Tiền chia "bác Dũng tổng" phải mang bằng… bao tải (!!!)
(Dân trí) – Em gái Trần Hải Sơn là Trần Hải Hà kể đi rút ngân hàng nhiều lần về mới đủ tiền nhưng khi đưa Sơn, Sơn nói “Tiền anh để mang cho bác Dũng “tổng” ngoài Hà Nội mà lẻ như này thì mang bao tải đi à...”.
11h30, Tòa quyết định dừng buổi làm việc sáng, 14h chiều, phiên xử tiếp tục.
11h25’, Luật sư Được chuyển sang hỏi Trần Hải Sơn. Ông Được trích một bút lục lời khai của Sơn tại cơ quan điều tra là bị cáo đã 3 lần mang 3 va ly tiền đến nhà Phúc ở làng Quốc tế Thăng Long, đến gặp một người phụ nữ ra mở cửa, không ai rót nước, Sơn không uống nước, chỉ đến để va ly tiền lại rồi về. Một bản khai khác của Sơn là đưa 10 tỷ cho Phúc làm 3 lần, trong vòng khoảng 5 tuần. Cuối cùng, sự việc thể hiện đến giờ lại là 2 lần đưa đến nhà Phúc, lần sau cùng lại mang về An Dương, Hải Phòng và cách lần đầu đến… 7-8 tháng.
11h20’, Luật sư Hoàng Huy Được hỏi bị cáo Mai Văn Phúc, kế toán trưởng Loan khai không ký nháy ký tắt vào hồ sơ thanh toán ụ nổi 83M vì phát hiện thấy thiếu chứng từ? Phúc chỉnh lại, Loan giải thích là việc thanh toán LC không cần chữ ký của kế toán trưởng, hợp đồng cũng không có ô cho kế toán trưởng ký mà việc để cho Trần Hữu Chiều là Phó Tổng GĐ phụ trách việc này ký thì đúng hơn. Vì vậy Phúc đã đồng ý chứ không có chuyện Loan báo cáo là hồ sơ thiếu gì.
Phúc cũng diễn giải thêm, bản thân trước đó không có kiến thức gì về ụ, cũng không biết việc trước đó thông tin về ụ 83M đã được gửi đến Phó Tổng GĐ Chung.
“Sự thật việc xảy ra tại TCty Hàng hải làm thất thoát lớn tiền bạc của nhà nước, người dân, bị cáo cũng phải suy nghĩ, dằn vặt rất nhiều” – Phúc nói về nhận thức trách nhiệm của mình.
11h8’, luật sư Trần Đại Thắng “xoay” Sơn: “Bị cáo làm hợp đồng hợp tác kinh doanh, rồi làm thủ tục nhận xong chuyển trả lại 1,666 triệu USD, nghĩa là trả lại hết ông Goh bằng ấy tiền à?”. Sơn đáp, ngay bản thân hợp đồng hợp tác đã là khống rồi, thì giấy tờ để chuyển lại khoản tiền cũng là hình thức thôi, còn thực tế khoản tiền đã chuyển về Việt Nam trót lọt.
11h, Luật sư Trần Đại Thắng đề nghị hỏi chị Trần Hải Hà (em gái Trần Hải Sơn). Hà kể việc có lần Sơn báo em gái chuẩn bị 5 tỷ đồng. Hà đi rút ngân hàng nhiều lần về mới đủ tiền nhưng khi đưa Sơn, Sơn nói “Tiền anh để mang cho bác Dũng “tổng” ngoài Hà Nội mà lẻ như này thì mang bao tải đi à. Mang đi đổi tiền 500.000 đồng cho anh”. Lần này, chị Hà mới biết tiền anh trai nhiều lần bảo chuẩn bị cho anh để đi đưa sếp là đưa cho… bác Dũng “tổng”.
Tòa hỏi tiếp, chị Hà khai, biết lần đưa tiền đó Sơn hẹn được “bác Dũng tổng” vào tầm chiều tối. Khi đó phải lo đổi tiền rất gấp mới kịp cho anh mang đi.
10h50’, Tòa trở lại chi tiết hợp đồng lao động của lái xe Quỳnh. Sơn nói Quỳnh là cháu của một người quen được đưa vào để lái xe ở công ty của Sơn. Khi chưa chính thức vào làm thì hợp đồng lao động với anh này chỉ ký một tháng một. Vậy nên có hợp đồng từ 29/8 đến 29/9/2008. Công ty này của Sơn thành lập từ tháng 3/2008 và anh Quỳnh làm từ đó, hợp đồng lao động ký ngắn hạn, Sơn không nhớ đã có bao nhiêu lần ký hợp đồng với anh này.
10h44’, luật sư Trần Đình triển đề nghị HĐXX xem xét việc bản tự khai của anh Quỳnh (người lái xe đón Sơn từ khách sạn Victory sau khi Sơn mang 5 tỷ đến đây cho Dũng) thể hiện, hợp đồng lao động của anh này với công ty của Sơn là từ tháng 9/2008 nhưng sao ngày 7/7/2008, Quỳnh đã làm lái xe của công ty để đến đón Sơn được?
Chủ tọa phiên tòa ngắt lời, nói lời khai của anh Quỳnh có lưu trong hồ sơ vụ án, còn việc đánh giá chứng cứ là của tòa, luật sư không hỏi lại bị cáo.
10h34’, luật sư Triển hỏi thêm Trần Hải Sơn: “Có việc trước khi Chiều tiếp nhận dự án, Phó Tổng GĐ Bùi Văn Chung đã được AP chào giá bán ụ nổi 83M giá 9 triệu USD?”. Sơn xác nhận lời khai này tại cơ quan điều tra.
Có văn bản Sơn gửi cho ông Goh bàn về việc thương lượng giá, Sơn cũng xác nhận.
10h25’, Luật sư Trần Đình Triển đề nghị được thẩm vấn thêm Mai Văn Khang. Khang phủ nhận việc Sơn khai một lần tại phòng Khang, Dũng xuống có dặn Sơn, Khang phải mua bằng được ụ nổi 83M. Khang không biết người nào liên hệ với công ty AP trước đó để biết thông tin về ụ nổi 83M.
Lần cả đoàn đi khảo sát ở Nga có đến văn phòng nhà máy Nakhodka và được cung cấp hồ sơ pháp lý của ụ nổi.
Về công ty Global Success thì chỉ đến khi bị bắt, tại cơ quan điều tra Khang mới nghe thông tin về công ty này.
10h19’, Tòa đặt vấn đề, Chiều là Trưởng Ban QLDA trong khi Sơn chỉ là Phó Ban, Chiều rõ ràng biết ụ nổi chào bán chỉ dưới 5 triệu USD mà Vinalines mua lại giá 9 triệu USD thì sao khi đưa tiền không nói rõ với Chiều là tiền ụ nổi?
Sơn giải thích có những quy định bất thành văn ở Vinalines. Khi bị cáo làm Tổng GĐ một công ty con của Vianlines, được cấp 1 khoản vốn thì cũng phải chia cho người này người kia một khoản nhất định. Việc chia cũng có tỷ lệ nhất định.
Sơn khai lại, khoản tiền đưa cho Chiều, ban đầu Sơn cũng nhớ là chuẩn bị 500 triệu đồng chứ không phải 340 triệu đồng nhưng sau đó anh Chiều nói với cơ quan điều tra là 340 triệu nên Sơn nghĩ Chiều khai thế thì đúng thế thôi vì bị cáo rất tin Trần Hữu Chiều. Có thể là tiền bị cáo rút ra rút vào nhiều, có thể lẫn.
10h12’, Khai về lần mang 2,5 tỷ đồng về quê An Dương, Hải Phòng cho Phúc, Sơn nhấn mạnh, tiền để trong một túi nilon màu đen. Hôm đó em rể lấy xe chở Phúc đi, chiếc xe 7 chỗ không vào trong ngõ nhà Phúc được. Sơn xuống xe ở đầu ngõ, đi bộ vào khoảng 200m. Hôm đó nhà Phúc đang có việc, có đông người. Sơn vào một phòng khách, có bộ bàn ghế, chỉ ngồi khoảng 10-15 phút rồi về luôn.
Từ quốc lộ 10 phải rẽ qua một quãng đồng trống nào đó rồi đến rìa làng đỗ xe để Sơn vào ngõ nhà Phúc.
Sơn khẳng định bản thân chưa gặp con Phúc bao giờ nhưng khi vào nhà ngồi nói chuyện thì biết có con Phúc ở đó. Dịp đó, Sơn khẳng định đang dịp không khí tết nhất gì đó.
Khoảng cách đưa tiền giữa lần 2 với lần 3 khá dài vì vướng việc tập trung sửa chữa ụ nổi ở Nha Trang. Khi đó lại xảy ra vụ hạt nix gây ô nhiễm của Vinashin, phải theo dõi nên bẵng đi mấy tháng, gần Tết mới chuyển nốt tiền cho Phúc.
9h58’, Sơn trình bày lại lần đầu tiên mang 2,5 tỷ đồng cho Mai Văn Phúc ở làng Quốc tế Thăng Long. Sơn nhờ em gái Hải Hà gửi 2 tỷ đồng qua tài khoản của em rể tên Hưng. Sơn có 500 triệu đồng tiền mặt cầm theo nữa là đủ. Sau đó, Hưng đến đón Phúc ở khách sạn Hoa Hồng rồi đưa anh qua khu làng Quốc tế này. Xong việc Sơn ra sân bay vào lại Sài Gòn luôn.
Giải thích về mâu thuẫn khi chung cư mà tả có cổng, cửa, Sơn cho rằng đó là do điều tra viên hiểu sai ý viết lại khi Sơn nói kiểu từ người miền Nam dùng.
Lần đưa tiền thứ 2 cũng tại nhà Phúc, Sơn đưa 5 tỷ đồng, do em Hải Huyền chuẩn bị cho 3 tỷ còn khoản 2 tỷ đồng rút bằng chứng minh thư từ Ngân hàng Hàng hải. Lần đưa này chỉ cách lần đầu tiên khoảng 3 tuần.
9h52’, Tòa chuyển sang xét hỏi Trần Hải Sơn. Nói lại về quan hệ giữa Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Sơn nói, bị cáo ở đơn vị, không ở TCty nhưng trong Vinalines, ai cũng biết về việc 2 “sếp”… kình nhau.
Bị cáo Trần Hải Sơn
Về việc ăn chia tiền, Sơn trình bày, phải là những người biết rất rõ thì mới đổ cho người khác được. Sơn khẳng định lại về việc được chỉ đạo nhận 1,666 triệu USD và mang chuyển cho các sếp theo tỷ lệ được dặn.
Tại cơ quan điều tra, Sơn khai liên lạc với Dũng khi Dũng vào TPHCM công tác nói “em gặp bác để chuyển ít quà – quà là khoản tiền từ hoa hồng trong vụ ụ nổi”.
9h32’, Mai Văn Khang được yêu cầu đứng lên trước vành móng ngựa. Khang không nhận xét gì về việc Chiều phán đoán, chiếc ca nô đặt trên ụ nổi 83M ở Nakhodka chỉ là sắp đặt. Còn Chiều không nói gì với Khang về việc làm báo cáo để mua ụ nổi mà Chiều chỉ nói với Lê Văn Dương về việc tạo điều kiện, giúp việc làm báo cáo để mua ụ.
Bị cáo Mai Văn Khang bị truy hỏi tại tòa
Tình tiết đoàn chứng kiến ụ nổi hạ thủy chiếc canô và chứng kiến ụ nổi nổi lên một cách nhanh chóng, Khang cho biết khi đọc chi tiết này trong báo cáo của Dương đã phản ứng, cho là chỉ chứng kiến ụ nổi nổi lên một phần, không thấy hết quá trình nổi lên như nào.
Một lời khai khác của Khang tại cơ quan điều tra cũng thể hiện, việc trao đổi với chủ ụ nổi tại Nga thể hiện đơn vị này chỉ chào hàng ụ nổi giá dưới 5 triệu USD nhưng thông tin này không được đưa vào báo cáo khảo sát. Khang thanh minh, sau đó thấy lời khai không đúng nên đã đề nghị được khai lại.
“Có đúng biết là sai nhưng do có chỉ đạo yêu cầu mua bằng được ụ nổi nên bị cáo vẫn ký nháy vào báo cáo giám sát, đề xuất mua?” – tòa truy. Khang đáp: “Bị cáo vẫn không hề ý thức là việc làm sai”.
9h25’, Đại diện VKS truy cựu Chủ tịch Vinalines. Kiểm sát viên dẫn lại một loạt bút lục biên bản ghi lời hỏi cung của Dũng, qua nhiều tháng liền, từ điều tra viên này qua điều tra viên khác, lời khai đều sâu chuỗi, thống nhất, khó có thể nói là bị viết sai ý, bị “lừa khai”.
9h8’, Dũng trình bày, hoạt động đối ngoại, đầu tư đáng ra là thuộc phần trách nhiệm của Phó Tổng GĐ Bùi Văn Chung nhưng không hiểu sao lại giao Chiều phụ trách dự án ụ nổi 83M. Tuy nhiên, xác minh lại thông tin từ Mai Văn Phúc, Phúc cho biết bản thân cũng không quyết định chuyển cho Chiều làm thay Chung mà khi về làm Tổng GĐ Vinalines đã thấy như vậy.
Tòa lật lại về việc Dũng đã giấu nhẹm quan hệ với ông Goh trước đây để đặt nghi ngờ về tính trung thực trong lời khai của bị cáo. Dũng thở dài, “thôi thì tình ngay lý gian, biết nói gì đây”.
Dương Chí Dũng đang bị xét hỏi tại tòa
“Nói như này thì không hay nhưng thực tế là anh Phúc luôn chống đối Chủ tịch HĐQT, không tuân theo chỉ đạo. Vì vậy mọi việc ở dưới bị cáo không trực tiếp làm, quyết định được gì” – Dương Chí Dũng phân trần.
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa tiếp ngay: “Chính vì như thế mới phải thông qua Sơn chứ nếu quan hệ của bị cáo với Tổng GĐ bình thường thì bị cáo sẽ chỉ đạo xuống dưới Phúc rồi mới đến Sơn. Lời khai của bị cáo như vậy là hoàn toàn phù hợp với Sơn”.
“Nếu có làm thì bị cáo phải bí mật bên ngoài chứ không bao giờ để cho mấy ông cấp dưới biết việc sắp đặt như này được” – Dũng cố giải thích.
9h, Tòa yêu cầu Dương Chí Dũng đứng dậy. Dũng khai quan hệ với ông Goh khoảng từ năm 2000. Khi đó, Dũng là GĐ một công ty tàu thủy ở Hải Phòng. Công ty của bị cáo có mua một tàu cũ của Singapore. Sau đó quan hệ phát triển khi có con cái học hành ở đó, có nhờ ông Goh chăm nom, giám sát con giúp.
Việc mua ụ nổi 83M, Dũng biết việc quyết định mua ụ nổi có trước khi dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam được phê duyệt, biết như vậy là không đúng quy trình.
Về công văn của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc cho phép chỉ định thầu, các hạng mục triển khai dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam (tháng 1/2008) nhưng khi đó ụ nổi đã mua rồi (ký hợp đồng từ tháng 3/2007, tháng 6 ụ nổi về, tháng 7 khoản lại quả về Việt Nam, cuối năm 2007 đã nhận đủ tiền chia chác). Tòa hỏi: "Như vậy là việc thực hiện mua ụ nổi có động cơ?". Dũng không có cơ hội đáp lại.
8h54’, Đề cập lại quan hệ không tốt đẹp của mình với Dương Chí Dũng, Phúc vẫn khẳng định, không có việc Phúc biết sai nhưng vẫn làm vì sợ bị Dũng làm khó, cách chức vì Dũng không có thẩm quyền cách chức Phúc. Chỉ trong một hội nghị lãnh đạo TCTy, Dũng có nói: “Nếu anh không tổ chức được việc mua ụ nổi 83M theo đúng tiến độ thì tôi sẽ báo cáo Thủ tướng để kỷ luật, cách chức anh”.
Tuy nhiên, Dương Chí Dũng không thừa nhận việc phát ngôn như này.
8h45’, Mai Văn Phúc phủ nhận lời khai của Chiều, khẳng định bản thân không chỉ đạo gì với Sơn, Chiều hay bất cứ ai trong đoàn khảo sát. Quyết định cho đoàn đi khảo sát cũng không phân vai trò của từng người, ai là trưởng đoàn, do Chiều là Phó Tổng GĐ nên đảm nhiệm việc làm trưởng đoàn luôn.
Tuy nhiên, Phúc có xác nhận việc sau khi đi khảo sát về, Sơn, Chiều, Khang có đến phòng làm việc của Phúc báo cáo kết quả nhưng không có việc Chiều thông báo là giá chào bán của Nakhodka với ụ nổi 83M là dưới 5 triệu USD.
“Vậy căn cứ nào mà bị cáo suy luận phải có sự thỏa thuận mới có 1,666 triệu USD?” – chủ tọa hỏi. Phúc đáp: “Thì bị cáo nghĩ chắc chắn như thế vì không thể tự nhiên người ta đưa tiền cho mình. Mà bị cáo không chỉ đạo gì việc này thì chắc phải là anh Dũng”.
Ban đầu, Phúc không nghĩ Sơn là người đứng ra thỏa thuận được vì phải là người có quyền quyết định mới làm được việc đó nhưng giờ này bị cáo lại nghĩ khác vì “Sơn ngày càng khủng khiếp quá”.
Nhiều lần nhắc lại nhận xét “Sơn khủng khiếp quá”, cựu Tổng GĐ ngầm ý chỉ Trần Hải Sơn dựng chuyện “đổ vấy” cho lãnh đạo Vinlines sau khi ăn mảnh khoản tiền 1,666 triệu USD lại quả của ụ nổi 83M.
8h40’, Tòa trích đọc bút lục Chiều khai “bộ hồ sơ chứng từ thanh toán ụ nổi đáng ra là Loan – kế toán trưởng Vinlines phải ký nhưng Loan không ký nên Chiều phải ký thay”. Lời khai này, tòa cho rằng khớp với lời khai của Loan trước đó là Loan phát hiện hồ sơ còn thiếu nhiều chứng từ, đã lên gặp Phúc báo cáo, đề nghị yêu cầu đối tác chuyển đầy đủ nhưng Phúc nói hồ sơ anh Chiều đã cầm đầy đủ, cứ ký nháy vào nhưng Loan không chịu.
Một lời khai khác của Chiều cũng được công bố là “Giữa tôi với Sơn không có quan hệ cá nhân gì để Sơn phải đưa tiền như vậy”. Chiều thừa nhận việc này đã khai tại cơ quan điều tra nhưng trình bày, muốn thanh minh thêm về hoàn cảnh lúc đó để tòa hiểu.
Thẩm phán yêu cầu Trần Hữu Chiều “mở hàng” buổi làm việc.
8h29’, chuyển sang việc nhận 340 triệu đồng từ Sơn. Tòa hỏi, bị cáo đã ý thức được những hành vi của mình mà lúc nhận được bằng ấy tiền mà lại không biết tiền ở đâu? Chiều nhắc lại, ban đầu khoản tiền là Chiều đặt vấn đề vậy, sau đó khi Sơn nói là “bồi dưỡng” thì bị cáo cũng nghĩ đến nguồn tiền chắc từ ụ nổi hoặc việc sửa ụ nổi nhưng hỏi lại thì Sơn nói “Bác yên tâm, thấy bác hoàn cảnh mà gia đình em có công ty, có điều kiện chút thì em biếu bác thôi”.
Bị cáo nhận tiền không phải là lợi dụng việc đã làm để làm gì mà chỉ vì khi đó muốn làm lại nhà cho rộng rãi hơn để đón bố mẹ ở Hải Phòng lên ở vì lâu nay bố mẹ bị cáo sống trong căn nhà tồi tàn, xập xệ quá mà nhà bị cáo ở Hà Nội cũng quá nhỏ, không đưa bố mẹ lên được.
“Động cơ tham ô, trục lợi của bị cáo thì hoàn toàn không có” – Chiều khẳng định.
8h23’, Chiều khai rõ, giá ụ ký hợp đồng mua là 9 triệu USD. Trước đó, Chiều biết giá chào hàng là dưới 5 triệu USD – đây là giá của công ty AP mua ụ của Nakhodka. Còn 9 triệu USD là giá Vinlines mua lại của AP.
“Sai sót của bị cáo là khi rà soát hợp đồng bị cáo không bỏ hết những loại giấy tờ thừa đi – đó là những giấy tờ phát sinh sau khi đổi phương thức vận chuyển từ lai dắt sang chở bằng tàu nâng nặng. Khi đó, những giấy chứng nhận để đi biển một lần… không cần thiết, không có giá trị gì lúc làm thủ tục nhập khẩu ụ vào Việt Nam” – Chiều thanh minh.
Chiều thừa nhận, từ phiên sơ thẩm đến giờ vẫn ý thức được hành vi cố ý làm trái của mình, chỉ xin HĐXX đặt trong hoàn cảnh cụ thể của thời điểm đó để xem xét, đánh giá mức độ trách nhiệm của bị cáo.
Dương Chí Dũng trao đổi với luật sư trước buổi làm việc của tòa.
8h15’, Tòa yêu cầu đứng lên đối chứng lời khai này luôn. Sơn gật đầu.
Trở lại với Chiều, bị cáo kể lại, việc thấy một chiếc ca nô trên ụ nổi trong buổi đến nhà máy Nakhodka khảo sát, Chiều có khai là việc này chỉ là một chiêu sắp đặt của chủ ụ để thể hiện ụ nổi 83M vẫn vận hành được chứ không phải thực chất đang có hoạt động sửa chữa diễn ra tại đây.
8h5’, HĐXX bắt đầu làm việc. Thẩm phán yêu cầu Trần Hữu Chiều “mở hàng” buổi làm việc.
Trần Hữu Chiều trình bày, về việc phân biệt ụ nổi và tàu, ban đầu bị cáo nhận thức ụ nổi không phải là tàu nhưng quy phạm về ụ nổi cũng nằm trong quy phạm về tàu.
Trước khi sang Nga khảo sát ụ nổi 83M, Chiều không gặp Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc nhưng có nghe Trần Hải Sơn nói là “mọi vấn đề đã báo cáo Dũng, Phúc. Mọi vấn đề anh cứ để em làm”
Sau khi đi Nga về, Chiều có cùng Sơn đến báo cáo kết quả với Phúc. Sơn có nói là phía Nga chào giá dưới 5 triệu USD nhưng không thấy Phúc chỉ đạo gì, chỉ nói “thôi xem xét mua thế nào được để phục vụ dự án sớm”.
Phương Thảo