1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Cựu Chủ tịch Dương Chí Dũng - TGĐ Mai Văn Phúc “đấu khẩu” nảy lửa

(Dân trí)- Bị truy về trách nhiệm, cựu Chủ tịch Dương Chí Dũng “chối” chỉ là người đứng đầu trong tập thể có quyền quyết định cao nhất, việc làm cụ thể là trách nhiệm của Tổng GĐ Mai Văn Phúc. Phúc tố lại “thâm thù” vì từng bị Dũng chơi xấu khi tranh cử chức Tổng GĐ.

Quyết nhanh, kiểm tra qua quýt vì tiêu tiền nhà nước?!

Về mối quan hệ với công ty AP, cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng thừa nhận quen thân GĐ công ty Goh Hoon Seow từ năm 2000, 2 gia đình rất thân thiết, con gái Dũng sang Singapore học cũng qua Goh giới thiệu, tìm chỗ ở, qua lại kiểm tra. Lấy lời khai ban đầu tại CQĐT, Dũng “giấu nhẹm” việc này vì thấy nếu khai quen biết ông Goh sẽ bất lợi, có thể bị hiểu sai. Sau này, Dũng mới khai lại “thâm tình” với ông Goh.

Tuy nhiên, bị cáo phủ nhận tác động của mối quan hệ này trong thương vụ mua bán ụ nổi 83M. Dương Chí Dũng khẳng định duy nhất 1 lần chạm mặt ông Goh trong cuộc hội thảo về ụ nổi tại TPHCM nhưng cũng chỉ chào xã giao một câu, không trao đổi gì thêm. Còn quyết định chọn AP và ông Goh làm đối tác, Dũng lý giải quan điểm mua bán với ai là việc của Tổng GĐ Mai Văn Phúc, chấp thuận được thì Dũng cũng “gật đầu”.
 
Cựu Chủ tịch Dương Chí Dũng - TGĐ Mai Văn Phúc “đấu khẩu” nảy lửa
Bị cáo Dương Chí Dũng (giữa) và 9 bị cáo đồng phạm đứng trước vành móng ngựa. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN/vietnamplus.vn

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Xem lại vì sao kiểm toán không phát hiện sai phạm tại EVN

Chính phủ "thúc" sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định mới về điều hành xăng dầu

Sáng mai đấu thầu 15.000 lượng vàng SJC

2 tỷ USD xây dựng nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1

Chủ tọa phiên tòa truy dồn dập, vậy khi gặp lại tên “cố nhân” khi ban GĐ trình phương án mua qua AP bị cáo suy nghĩ gì? Khi biết rõ ụ nổi thuộc sở hữu của công ty Nga, không phải của AP, bị cáo suy nghĩ gì? Khi nhận đề nghị nhờ “ủng hộ” của ông Goh trong việc mua bán này, bị cáo suy nghĩ gì?

Dương Chí Dũng chỉ đáp, HĐQT đã thống nhất 100% chủ trương mua ụ nổi 83M vì qua báo cáo, món hàng chỉ có nhược điểm là đang hỏng hóc, phải sửa chữa.

Bị hỏi về trách nhiệm, bị cáo cúi đầu: “Để xảy ra chuyện này tôi rất buồn, thấy mình có trách nhiệm vì không sâu sát, không điều tra. Kết luận cố ý hay vô tình là do HĐXX nhưng trong chúng tôi rõ ràng không ai cố tình mua về một thứ như vậy, chỉ vì nhận thức nó không phải là tàu, nếu là tàu thì chỉ mua loại ít tuổi thôi…”.

Dũng cũng thú nhận hiện cũng không biết tình trạng ụ nổi này đã đến mức như nào. Trước khi bị bắt, năm 2012, cựu Chủ tịch Vinalines có 1 lần đến “thăm” ụ nổi khi thiết bị nằm “chết” ở Vũng Tàu.

Gạt ngang trình bày của bị cáo, thẩm phán chủ tọa phiên tòa bức xúc: “Là người đứng đầu Tổng Công ty mà việc gì bị cáo cũng chỉ làm qua quýt như vậy, có phải vấn đề là vì tiêu tiền của nhà nước, không cần phải tính toán?”.

Cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines lý giải, nói bị cáo là người có trách nhiệm cao nhất trong vụ mua ụ nổi không phải nhưng đó là trách nhiệm của người đứng đầu trong tập thể có quyền quyết định cao nhất. Dũng cho biết, sau ít tháng được bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nhận được kết luận của Thanh tra Chính phủ là thủ tục đầu tư dự án này sai, bị cáo vẫn không nghĩ bản thân quyết định sai trong việc mua ụ nổi. Vấn đề sửa chữa phức tạp là phát sinh sau này.

Dương Chí Dũng vận động không bỏ phiếu bầu Tổng GĐ cho Phúc

Phần xét hỏi Tổng GĐ Mai Văn Phúc, bị cáo lại trần tình mới ngồi vào ghế Tổng GĐ 2 tháng. Việc ký tờ trình đề nghị HĐQT phê duyệt dự án nhà máy sửa chữa tàu biển, đầu tư mua ụ nổi 83M chỉ hoàn toàn trên cơ sở các ban tham mưu gửi lên, “khi đến tay đã có hàng chục chữ ký đảm bảo”.
 
Cựu Chủ tịch Dương Chí Dũng - TGĐ Mai Văn Phúc “đấu khẩu” nảy lửa

Bị cáo Mai Văn Phúc thanh minh, phê duyệt dự án mua ụ nổi dựa trên cơ sở các ban tham mưu đảm bảo (Ảnh: Phương Thảo)

Bị cáo cũng biện giải, không thực hiện thủ tục chào giá, đấu thầu mua ụ nổi, dù biết những quy định này nhưng mảng nội dung này do Phó Tổng GĐ Trần Hữu Triều phụ trách, tân Tổng GĐ chỉ làm theo. Phúc còn thanh minh, bản thân đã cẩn thận giao ban pháp chế thẩm định độc lập dự án mới ký mà vẫn… sảy chân.

Nhận được tờ quảng cáo về một ụ nổi của Mỹ sản xuất năm 1988, Phúc còn bút phê yêu cầu cấp phó khảo sát, nghiên cứu. Với ụ 83M, Tổng GĐ cũng hỏi lại sao mua hàng “già” như thế thì được Trần Hữu Triều giải thích không có lựa chọn nào khác, chỉ 83M là phù hợp và tốt nhất so với 2 ụ nổi do Vinashin đang khai thác, thậm chí còn rẻ hơn.

Khi đoàn khảo sát đi Nga về, Phúc khẳng định cũng đã hỏi các thành viên có gặp chủ ụ nổi không thì được báo cáo có gặp nhưng đối tác từ chối đàm phán trực tiếp vì đã bán trước cho công ty AP. Phúc lại hỏi phía Nga trả hoa hồng cho AP thế nào.

“Khi đó cả 3 anh Triều, Khang, Sơn bật cười. Tôi còn nhớ rất rõ thái độ của họ lúc đó và trong ngành tôi cũng hiểu, Triều đáp “việc đó ai người ta nói với mình”. Tôi hỏi vì không muốn giá chênh lệch quá cao, để khi đàm phán nhất định khống chế, không cho họ “ăn” quá nhiều. Vì quyền lợi của TCty thôi. Chúng tôi đang khó khăn, phải đi vay vốn…” – bị cáo diễn giải.

Bị truy về việc hồ sơ của ụ nổi thể hiện rõ việc con tàu đã cũ kỹ, hỏng hóc, đã bị dừng phân cấp, hiện không hoạt động được, sao vẫn “nhắm mắt” ký, Phúc thú nhận: “Đến giờ này tôi cũng chưa được nhìn qua hồ sơ về ụ nổi này vì giấy tờ vẫn nằm ở ngân hàng”.

Thừa nhận chưa lần nào yêu cầu cấp dưới xuất trình hồ sơ, báo cáo cụ thể để xem xét về sản phẩm, Mai Văn Phúc "vuốt đuôi", vì vậy nên khi bị bắt rồi bị cáo mới thấy phần trách nhiệm của mình trên cương vị Tổng GĐ TCty nhưng “trách nhiệm đến đâu thì xin được xem xét”.

Bị cáo cũng biện minh thêm, quá trình làm chịu sức ép từ HĐQT, Chủ tịch HĐQT Dương Chí Dũng vì liên tiếp yêu cầu đảm bảo tiến độ các dự án, dọa báo cáo Thủ tướng cách chức.

Phúc cũng thừa nhận do mâu thuẫn cá nhân với Dũng rất sâu sắc nên chưa bao giờ gặp, trao đổi, bàn bạc riêng với nhau, chỉ “đấu” trên bàn họp HĐQT.

“Nói ra thì rất xấu hổ nhưng sự thực là khi cơ quan đang thực hiện thủ tục bổ nhiệm tôi vào chức Tổng GĐ, tôi phải nói thật với anh Dũng (bị cáo quay xuống người đồng cấp phân bua, Dương Chí Dũng gật đầu hưởng ứng), tôi biết anh Dũng xúi nhiều người không bỏ phiếu cho tôi để tôi không trúng cử. Tôi thấy tôi rất tốt với anh Dũng mà lại đối với tôi như thế trong khi trước đó anh em rất thoải mái, gần gũi”, Mai Văn Phúc “tố” giữa tòa khiến chủ tọa phải “chỉnh”, yêu cầu bị cáo trả lời HĐXX, không phải quay xuống “ngả bài” với bạn.
 
Thuật lại quá trình trốn chạy, Dương Chí Dũng trình bày, khi Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang CQĐT, sau lần bị công an triệu tập hỏi về sự việc, bị cáo vẫn chưa biết bản thân bị khởi tố. Chiều tối 17/5/2012 nghe được thông tin đó, bị cáo “hoảng quá” nên bỏ trốn, chỉ nghĩ cố đi càng xa càng tốt.
 
“Tất cả rối bời, tôi không tự chủ được, cứ thế là đi thôi. Giờ bình tĩnh lại, tôi hiếu cái sai nọ nối cái sai kia. Tôi nghĩ chạy sang Campuchia rồi từ đó đi Mỹ nhưng vì visa của tôi cơ quan quản lý nên khi mua vé từ Campuchia đi Mỹ, qua đến New York thì bị trả lại theo đúng chiều vé khứ hồi, không cho nhập cảnh” – Dũng khai bị bắt tại Campuchia ngày 14/9/2012, sau gần 4 tháng trốn tránh truy nã.
 
P.Thảo

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước