1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Phạm Công Danh bị tuyên phạt 30 năm tù

(Dân trí) - Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tuyên phạt bị cáo Phạm Công Danh 30 năm tù, đồng thời buộc Danh phải bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại do Danh và đồng phạm đã gây ra. Nhóm giám đốc "bù nhìn" chỉ là những người làm công ăn lương, không được hưởng lợi nên không phải liên đới bồi thường các khoản tiền dân sự.

Bị cáo Phạm Công Danh bị tuyên phạt 30 năm tù, bị cáo Phan Thành Mai bị tuyên phạt 22 năm tù
Bị cáo Phạm Công Danh bị tuyên phạt 30 năm tù, bị cáo Phan Thành Mai bị tuyên phạt 22 năm tù

18h45, Sau khi tuyên án, chủ tọa phiên tòa - thẩm phán Phạm Lương Toản - đọc quyết định khởi tố hàng loạt vụ án liên quan tới Phạm Công Danh và đồng phạm.

Căn cứ vào hồ sơ vụ án, HĐXX nhận thấy Phạm Thùy Trang là người tích cực giúp sức cho Phạm Công Danh rút tiền ra khỏi ngân hàng VNCB. Phạm Thùy Trang là người giới thiệu Danh với bà Trần Ngọc Bích. Tại tòa, bà Bích cũng khai nhận chỉ thực hiện giao dịch với Phạm Thùy Trang. Có đầy đủ căn cứ để khởi tố Phạm Thùy Trang về tội cố ý làm trái.

Ông Hoàng Văn Toàn và nhóm tín dụng đã cho các công ty Đại Hoàng Phương và Thịnh Quốc vay vốn trái quy định có dấu hiệu vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, vì thế HĐXX quyết định khởi tố vụ án. Kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ hành vi của Nguyễn Việt Hà và quỹ Lộc Việt trong hành vi nhận ủy thác đầu tư trái phiếu.

HĐXX nhận thấy ông Hà và những người liên quan có cơ sở để biết việc đầu tư trái phiếu để rút tiền nhưng vẫn nhận ủy thác. Đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ. Việc bị cáo Danh và bị cáo Mai chưa đủ điều kiện để lãnh đạo ngân hàng nhưng vẫn được bổ nhiệm, HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm những người liên quan tại cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước trong việc này.

Bị cáo Danh cho rằng đã chuyển cho Hà Văn Thắm 500 tỷ để mua ngân hàng VNCB, HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của Hà Văn Thắm. HĐXX đề nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của Lưu Trung Kiên, Trần Hiệp.

HĐXX nhận thấy ông Lê Anh Tuấn là Chủ tịch IDICO cũng là người ký các giấy ủy quyền, ký giấy vay vốn gây sai phạm, có dấu hiệu đồng phạm với Phạm Công Danh, đề nghị cơ quan điều tra làm rõ.

Tiếp tục kiến nghị điều tra làm rõ các hành vi đã khởi tố trong giai đoạn 2 sớm có kết quả đưa ra xét xử. Kiến nghị Ngân hàng nhà nước chấn chỉnh các hoạt hoạt trong lĩnh vực tài chính, xử lý hành chính đối với các nhân viên ngân hàng sai phạm mà chưa bị xử lý hình sự.

18h, Về phần dân sự, HĐXX buộc Danh phải bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại mà Danh cùng đồng phạm đã gây ra. Bà Quách Kim Chi và Phạm Công Danh phải liên đới bồi thường theo tỷ lệ góp vốn trong tập đoàn Thiên Thanh.

Nhóm giám đốc bù nhìn chỉ là những người làm công ăn lương, không được hưởng lợi nên không phải liên đới bồi thường các khoản tiền dân sự.

Các tài sản đang bị kê biên tại Chi Lăng Đà Nẵng tiếp tục kê biên. Các tài sản đang cầm cố cho ngân hàng thì giao cho các ngân hàng xử lý. Các tài sản do hai vợ chồng Danh chưa cầm mà vẫn đang bị kê biên thì tiếp tục kê biên nhằm thi hành án.

Buộc bà Hứa Thị Phấn phải trả lại 948 tỷ đồng cho VNCB mà Danh đã chuyển cho bà Phấn bởi đây là tiền phạm tội mà có. Quyền sử dụng đất tại Bà Rịa Vũng Tàu là tài sản của Thiên Thanh Long Hải, là công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh.

Tuy nhiên, bà Bích cho rằng đây là tài sản bà Trang dùng để thế chấp vay vốn giữa bà Trang và bà Bích. Toàn bộ giấy tờ này bà Bích đang nắm giữ nhưng không đăng ký giao dịch đảm bảo, chỉ có công chứng. Đây là giao dịch dân sự, không thuộc phạm vi vụ án này nhưng để đảm bảo công bằng, Hội đồng xét xử nhận thấy cần tiếp tục duy trì kê biên cho đến khi tranh chấp liên quan được xử lý.

Hội đồng xét xử cho rằng cần giải tỏa kê biên 124 sổ tiết kiệm trên, chuyển về cho ngân hàng CB giải quyết theo hợp đồng tín dụng với nhóm ông Thanh, bà Bích. Những tài sản khác thu hồi được tại ngân hàng như điện thoại, máy tính…được trả lại cho ngân hàng.

Những tài sản cá nhân khác của các bị cáo sẽ được giải tỏa kê biên trả về cho các bị cáo nhưng tạm giữ để đảm bảo thi hành án. Số tiền 52,5 triệu đồng bị cáo Vân nhận lương làm giám đốc và đã đưa cho cơ quan điều tra xin tự nguyện nộp lại tiền góp phần khắc phục hậu quả. Hội đồng xét xử xét thấy khoản tiền này thu hồi là hợp lý nên thu hồi góp phần thi hành án.

17h45, Vì các lẽ trên, HĐXX tuyên bố các bị cáo Phạm Công Danh 18 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, 20 năm tù tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng - Tổng hợp hình phạt bị cáo Danh phải chịu là 30 năm tù (theo quy định tù có thời hạn không quá 30 năm tù).

Cùng tội danh trên, tòa tuyên phạt các bị cáo Phan Thành Mai 22 năm tù, bị cáo Mai Hữu Khương 20 năm tù, bị cáo Hoàng Đình Quyết 19 năm tù. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ án treo tới 9 năm tù.

17h10, HĐXX buộc tập đoàn Thiên Thanh và Phạm Công Danh liên đới bồi thường toàn bộ số tiền mà những công ty do Danh lập ra để rút tiền ra khỏi ngân hàng Xây dựng. Việc bà Chi có 20% cổ phần tại tập đoàn Thiên Thanh và Danh là 80%, buộc Danh và bà Chi phải dùng tài sản cá nhân để thi hành án.

Các tài sản liên quan tới vụ án đang bị kê biên tại khu phức hợp Chi Lăng Đà Nẵng, HĐXX xét thấy số tài sản này đang thế chấp cho ngân hàng CB, do đó tiếp tục phải kê biên toàn bộ tài sản này. Các tài sản mà Danh đang cầm cố tại các ngân hàng để vay vốn thì bỏ lệnh kê biên tài sản, giao tài sản này cho các ngân hàng tự quản lý, nếu có số dư ra thì sẽ nộp lại cho cục thi hành án. Bởi đây là những giao dịch dân sự không liên quan tới vụ án. Đối với những tài sản của bị cáo Danh và vợ là bà Quách Kim Chi chưa thế chấp tại ngân hàng, qua xét hỏi xác định đây là tài sản chung, nên tiếp tục kê biên tài sản để phục vụ thi hành án

Phạm Công Danh bị tuyên phạt 30 năm tù - 2

17h, Hành vi của các bị cáo rút các số tiền ra khỏi tài khoản bà Trần Ngọc Bích mà không có sự đồng ý của bà Bích là vi phạm pháp luật. Vì vậy, các bị cáo bị truy tố tội cố ý làm trái. Số tiền 5.190 tỷ đồng mà Bích đã vay của ngân hàng CB là vật chứng của vụ án, cần thu hồi lại cho ngân hàng CB. Do đây là vật chứng của vụ án nên Danh đang nợ của ông Thanh số tiền 5.190 tỷ đồng.

Với số tiền này, bị cáo Khương không được lợi gì nên buộc Danh và tập đoàn Thiên Thanh phải bồi thường toàn bộ số tiền này. Yêu cầu VKS thu hồi 550 tỷ đồng của bà Bích nhận của Danh, và thu hồi số tiền 97 tỷ Danh chuyển cho bà Phấn vì đây là tiền do Danh phạm tội mà có. Số tiền này là tang vật vụ án buộc ông Thanh và bà Phấn phải trả lại cho ngân hàng CB.

Tại tòa, bị cáo Quyết đề nghị thu hồi số tiền chi nhánh Lam Giang đã chuyển 117 tỷ cho bà Bích bởi tiền này phạm tội mà có. Trong số tiền trên có 72 tỷ là tang vật vụ án nên yêu cầu bà Bích phải giao nộp cho ngân hàng CB số tiền này.

16h40, Tòa tiếp tục tuyên án. Theo HĐXX, việc nâng khống hệ thống Corebanking, Phạm Công Danh chỉ đạo rút ra khỏi ngân hàng VNCB 63 tỷ đồng. Số tiền này được chuyển vào tài khoản công ty An Phát (công ty do Danh thành lập) sau đó số tiền này được chuyển vào tài khoản của Danh.

Tại tòa, Danh khai nhận toàn bộ hành vi này nên buộc Danh phải bồi thường cho ngân hàng CB số tiền 63 tỷ đồng. Việc khai khống hồ sơ thuê mặt bằng thông qua công ty Trung Dung (do Danh thành lập), số tiền này được chuyển ra khỏi ngân hàng chuyển vào tài khoản công ty Trung Dung làm thất thoát hơn 200 tỷ đồng, buộc Danh phải trả lại toàn bộ số tiền trên cho ngân hàng CB.

Công ty Trung Dung là công ty do Danh thành lập ra nên để phục vụ việc thi hành án, HĐXX yêu cầu thu hồi toàn bộ tài sản của công ty nếu có. Rút 900 tỷ ra khỏi ngân hàng bằng việc ủy thác đầu tư qua công ty Quỹ Lộc Việt. Buộc Quỹ Lộc Việt phải bồi thường lại toàn bộ số tiền này.

Số tiền hơn 800 tỷ Danh đã chuyển cho bà Hứa Thị Phấn là trái pháp luật nên buộc bà Phấn phải giao nộp toàn bộ số tiền này.

Số tiền 5.190 tỷ đồng chuyển ra khỏi ngân hàng không có chữ ký của bà Bích. Tại tòa, bà Bích cũng như luật sư của bà Bích khai nhận bà không quen biết Danh. Bà chỉ thực hiện các giao dịch với bà Phạm Thùy Trang, nhưng số tiền này đã được hoàn thành nghĩa vụ, thì ngân hàng mới tiếp tục cho bà Bích cầm cố sổ tiết kiệm để tiếp tục vay.

Việc Danh giao tiền với ông Trần Quý Thanh là hợp lệ, ông Thanh không biết nguồn tiền. Theo bị cáo Danh, đến thời điểm này Danh đang nợ ông Thanh 5.190 tỷ đồng. Có căn cứ nhận định có mối quan hệ giữa ông Thanh và Danh thông qua quan hệ của Bích và Thùy Trang. Đây là giao dịch dân sự hợp pháp.


Phạm Công Danh tại phiên xử hôm nay

Phạm Công Danh tại phiên xử hôm nay

16h5, phiên tòa giải lao.

15h50, HĐXX nhận định, các bị cáo Hồ Thị Đi, Cao Phước Nhàn, Nguyễn Hữu Duyên, Bùi Thị Hà Thu... đều rõ các công ty do mình làm giám đốc là do Danh thành lập, nhưng vẫn chấp nhận lời mời của Danh làm giám đốc. Làm thất thoát của ngân hàng VNCB hàng ngàn tỷ đồng, nhưng các bị cáo là người làm công ăn lương nên không thể yêu cầu các bị cáo liên đới bồi thường dân sự.

Tuy nhiên, cần dựa vào mức sai trái của từng bị cáo để đưa ra một bản án thích đáng. Trong quá trình điều tra, các bị cáo thành khẩn khai báo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình có công với cách mạng, vì vậy cần xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

15h30, Trong vụ án này, Phạm Công Danh là chủ mưu, cố tình làm trái gây thất thoát cho ngân hàng VNCB 9.000 tỷ đồng, cần có bản án nghiêm khắc đối với Danh. Tuy nhiên bị cáo thành khẩn khai báo, sau khi vụ án xảy ,bị cáo tích cực giao nộp tài sản để khắc phục hậu quả, gia đình bị cáo có công với cách mạng, cần xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Danh.

Phan Thành Mai với cương vị là Tổng giám đốc ngân hàng Xây dựng, biết rõ những hành vi của Phạm Công Danh. Mai chủ động giúp sức tích cực để Danh rút tiền ra khỏi ngân hàng, cần có bản án phù hợp đối với bị cáo Mai nhằm răn đe, giáo dục chung. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, ăn ăn hối cải. Cần xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Mai.

Ngoài ra, HĐXX cũng nhận định, hành vi cố ý làm trái và vi phạm quy định cho vay của các bị cáo trong trong vụ án này, đều là đồng phạm giúp sức. Cáo trạng truy tố là đúng người đúng tội, trong quá trình lượng hình, HĐXX xem xét cân nhắc dựa vào sai phạm của từng bị cáo để có một bản án phù hợp. Tuy nhiên, trong nhóm này nhiều bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, không có tiền án, tiền sự, gia đình có công với cách mạng. Trong vụ án các bị cáo phạm tội trong vai trò thứ yếu vì vậy HĐXX chấp nhận đề nghị của VKS giảm nhẹ hình phạt cho những bị cáo đồng phạm giúp sức cho bị cáo Danh.


HĐXX khẳng định, Phạm Công Danh đóng vai trò chủ mưu, cố tình làm trái gây thất thoát cho ngân hàng VNCB hơn 9.000 tỷ đồng

HĐXX khẳng định, Phạm Công Danh đóng vai trò chủ mưu, cố tình làm trái gây thất thoát cho ngân hàng VNCB hơn 9.000 tỷ đồng

15h10, căn cứ hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, HĐXX khẳng định có đủ căn cứ truy tố các bị cáo là đúng. Vì vậy, HĐXX quyết bác yêu cầu của các luật sư về việc trả hồ sơ vụ án. Về yêu cầu của luật sư Phạm Thị Minh Thơ đề nghị khởi tố bà Phạm Thị Thu Hương là không có căn cứ.

Trong thời gian ngắn, các bị cáo đã câu kết thực hiện hàng loạt vụ việc sai trái rút hơn 9.000 tỷ đồng ra khỏi ngân hàng VNCB. Việc truy tố các bị cáo là đúng người đúng tội. Nhờ vào mối quan hệ của Phạm Thùy Trang, Danh quen biết với Trần Ngọc Bích và người thân của Bích (gọi là nhóm Trần Ngọc Bích). Xác định Bích là khách hàng lớn của ngân hàng, Danh đã chủ trương cho nhóm này vay tiền bằng cách cầm cố các sổ tiết kiệm.

Ngày 21/6/2013, Bích vay 3.100 tỷ của ngân hàng Xây dựng sau đó chuyển qua tài khoản của Danh, Danh tiếp tục chuyển số tiền này qua tài khoản Trần Quý Thanh. Ngày 21/8/2013, Bích vay tiền của ngân hàng Xây dựng không có hồ sơ vay vốn để tất toán khoản nợ ngày 21/6. Tổng số 124 sổ tiết kiệm chưa được gỡ thế chấp cho khoản nợ ngày 21/6 nhưng Danh vẫn chủ trương cho Trần Ngọc Bích tiếp tục dùng số sổ tiết kiệm nay để vay tiền. Sau đó, số tiền này chuyển vào tài khoản của Danh, Danh tiếp tục chuyển qua tài khoản của Trần Quý Thanh. Trong thời gian ngắn số tiền giao dịch giữa Danh và Bích là 5.190 tỷ đồng.

14h50, Đối với các bị cáo được Danh “nhờ” làm giám đốc, theo HĐXX, các bị cáo này không biết các công ty hoạt động gì, chỉ biết ký vào các hồ sơ vay vốn theo chủ trương.

Trên kết quả giám định, các công ty này không có khả năng chi trả các khoản vay tại ngân hàng VNCB. Do đó, các bị cáo phải chịu toàn bộ trách nhiệm và hậu quả do mình gây ra.

Các nhân viên ngân hàng VNCB ký khống hồ sơ cho những công ty sân sau của Phạm Công Danh vay tiền. Tại tòa, bị cáo Lý Minh cũng khai nhận mình biết việc làm sai trái của Phạm Công Danh nhưng vẫn ký nhận việc cho vay. HĐXX chấp nhận bào chữa của luật sư bào chữa cho bị cáo Lý Minh có sai phạm trong quá trình làm việc nhưng không phải là nguyên nhân dẫn đến hậu quả của vụ việc.

Trong khoản vay 5.000 tỷ đồng mà những công ty Danh lập ra để vay của VNCB, ngoài những hồ sơ vay vốn đã tất toán, đến thời điểm hiện tại gây thất thoát của ngân hàng VNCB 2.000 tỷ đồng. Các nhân viên ngân hàng Xây dựng đã thực hiện hành vi phạm tội độc lập như lời luận tội của đại diện VKS là chưa đúng. Bởi các nhân viên này thực hiện sai phạm theo quy trình từ trên xuống, có chỉ đạo. Vì vậy, không chấp nhận lời luận tội của đại diện VKS.


Các bị cáo tại phiên xử chiều nay

Các bị cáo tại phiên xử chiều nay

14h35, Nhận định tiếp, HĐXX còn chỉ ra rằng, ngoài ra, Danh còn lập ra 12 công ty ảo để rút ra khỏi ngân hàng VNCB hàng trăm tỷ đồng. Các công ty vay tiền của VNCB đều do Danh thành lập và chủ trương ký xác nhận cho những công ty này. Những nhân viên tín dụng khi xem xét hồ sơ vay vốn mà không thẩm định đã cho phép những công ty này vay vốn là vi phạm quy định pháp luật.

Việc làm của Danh làm thất thoát của ngân hàng VNCB một số tiền rất lớn, đến thời điểm hiện ,những số tiền này đều không có khả năng thu hồi. Về chứng thư thẩm định giá lô đất tại Chi Lăng Đà Nẵng, chứng thư đưa ra chỉ là giả định bởi dự án này chưa được thực hiện, chứng thư chỉ dựa vào quy định của UBND TP Đà Nẵng mà không so sánh với giá thị trường. Vì vậy, HĐXX không thể áp dụng chứng thư định giá này.

Sau đó, HĐXX quyết định thành lập hội đồng định giá mới. Tuy nhiên sau đó, bị cáo Danh và luật sư của mình đã xin rút yêu cầu thẩm định giá lại lô đất này. Từ những phân tích trên, HĐXX quyết định chấp nhận chứng thư thẩm định giá của công ty thẩm định giá miền nam. Nhóm nhân viên tín dụng của ngân hàng VNCB đã vi phạm quy định cho vay, bởi những người này chỉ nhận hồ sơ vay vốn mà không thẩm định lại khả năng thu hồi vốn của các công ty. Nhân viên tín dụng đã ký khống hồ sơ do Phạm Công Danh chuẩn bị sẵn, nên HĐXX quyết định bác bỏ bào chữa của luật sư khi yêu cầu chuyển tội danh của các bị cáo sang tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

14h20, HĐXX tiếp tục nhận định, việc thuê mặt bằng tại địa chỉ 816 Sư Vạn Hạnh và 286 Tô Hiến Thành là có thật cũng như việc đổi trụ sở làm việc mặc dù được ngân hàng nhà nước cho phép nhưng mọi việc phải theo lộ trình. Trong bối cảnh ngân hàng VNCB đang thua lỗ mà chi ra một số tiền lớn để thuê mặt bằng là trái quy định. Vì vậy, HĐXX quyết định bác bỏ quan điểm bào chữa của các luật sư.

Các bị cáo Mai Hữu Khương, Phan Thành Mai là những người biết việc làm sai trái này của Danh nên bị quy kết là đồng phạm giúp sức cho bị cáo Danh là đúng người đúng tội. Việc phát hành trái phiếu, việc ủy thác của Quỹ Lộc Việt là vi phạm pháp luật bởi chưa thông qua đại hội cổ đông. Trong khi ngân hàng đang đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt việc rút tiền ra khỏi VNCB là vi phạm pháp luật.

Việc rút 5.190 tỷ đồng ra khỏi tài khoản của Trần Ngọc Bích mà không có chữ ký của chủ tài khoản, hành vi rút ra 300 tỷ đồng ra khỏi ngân hàng mà không hồ sơ vay vốn, thay vào đó là cầm cố sổ tiết kiệm. Tại tòa, bị cáo Phan Thành Mai không thừa nhận mình biết sự việc này. Nhưng căn cứ hồ sơ vụ án cho thấy, việc cho nhóm Trần Ngọc Bích nợ chứng tờ diễn ra theo quá trình và diễn ra nhiều lần. Mọi nhân viên của VNCB ai cũng biết . Phan Thành Mai là Tổng giám đốc ngân hàng VNCB nên chắc chắn không thể không biết vụ việc này. Vì vậy, HĐXX bác bỏ bào chữa của luật sư bào chữa cho bị cáo Mai.

Phạm Công Danh bị tuyên phạt 30 năm tù - 6

Bị cáo Phạm Công Danh bước vào phòng xử án chiều nay (9/9)

Bị cáo Phạm Công Danh bước vào phòng xử án chiều nay (9/9)

Tại phiên tòa sáng nay, HĐXX xem xét đánh giá lại toàn bộ phiên tòa. Theo đó, các bị cáo Phạm Công Danh, Mai Hữu Khương, Phan Thành Mai, Hoàng Đình Quyết... đều khai nhận toàn bộ hành vi của mình.

HĐXX nhận định, việc đại diện VKSND tối cao truy tố bị cáo Danh về tội cố ý làm trái là có căn cứ. Bởi từ năm 2011, Danh chưa chính thức nắm giữ ngân hàng Đại Tín nhưng đã từng bước đưa người của mình vào hoạt động trong ngân hàng.

Việc Phạm Công Danh lập ra hàng loạt công ty con để tìm cách rút tiền ra khỏi ngân hàng đã vi phạm quy định cho vay của nhà nước. Vì vậy, việc truy tố Danh hai tội danh trên là có căn cứ.

Việc các luật sư bào chữa cho bị cáo Phan Thành Mai cho rằng bị cáo Mai bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, HĐXX nhận định không có căn cứ để xem xét.

Hoàng Đình Quyết là người biết rõ những hoạt động sai trái của Danh nhưng vẫn ký nhận những ủy nhiệm chi, thực hiện các giao dịch ra rút tiền ra khỏi ngân hàng, khi chưa có sự đồng ý của tổ giám sát. là sai phạm.

Xuân Duy - Trung Kiên