1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Dương Chí Dũng “đào tẩu” sau cuộc điện thoại “mật báo”

(Dân trí) - “Tôi trốn đi chỉ vì quá hoảng, không có mục đích móc ngoặc với tổ chức nước ngoài nào để chống lại nhà nước vì chống lại nhà nước nghĩa là tôi chống lại bố mẹ tôi, bố mẹ vợ, chống lại sự nghiệp của mình”–Dương Chí Dũng biện bạch hùng hồn trước tòa.

Tiền mua nhà cho “bồ” là… mượn vợ

Phần thẩm vấn sáng 13/12, tòa dành thời gian hỏi thêm việc bỏ trốn của Dương Chí Dũng. Với câu hỏi, vội vàng bỏ trốn nhằm trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật từ đại diện VKS, Dương Chí Dũng phủ nhận ngay. Bị cáo khẳng định, đi trốn hoàn toàn không phải vì sợ đã cố ý làm trái, tham ô hay vì tội trạng gì.

Kiểm sát viên cố truy danh tính người gọi điện, thời điểm gọi điện báo tin để Dũng kịp thời trốn đi ngay trước khi bị khởi tố, Dương Chí Dũng khai, khoảng trên dưới 6h tối ngày 17/5 nhận được cuộc điện thoại của người quen nói “Chú tránh đi một thời gian”. Hoảng quá, Dũng “cứ thế đi luôn, mục đích càng đi xa Hà Nội càng tốt, đúng như lời “mật báo”.
 
Bị cáo Dương Chí Dũng tại tòa

Bị cáo Dương Chí Dũng tại tòa

Danh tính người mật báo, Dương Chí Dũng trình bày đã khai với CQĐT. Đó là một cán bộ trong CQĐT nhưng làm 1 vụ án khác, không tham gia điều tra vụ việc tại Vinalines. Dũng xin không phải nói lại.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

“Đi một chặng đường dài như vậy sang Campuchia, quá cảnh qua Đức rồi tới Mỹ, tiền đâu? Ai là người cung cấp tiền cho bị cáo?” – đại diện cơ quan công tố tiếp tục truy.

Dũng giải thích, là người thường xuyên phải đi công tác nên bị cáo luôn có sẵn tiền trong người cũng như các loại giấy tờ, từ chứng minh thư hộ chiếu, bằng lái xe, tới kính mát, mũ mềm… trong cặp. Tiền chi dùng là của bản thân bị cáo có, không ai đưa cho.

Về mục đích trốn đi nước ngoài, nhất là theo hướng sang Mỹ, Dũng lý giải, hướng đến Campuchia vì không cần visa, từ đó mới nghĩ ra việc mua vé sang Mỹ.

“Tôi trốn đi chỉ vì quá hoảng, chỉ nghĩ đi khỏi Hà Nội càng xa càng tốt, không có mục đích nào khác, không có mục đích móc ngoặc với tổ chức nước ngoài nào để chống lại nhà nước vì chống lại nhà nước nghĩa là tôi chống lại bố mẹ tôi, bố mẹ vợ, chống lại sự nghiệp của mình. Có người nói cho một biệt thự ngay giữa Washington tôi cũng không đi chứ đừng bảo chui nhủi ra nước ngoài sống” – bị cáo thống thiết đặt tay lên ngực trái kiểu tuyên thệ.

Dương Chí Dũng cũng thanh minh thêm, chỉ sau khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới biết bản thân có sai sót, đó là cố ý làm trái còn việc ụ nổi không phải là tàu, Dũng vẫn nhắc lại, tại thời điểm đó vẫn nhận thức vậy.

“Tôi nhận trách nhiệm vì không sâu sát, giám sát trình tự, thủ tục của anh em làm nên không phát hiện dự án chưa được phê duyệt đã làm, không tổ chức đấu thầu. Nhưng tôi khẳng định không tham ô” - cựu Chủ tịch Vinalines kêu oan.

Buổi làm việc sáng 13/12, vợ cựu Chủ tịch Vinalines cũng được tòa hỏi với tư cách người liên quan.

Góp lời thanh minh cho chồng là không tham ô, không nhận tiền chia chác từ Trần Hải Sơn, vợ Dương Chí Dũng lập luận, Sơn nói mang tiền đến nhà mẹ vợ Dũng ở Hải Phòng để giao cho Dũng là vô lý vì thời điểm đó, con gái Dũng sinh nở, ở tại ngôi nhà nhỏ 24m2 đó, phòng khách cũng là nơi kê giường ngủ của bà cụ và mẹ con cháu gái, lại đúng giờ ăn cơm tối, không lý gì Sơn không gặp ai.

Còn số tiền Dũng nói mua 2 căn nhà cho cô T. (nhân tình), vợ bị cáo “gật đầu” với chồng về nguồn tiền là của chị. Người vợ bị phản bội giải thích khoản tiền là của Sơn đưa để đầu tư BĐS, Sơn gom tiền của mọi người đưa cho để mua đất nhưng giá cao, chưa mua được. Khi chồng nói có việc, hỏi “mượn”, chị cũng tin chồng, đưa cho mượn. Dũng không nói lý do là mua nhà cho T. nhưng chị đã nghĩ chỉ là mục đích đó.

Nhân chứng “chống”

Ngược với những thông tin “đối chứng” theo hướng ủng hộ cựu Chủ tịch Vinalines, lời khai của bị cáo Trần Hải Sơn cũng như những người liên quan, nhân chứng là “người nhà” Sơn chống lại Dũng.

Em gái Sơn, chị Trần Thị Hải Huyền (sống tại Hải Phòng) khẳng định biết anh trai có chuẩn bị những khoản tiền lớn cho các “sếp”. Một lần chị Huyền được Sơn báo chuẩn bị 5 tỷ đồng để khi về Hải Phòng sẽ mang cho “bác Dũng Chủ tịch”. Huyền đưa tiền, Sơn cho vào 1 valy kéo sang nhà mẹ vợ anh Dũng (ngay đằng sau lưng nhà Huyền). Lúc chuẩn bị tiền có cả chồng chị Huyền biết.

Nhân chứng này xác nhận có chứng kiến việc Sơn xếp tiền vào valy nên hỏi đi đâu để anh lấy ô tô đưa đi vì thấy mang nhiều tiền quá. Khi đó Sơn  nói không cần đưa đi vì chỉ sang nhà “bác Dũng” thôi.

Em gái khác của Sơn – Trần Thị Hải Hà (GĐ Công ty Phú Hà đã giúp Sơn nhận khoản tiền lại quả 1,666 triệu USD từ công ty AP) khai, một lần Sơn nói “có bác Dũng tổng vào TPHCM công tác, chuẩn bị khoảng 5 tỷ đồng để anh đưa bác”. Chị Hà rút tiền nhiều lần mới đủ khoản 5 tỷ đồng nhưng khi đến thấy không hoàn toàn là tiền chẵn Sơn đã bảo em gái ra ngân hàng đổi thành tiền 500.0000 đồng vì nếu không số tiền sẽ phải mang đi bằng… bao tải.

Chị Hà cũng trình này, khi có tiền, Sơn cho vào va ly kéo và nói chiều tối đến khách sạn Victory để đưa cho “bác Dũng”.

Về phần chia cho Tổng GĐ Mai Văn Phúc, chị Hải Huyền cũng khai có lần nhận được 3 tỷ đồng từ chị gái Hải Hà chuyển từ TPHCM ra, nhắn rút tiền đưa Sơn. Số tiền này để Sơn mang đi đưa cho Phúc.

Một lần khác, gần Tết âm lịch 2008, Sơn cũng nhờ Huyền chuẩn bị cho 2,5 tỷ đồng nói mang sang cho Phúc tại đám cúng giỗ gì đó ở quê nhà Phúc tại An Hồng, An Dương, Hải Phòng. Lần đó chồng Huyền chở Sơn đi bằng xe gia đình. Nhân chứng này cũng xác nhận việc đã đưa Sơn đi An Hồng. Một lần khác, anh này chở Sơn cùng va ly tiền đến khách sạn Hoa Hồng (Hà Nội) để tối đó đưa đến nhà Phúc ở làng Quốc tế Thăng Long.

Em rể khác của Sơn cũng khai Sơn từng một lần nhờ tài khoản anh để nhận 2 tỷ đồng tiền của chị Hải Hà chuyển về (khoảng tháng 7/008). Mỗi lần ra Hà Nội, Sơn cũng thường nhờ anh này đánh xe chờ đến nhà Tổng GĐ Mai Văn Phúc ở làng Quốc tế Thăng Long.

P.Thảo
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước