1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Y án tử hình Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc

(Dân trí) – Không chấp nhận kháng cáo của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, HĐXX tòa phúc thẩm đã tuyên phạt 2 bị cáo tử hình về tội tham ô tài sản như cấp sơ thẩm đã tuyên, tiếp tục giam 2 bị cáo.

15h42', Không chấp nhận kháng cáo của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, HĐXX tuyên án: Dương Chí Dũng (Chủ tịch HĐQT) tử hình về tội tham ô; 18 năm tù về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tổng hợp hình phạt là tử hình.
 
Mai Văn Phúc (TGĐ Vinalines): tử hình về tội tham ô, 18 năm tù về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt là tử hình.
Cựu Chủ tịch và Tổng GĐ Vinalines lúc nhận án tử hình.
Cựu Chủ tịch và Tổng GĐ Vinalines lúc nhận án tử hình.

Trần Hữu Chiều (nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines): 10 năm tù về tội tham ô tài sản; 9 năm tù về tội cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt 19 năm tù;

Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines): 14 năm tù đối với tội tham ô; 8 năm tù về tội cố ý làm trái. Tổng hợp hình phạt 22 năm tù;

Mai Văn Khang (nguyên Phó trưởng ban đóng mới tàu biển): 7 năm tù về tội cố ý làm trái;

Lê Văn Dương (đăng kiểm viên Cục Đăng kiểm Việt Nam): 7 năm tù;

Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện (Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa): mỗi bị cáo 6 năm tù, bị cáo Đức bồi thường 7 tỷ đồng, hai bị cáo Lừng và Triện bồi thường 6 tỷ đồng.

Bùi Thị Bích Loan (nguyên Trưởng ban Tài chính- Kế toán): Không kháng cáo.
 
15h40’, Về trách nhiệm liên quan của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tòa cho rằng việc xác định ụ nổi không phải là tàu biển, không đề cập yêu cầu đảm bảo về tuổi của ụ nổi khi nhập khẩu là không đúng quy định pháp luật. Tòa đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục điều tra xem xét trách nhiệm của đơn vị này.
 
Không chấp nhận kháng cáo của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, HĐXX tuyên phạt 2 bị cáo tử hình về tội tham ô tài sản, tiếp tục giam 2 bị cáo.
 
15h39’, Tòa cho rằng có căn cứ giảm mức bồi thường với các bị cáo hải quan để tương ứng với việc giảm mức án cho các bị cáo, vì đánh giá mức độ thiệt hại của ụ nổi đã giảm 8 tỷ đồng.
Về tài sản kê biên, tòa xác định căn nhà của vợ chồng Dương Chí Dũng – Phạm Thị Mai Phương là tài sản chung vợ chồng. Việc không khấu trừ giá trị ½ căn nhà này cho bà Phương và khấu trừ 1/8 căn hộ tại Sky City của chị P.T.T là sai sót. Tòa cho rằng cần khấu trừ khoản tiền này để đảm bảo quyền lợi của người liên quan khi kê biên, thanh lý các tài sản. 
 
Tòa bác quan điểm của Dương Chí Dũng và vợ cho rằng tiền mua 2 căn hộ hạng sang cho chị P.T.T là của bà Phạm Thị Mai Phương đưa cho cựu Chủ tịch Vinalines.
Tòa cũng không chấp nhận kháng cáo đề nghị hủy kê biên căn nhà ở Quảng Ninh của vợ Mai Văn Phúc.
 
15h35’, Về Trần Hải Sơn, tòa cho rằng mức án 14 năm tù đối với hành vi tham ô tài sản áp dụng với bị cáo là quá nhẹ khi vai trò của bị cáo thể hiện rất lớn, hưởng lợi 7,8 tỷ đồng – một số tiền không nhỏ. Tòa cho rằng cần có hình thức kháng nghị tăng hình phạt về tội danh này đối với Trần Hải Sơn.
 
Về bị cáo Mai Văn Khang, việc bị cáo chỉ bị tuyên phạt 7 năm tù – nhẹ hơn cả mức án 8 năm tù áp dụng đối với nhóm bị cáo là cán bộ hải quan tòa cũng cho là không hợp lý. Dù Khang có xin giảm án vì bố là cán bộ cách mạng, đã già yếu nhưng tình tiết này tòa cho rằng chưa đủ căn cứ để xem xét. Tòa nhận định, cần giữ nguyên mức án sơ thẩm với Mai Văn Khang, không thể xem xét giảm án cho bị cáo.
 
Tòa cho rằng có căn cứ giảm một phần hình phạt cho nhóm bị cáo là cán bộ hải quan để tương xứng với vai trò, trách nhiệm của các bị cáo trong vụ án.
 
15h30’, tòa cho rằng cần áp dụng hình phạt tù nghiêm khắc đối với các bị cáo trong vụ án vì hậu quả nghiêm trọng để lại. HĐXX nhận thấy, gây hậu quả nghiêm trọng là tình tiết định tội cố ý làm trái với các bị cáo. Hơn nữa, hậu quả vụ án còn là đặc biệt nghiêm trọng nên áp dụng tình tiết tăng nặng đối với các bị cáo của cấp sơ thẩm là hoàn toàn chính xác.
 
Cả Dũng và Phúc đều trực tiếp ký các quyết định về việc đầu tư nhà máy sửa chữa tàu biển, mua sắm ụ nổi, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn đối với nhà nước. 2 bị cáo đã lôi kéo nhiều bị cáo khác phạm tội.
 
Số tiền chiếm hưởng của 2 bị cáo đặc biệt lớn. Dương Chí Dũng còn có hành vi bỏ trốn. Khi bị truy tố, xét xử các bị cáo lại chưa thành khẩn khai báo, nhận tội. Vì vậy việc tuyên án tử hình đối với 2 bị cáo là hoàn toàn đúng đắn.
 
Việc gia đình các bị cáo nộp một số tiền để giúp các bị cáo chiếm đoạt tòa ghi nhận là một tình tiết để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo như đề xuất của đại diện VKS. Tuy nhiên, số tiền mỗi gia đình nộp chỉ bằng 1/3-1/2 số tiền các bị cáo chiếm đoạt và rất nhỏ so với thiệt hại gây ra. Vậy nên khoản tiền này không giúp làm thay đổi nhận định về hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của bị cáo.
 
Tuy nhiên cần giữ nguyên hình phạt cấp sơ thẩm đã tuyên mới đảm bảo được tính răn đe nghiem khắc với tội phạm tham nhũng hiện nay.
 
15h23’, về những lần Trần Hải Sơn chuyển tiền cho Mai Văn Phúc, kết quả xác minh việc xuất nhập cảnh của con trai Phúc thì đúng là con Phúc có nhập cảnh về Việt Nam vào ngày 28 tết năm 2008, phù hợp với lời khai của Sơn về việc mang 5 tỷ đồng về quê An Hồng, An Dương, Hải Phòng cho Phúc vào ngày cuối năm, áp tết. Khi đó, Sơn gặp, thấy con trai Phúc lái một chiếc xe Lexus 4 chỗ rất đẹp đưa Phúc về quê.

Việc mô tả không chính xác các chi tiết về nhà cửa của Phúc ở quê với điều kiện chỉ đến một lần, thời gian ngắn của Trần Hải Sơn, tòa cho là bình thường, hợp thực tế.
 
Tòa cho rằng không có cơ sở xem xét đề nghị hủy án của luật sư.
 
15h19’, về chi tiết vé máy bay của Dương Chí Dũng đi Sài Gòn lúc 15h hay bản hợp đồng thử việc của lái xe tên Quỳnh, tòa cho rằng không có căn cứ vì chỉ là các văn bản phô tô. Các chi tiết cũng chỉ thể hiện việc hoàn toàn có thể trùng khớp với thời gian Sơn đến gặp và giao tiền cho Dũng ở khách sạn Victory.
Kết quả xác minh tại sân bay Tân Sơn Nhất về việc Dũng nhờ nhân viên sân bay mang lên máy bay một valy rượu để không phải qua thủ tục kiểm tra an ninh nhưng nhân viên này khẳng định chỉ giúp Dũng khi trục trặc chuyến bay, đổi vé chứ không thể giúp việc mang “lận” hàng hóa. Vì vậy, tòa bác bỏ lời khai của Dương Chí Dũng là Trần Hải Sơn chỉ mang cho Dũng một valy… rượu.
 
15h15’, tòa phân tích, kết quả tương trợ tư pháp tại Singapore và Nga đều cho thấy công ty AP thành lập ở Singapore với duy nhất 2 thành viên do ông Goh là GĐ. Trong thương vụ, AP chỉ đóng vai trò là người môi giới mua bán.
 
Việc ông Goh làm các thủ tục là theo yêu cầu sắp xếp của công ty GS. Biên bản thỏa thuận ký này 7/7/2007 mà các luật sư đặt câu hỏi về người đứng ra ký kết thỏa thuận, tòa lý giải, thực tế công ty AP không biết gì về công ty Phú Hà – đơn vị nhận khoản 1,666 triệu USD. AP thực tế chỉ hưởng 700.000 USD tiền công môi giới mua bán.
Cấp sơ thẩm quy kết 2 bị cáo có vai trò chủ mưu, cầm đầu ăn chia khoản tiền lại quả này là Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, tòa phúc thẩm nhận định phù hợp với vai trò, vị trí, thẩm quyền của 2 “sếp” này tại Vinalines. 
 
Việc các bị cáo bị cấp sơ thẩm xét xử về tội tham ôt ài sản là đúng người đúng tội không oan. Tuy nhiên việc cơ quan điều tra không khởi tố, xem xét hành vi giúp sức của Trần Thị Hải Hà để giúp Sơn nhận và phân chia trót lọt khoản tiền 28 tỷ đồng là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
 
15h10’, Đối với tội tham ô tài sản, HĐXX phúc thẩm nhận định, việc thỏa thuận với ông Goh về tiền lại quả không thể do Trần Hải Sơn tự quyết định mà nhất định phải thông qua Dũng, Phúc. Việc này rõ ràng phải có sự thỏa thuận ngầm của Dũng, Phúc với ông Goh vì chỉ 2 người này mới có quyền quyết định việc mua hay không mua ụ nổi 83M.
 
“Một mình Sơn cũng không thể chiếm hưởng khoản tiền lại quả 1,666 triệu USD, phải có sự đồng ý, thỏa thuận của Dũng hoặc Phúc sau đó ủy quyền cho Sơn thực hiện”- bản án thể hiện.
 
Tòa tiếp tục dẫn một loạt lời khai thể hiện sự logic trong chỉ đạo của Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc. Khi Sơn đến báo cáo với Dũng về việc ông Goh báo chuẩn bị tiếp nhận khoản tiền “kick back”, Dũng nói đồng ý và dặn về tỷ lệ chia chác. Sơn đến báo cáo lại với Mai Văn Phúc, Phúc cũng bảo: “Đồng ý, xem xúc tiến nhanh nhé”.
 
15h4’, Tòa nhận định, việc ký đề xuất thanh toán của Mai Văn Phúc, ký nháy vào hồ sơ ụ nổi của Trần Hữu Chiều, không báo cáo việc phát hiện hồ sơ thanh toán thiếu chứng từ của Bùi Thị Bích Loan như tòa sơ thẩm nêu ra là hợp lý.
 
Việc quy kết trách nhiệm về hành vi đồng phạm giúp sức của nhóm bị cáo là cán bộ hải quan khiến cho ụ nổi 83M được thông quan, đưa vào Việt Nam như cấp xét xử sơ thẩm kết luận hoàn toàn đủ căn cứ.
 
Việc tính trách nhiệm bồi thường đưa tòa, HĐXX phúc thẩm cho rằng, phương án phá dỡ ụ để bán sắt phế liệu sẽ được 49 tỷ đồng thì giá trị của ụ tại thời điểm điều tra vụ án sẽ là 45 tỷ đồng, tức mức thiệt hại quy buộc cho các bị cáo cần phải giảm 8 tỷ đồng. Tòa phúc thẩm vẫn khẳng định, về tội danh cố ý làm trái các bị cáo đã bị tuyên buộc hoàn toàn không oan.  
 
14h55’, Tòa bác quan điểm của các luật sư cho là quyết định mua ụ nổi thuộc các thành viên HĐQT nên nếu quy tội Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc cũng phải buộc trách nhiệm những người này. Tòa khẳng định, việc thẩm vấn những người này thể hiện, các thành viên HĐQT trong các cuộc họp chỉ được cung cấp thông tin ụ nổi đủ điều kiện để mua nên đã đồng ý ký vào quyết định phê duyệt đầu tư dự án này. Vì vậy, trách nhiệm cao nhất vẫn là Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, sau đến Trần Hải Sơn rồi Trần Hữu Chiều, Mai Văn Khang, Lê Văn Dương.
 
Chủ tọa phiên tòa dẫn lại chứng cứ là những thời khai cho thấy sự chỉ đạo của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc về việc mua bằng được ụ nổi 83M qua công ty AP đối với các cấp dưới như Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn, Mai Văn Khang.
 
14h50’, Chủ tọa phiên tòa dẫn lại nhiều lời khai của các bị cáo tại các bút lục để thấy nhận thức chủ quan của các bị cáo đều hiểu ụ nổi phải quản lý theo quy phạm của tàu biển. Thực tế ụ nổi 83M rất cũ nát, không đủ điều kiện mua, nhập khẩu, thông quan ụ.
 
Khi thực hiện dự án mua ụ nổi 83M, các bị cáo đã không thực hiện đúng quy định về đấu thầu như mời thầu, chào giá. Trách nhiệm đầu tiên của việc này thuộc Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều, Mai Văn Khang - tòa cho rằng nhận định này là đúng.
 
Tiền mua ụ nổi là từ khoản vay 130 triệu USD của Citibank. Mà Vinalines là DN 100% vốn nhà nước nên thiệt hại gây ra do hành vi của các bị cáo là thiệt hại cho nhà nước, việc “định tội” các bị cáo là cố ý làm trái, buộc bồi thường về thiệt hại gây ra tòa cho là đúng.
 
14h18’,
Các bị cáo nghe HĐXX luận tội
 
14h42’, Chủ tọa phiên tòa khẳng định, căn cứ nội dung tranh tụng, tòa nhận thấy, Vinalines là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nhà nước. Ngày 12/5/2006, Dương Chí Dũng ký văn bản đề nghị Bộ GTVT bổ sung dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam và xin Bộ trình Thủ tướng phê duyệt dự án. Mặc dù dự án sau đó chưa được cập nhật vào quy hoạch để trình Thủ tướng quyết định nhưng sau đó Vinalines vẫn quyết định triển khai dự án. Các tờ trình về việc này do Mai Văn Phúc ký trình HĐQT TCty và được Dương Chí Dũng ký quyết định phê duyệt trên cơ sở tờ trình này với số vốn hơn 3.800 tỷ đồng.
 
Việc làm này, tòa phúc thẩm nhận định trái nhiều văn bản quy định của nhà nước. Trách nhiệm thuộc về Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và liên đới với các phòng, ban khác.
 
Việc loại trừ trách nhiệm của các bị cáo là cán bộ hải quan Vân Phong từ những phân tích ụ nổi không phải là tàu biển, tòa cho là không hợp lý. Luật Hàng hải đã quy định ụ nổi là một cấu trúc nổi di động phải quản lý theo quy phạm của tàu biển.
 
Thực tế ụ nổi đã được cấp chứng nhận tàu biển tạm thời, khi giám định ụ nổi đăng kiểm viên Lê Văn Dương cũng thực hiện việc khảo sát thiết bị này theo tiêu chí của tàu biển. Công ước HS các bị cáo, luật sư đưa ra, tòa cho chỉ là văn bản áp dụng trong ngành hải quan để thực hiện việc áp thuế với thiết bị. Thực tế, ụ nổi hoạt động như một tàu biển, phải đăng kiểm như tàu biển. Việc mua bán thiết bị theo đó phải thực hiện theo Nghị định 49/CP của Chính phủ.
 
14h38’, Chủ tọa phiên tòa nhắc lại quan điểm bào chữa của các luật sư. Qua tài liệu thu thập được là bản tuyên thệ của ông Goh Hoon Seow, các luật sư của Dương Chí Dũng cho rằng các thông tin thể hiện Dương Chí Dũng không hề liên lạc, trao đổi, thỏa thuận với ông này về việc ăn chia tiền lại quả ụ nổi.
 
Luật sư cũng cho rằng cơ quan điều tra chưa xác định được người đứng ra thỏa thuận ngày 7/7/2007 tại Nga về việc ăn chia tiền mua ụ nổi mà cơ quan tố tụng lại quy buộc Dương Chí Dũng là người chủ mưu trong hành vi tham ô tài sản là không đúng.
 
14h34’, Tòa đề cập quan điểm của đại diện VKS bác kháng cáo kêu oan của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc. Viện đề nghị giữ nguyên mức án sơ thẩm về cả 2 tội danh tham ô tài sản, cố ý làm trái, áp dụng các điều khoản khác để tăng trách nhiệm bồi thường dân sự với 2 bị cáo.
 
Kiểm sát viên cũng đề nghị giữ nguyên quyết định kê biên các tài sản đảm bảo, có xem xét đến quyền lợi của bà Phạm Thị Mai Phương (vợ Dương Chí Dũng) đối với căn nhà 2 vợ chồng đang ở và khoản tiền chị P.T.T khai đã bỏ ra để cùng mua căn hộ Sky City.
 
14h31’, Chủ tọa phiên tòa đề cập nội dung những người có quyền lợi liên quan trong vụ án kháng cáo về việc kê biên các tài sản để đảm bảo việc thi hành án của các bị cáo. Trong đó, chị P.T.T – người đứng tên 2 căn hộ hạng sang Dương Chí Dũng bỏ tiền mua đề nghị được xét xử vắng mặt nhưng cũng yêu cầu được xem xét việc chị bỏ 600 triệu đồng trong việc mua căn hộ ở tòa nhà Sky City trên phố Láng Hạ. 
 
14h18’, Đề cập phần tội tham ô tài sản, tòa cho rằng, việc xác minh từ Nga cho thấy, trước khi ký hợp đồng với Vinalines, chủ sở hữu ụ nổi đã ký thỏa thuận với công ty AP của Singapore và đơn vị trung gian thứ 3 là công ty Global Success (GS) với nội dung ăn chia khoản tiền 9 triệu USD bán ụ nổi, trong đó giá gốc của ụ chỉ 2,3 triệu USD. Từ khoản 4,3 triệu USD đổ về cho GS, 1,666 triệu USD đã được chỉ định để công ty AP chuyển về cho công ty Phú Hà – công ty của em gái bị cáo Trần Hải Sơn.
 
Sau 5 ngày nhận được đủ khoản 9 triệu USD thanh toán ụ nổi, công ty AP đã chuyển khoản "lại quả" 1,666 triệu USD về cho Phú Hà. Em gái Trần Hải Sơn đã rút tiền, quy đổi được hơn 28 tỷ đồng.
 
Nhận định đủ căn cứ kết tội các bị cáo, tòa sơ thẩm đã tuyên phạt tử hình đối với Dương Chí Dũng về tội tham ô tài sản, 18 năm tù về tội cố ý làm trái. TAND Hà Nội cũng xử phạt Mai Văn Phúc với hình phạt tương tự Dương Chí Dũng.
 
Tòa sơ thẩm cũng tuyên phạt Trần Hữu Chiều 10 năm tù về tội tham ô tài sản, 9 năm tù về tội cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt là 19 năm tù. Trần Hải Sơn thì phải nhận 14 năm tù về tội tham ô tài sản, 8 năm về tội cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt 22 năm tù. Mai Văn Khang, Lê Văn Dương cùng bị phạt 7 năm tù về tội cố ý làm trái. 

Về trách nhiệm dân sự, tòa sơ thẩm buộc các bị cáo phải trả lại hơn 28 tỷ đồng tiền tham ô và liên đới chịu trách nhiệm bồi thường khoản đã gây thiệt hại do thương vụ ụ nổi 83M. Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc phải nộp mỗi người 110 tỷ đồng. Trần Hữu Chiều phải nộp 39,340 tỷ đồng…
 
Tòa sơ thẩm cũng đã quyết định tiếp tục kê biên 2 căn hộ hạng sang Dương Chí Dũng mua cho “bồ”, kê biên căn nhà vợ chồng Dũng đang ở, kê biên căn nhà tại Quảng Ninh của vợ chồng Mai Văn Phúc.
 
14h7’

14h13’, Trước khi đi vào nội dung tóm tắt diễn biến vụ án, chủ tọa phiên tòa cho lực lượng cảnh sát bảo vệ ngồi xuống, các bị cáo tiếp tục đứng nghe tuyên án.
 
Lật lại từ việc Vinalines được Bộ GTVT đồng ý về nguyên tắc với việc đầu tư dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, tuy nhiên theo quy định, dự án có giá trị trên 1000 tỷ đồng, phải chờ ý kiến quyết định của Thủ tướng. Khi dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam được cập nhật vào quy hoạch phát triển ngành hàng hải, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc… đã đốc thúc việc mua ụ nổi 83M (một bộ phận cấu thành của dự án).
 
Việc mua ụ nổi 83M đã 43 tuổi, cũ nát được cho là trách nhiệm thuộc về nhóm các bị cáo là cán bộ Vinalines, cán bộ Cục Đăng kiểm Việt Nam. Còn hành vi giúp sức để nhập khẩu, thông quan ụ nổi được quy cho nhóm bị cáo là cán bộ Hải quan Vân Phong – Khánh Hòa.
 
14h7’, HĐXX vào phòng xử án, tất cả các bị cáo được yêu cầu đứng nghe tòa tuyên án. Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn – chủ tọa phiên tòa điểm lại nội dung kháng cáo của Dương Chí Dũng và các đồng phạm cùng thông tin về nhân thân các bị cáo.
 
Trong số 10 bị cáo trong vụ án tại Vinalines, chỉ có nguyên kế toán trưởng Bùi Thị Loan không có kháng cáo, kháng nghị.
 
14h5’, Buổi tuyên án vẫn chưa bắt đầu. Ở hàng ghế cuối cùng của phòng xử án, vợ Dương Chí Dũng - bà Phạm Thị Mai Phương đã có mặt, ngồi cạnh là vợ Mai Văn Phúc.
 
13h48’,
Toàn cảnh phòng xử án trước giờ tuyên án

13h48’, Các bị cáo khác bắt đầu được đưa vào phòng xử án. Các luật sư cũng lần lượt vào chỗ ngồi. Thư ký phiên tòa đang chuẩn bị các thủ tục chờ HĐXX vào khán phòng.
 
Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc tiếp tục được bố trí ngồi hàng ghế trên cùng, sát vành móng ngựa. Cựu Chủ tịch và cựu Tổng GĐ Vinalines gật đầu, bắt tay chào nhau.
 
13h25’, Dương Chí Dũng được đưa xuống khỏi xe thùng, nhanh chóng dẫn giải tới phòng xử án. Vẫn trang phục đã mặc trong suốt phiên tòa, cựu Chủ tịch Vinalines luôn giữ nụ cười mỉm, bình thản, lạc quan trước giờ nhận án.
 
Cựu Chủ tịch Vinalines luôn giữ nụ cười mỉm trước giờ nhận án (Ảnh: N.Đức)
 
Ảnh: N.Đức

Cựu Chủ tịch Vinalines luôn giữ nụ cười mỉm trước giờ nhận án (Ảnh: N.Đức)
 
Cựu Chủ tịch Vinalines luôn giữ nụ cười mỉm trước giờ nhận án (Ảnh: N.Đức)

Cựu Chủ tịch Vinalines luôn giữ nụ cười mỉm trước giờ nhận án (Ảnh: N.Đức)
 
Sau 1 tuần nghỉ nghị án, 14h chiều nay, 7/5, tòa phúc thẩm sẽ tuyên bản án “chung cuộc” đối với cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng. “Cửa sinh” dành cho bị cáo đang đối mặt án tử hình được cho là vẫn còn với nhiều diễn biến bất ngờ.
 
Tại phiên phúc thẩm, cả Dương Chí Dũng và cựu Tổng GĐ Mai Văn Phúc đều thống nhất kêu oan về tội danh “tham ô tài sản” bị quy buộc. Mai Văn Phúc còn phản đối cả tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” – tội danh mà Phúc và Dũng cùng phải nhận 18 năm tù giam.

Phương Thảo