bước cuối cùng
Vượt qua được ải "đăng ký công ty đại chúng", Faros tiến đến việc đăng ký niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM.
Tại bục khai báo, bị cáo Lê Thị Tuyết Hằng, cựu Giám đốc phòng quản lý và thẩm định niêm yết, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, cho biết sau khi nhận hồ sơ của Faros, đi kèm với công văn trên của ông Điền, bà đã báo cáo cấp trên và sau đó yêu cầu Faros giải trình về vốn góp.
Câu trả lời thỏa đáng chưa thấy đâu, bà Hằng và cựu Phó Tổng giám đốc HoSE Trầm Tuấn Vũ bị lãnh đạo "nhắc nhở".
Cựu Chủ tịch HĐQT HoSE Trần Đắc Sinh khai từng gặp bị cáo Doãn Văn Phương (nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Faros, đang bỏ trốn) và được đề nghị giúp đỡ làm nhanh các hồ sơ.
Ông Sinh cũng cho biết, trước thời điểm ROS được niêm yết khoảng 5-6 tháng, ông cũng gặp ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch FLC).
Sau khi được phía FLC nhờ, cựu Chủ tịch HOSE đã trao đổi với Lê Hải Trà (cựu Phó Tổng giám đốc thường trực, thành viên độc lập Hội đồng niêm yết Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM), Lê Thị Tuyết Hằng và một số cá nhân khác, đề nghị niêm yết nhanh cổ phiếu giúp doanh nghiệp.
Tại bục khai báo, ông Sinh cho rằng sai phạm trong việc niêm yết cổ phiếu ROS mang tính hệ thống. Tuy nhiên, bị cáo này nhìn nhận bản thân là lãnh đạo Sở nên phải chịu trách nhiệm.
Cuối cùng, ngày 24/8/2016, ROS được niêm yết và được chính thức giao dịch vào ngày 1/9/2016. Hơn 391 triệu cổ phiếu ROS được hình thành từ vốn góp chủ sở hữu khống của Faros được bán cho 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, giúp Trịnh Văn Quyết chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng.
Bồi thường bằng tất cả tài sản
"Kính thưa HĐXX , tôi tôn trọng cáo trạng, tôi đồng ý với cáo trạng", cựu Chủ tịch FLC trả lời câu hỏi đầu tiên của tòa.
Đối diện với những chất vấn của chủ tọa để làm rõ vụ án, ông Quyết không đưa ra bất kỳ lời bào chữa, bao biện nào mà nhiều lần gói gọn trong cụm từ: "Đúng trong cáo trạng".
Chỉ có duy nhất nội dung mà cựu Chủ tịch FLC phải lên tiếng "đính chính" trước tòa, đó là khi HĐXX đặt câu hỏi: "Hành vi lừa đảo mục đích có để chiếm đoạt tiền của người mua cổ phiếu không?".
Ông Trịnh Văn Quyết khẳng định chưa bao giờ có mục đích sẽ chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư. Lời khai này sau đó một lần nữa được ông Quyết xác nhận khi trả lời câu hỏi của luật sư, rằng ông ta chưa bao giờ có ý định muốn bán cổ phiếu, lúc nào cũng muốn giữ cổ phiếu và mua thêm.
9 phút là khoảng thời gian mà HĐXX hoàn tất việc xét hỏi với cựu Chủ tịch FLC.
Trước tòa, ông Trịnh Văn Quyết xin được dùng tài sản cá nhân trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng của mình để khắc phục. 4.300 tỷ đồng là số tiền mà cơ quan công tố buộc ông Quyết phải chịu trách nhiệm.
Để có thể thực hiện cam kết trên, cựu Chủ tịch FLC mong được tạo điều kiện thuận lợi để được xử lý khối tài sản cá nhân đã và đang bị cơ quan điều tra phong tỏa hơn 2 năm qua.
Mâu thuẫn trong các bị hại
Trong vụ án này, cơ quan công tố xác định 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu (lần bán ra ban đầu) ROS là bị hại trong vụ án.
Ông V.X.H. (61 tuổi, ở quận Long Biên, Hà Nội) trình bày ông mua cổ phiếu ROS của Công ty Faros từ khoảng năm 2018-2019, hiện ông còn nắm giữ 1.300 cổ phiếu.
Trước tòa, ông H. cho biết thời điểm mua cổ phiếu, ông tự tìm hiểu về công ty và không biết gì về ông Trịnh Văn Quyết cũng như dàn lãnh đạo của doanh nghiệp này.
"Cổ phiếu hiện tôi vẫn nắm giữ, chưa có thiệt hại. Vì vậy tôi đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho anh Quyết để anh ấy về tiếp tục sản xuất kinh doanh, để cổ phiếu chúng tôi lại tiếp tục được giao dịch trên sàn chứng khoán", ông H. bày tỏ mong muốn.
Tương tự, một bị hại khác cũng mong muốn HĐXX sớm giải quyết vụ án, "để anh Quyết về giải quyết hậu quả. Tôi nghĩ rằng anh Quyết là người sẽ giải quyết hiệu quả nhất", bị hại này nói.
Tuy nhiên, cũng có những luồng ý kiến khác từ các bị hại về phương án khắc phục hậu quả.
Anh V.T.N. (ở quận 10 TPHCM) trình bày đang nắm giữ 200.000 cổ phiếu ROS. Bị hại này đề xuất cho giao dịch lại mã cố phiếu ROS hoặc đền bù bằng số tiền nhà đầu tư đã mua cổ phiếu.
Anh L.Q.H. (50 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) nói bản thân đang mắc kẹt 150.000 cổ phiếu ROS. Tuy nhiên, anh H. cho biết anh không được xem xét là bị hại mà chỉ là người liên quan. Anh H. mong muốn HĐXX xác định lại, coi tất cả những cổ đông, người đang nắm giữ cổ phiếu ROS là bị hại.
Gửi gắm đề nghị trực tiếp đến ông Trịnh Văn Quyết, anh H. mong muốn cựu Chủ tịch FLC hãy dùng tài sản của mình để mua lại cổ phiếu của những cổ đông không còn muốn tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp này nữa.