1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bán phế liệu ụ nổi 83M vẫn lãi… 12 tỷ đồng???

(Dân trí) - Đại diện Vinalines thông tin, nếu phá dỡ ụ nổi 83M hiện nay ra bán phế liệu, giá trị ít nhất thu được cũng khoảng 49 tỷ đồng. Như vậy, so với giá gốc 37 tỷ đồng Vinalines mua ụ nổi, việc bán sắt vụn thiết bị cũng lãi 12 tỷ đồng…

Phiên xử phúc thẩm Dương Chí Dũng có diễn biến mới khi chiều 25/4, thay vì nội dung tuyên án như kế hoạch, tòa quyết định chưa tuyên án, quay lại phần xét hỏi.

Trong nội dung thẩm vấn thêm, dư luận khá bất ngờ, băn khoăn về thông tin đại diện nguyên đơn dân sự trong vụ án - TCty Hàng hải Việt Nam đưa ra khi đánh giá giá trị ụ nổi 83M hiện nay. Theo trình bày của ông này, phương án xử lý xấu nhất với ụ nổi này là phá dỡ để bán sắt phế liệu thì mỗi kg sắt phế liệu tàu thuyền hiện được tính giá 70.000đ. Như vậy, ụ nổi 83M với sức nâng 25.000 tấn tính ra có giá… 49 tỷ đồng. Giá này đã là mức thấp nhất có thể, đã đối trừ cả tiền công phá dỡ, chỉ tính nguyên tiền thu về.

Tuy nhiên, vì Vinalines đã phải đầu tư rất nhiều tiền sửa chữa ụ nổi này nên phương án bán sắt phế liệu “chắc sẽ không tính tới” mà TCty tính chờ thêm cho qua thời điểm khó khăn của ngành hàng hải rồi rao bán.

Nếu đúng theo tính toán của đại diện nguyên đơn dân sự, giá trị bán phế liệu của cục sắt cũ nát khổng lồ này còn cao hơn giá trị thực tế Vinalines bỏ ra mua ụ nổi tại Nga (2,3 triệu USD, tương đương 37 tỷ đồng).

Tuy nhiên, dù chưa có thông tin đối chứng về giá sắt phế liệu tàu thuyền nhưng thực tế, giá sắt phế liệu được mua bán trên thị trường hiện nay chỉ vài nghìn đồng/kg.
 
Đại diện Vinalines (đứng) tham dự phiên tòa phúc thẩm xử Dương Chí Dũng và đồng phạm.
Đại diện Vinalines (đứng) tham dự phiên tòa phúc thẩm xử Dương Chí Dũng và đồng phạm.

Cũng theo trình bày của ông này, chi phí hàng tháng cho ụ nổi này đang giảm đi. Theo tài liệu Vinalines nộp cho tòa, mỗi tháng ụ nổi 83M ngốn khoảng 1,1 tỷ đồng cho tiền thuê chỗ neo đậu, bảo vệ. Tuy nhiên, do nguồn tài chính đã cạn kiệt, gần đây đơn vị quản lý bến bãi neo đậu, bảo vệ phòng tránh sự cố đã thông báo cắt hợp đồng bảo vệ. Chi phí neo đậu, theo đó chỉ còn khoảng 600 – 800 triệu đồng/tháng.

Với vai trò là nguyên đơn dân sự nhưng được biết, từ phiên tòa sơ thẩm đến nay, TCty Hàng hải vẫn không đưa ra yêu cầu các bị cáo bồi thường cho thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp. Các luật sư cũng đã viện dẫn điểm này để đặt vấn đề “người bị thiệt hại chưa yêu cầu sao tòa vẫn áp trách nhiệm bồi thường tiền cho các bị cáo”.

Tại phiên tòa này, đại diện VKSND tối cao đã giải thích mức phạt dân sự trong trường hợp này nằm trong án hình sự nên không cần có yêu cầu của nguyên đơn dân sự, chỉ cần xác định thiệt hại là buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường vì rõ ràng nhà nước đã mất đi một khoản tiền, tối thiểu là 367 tỷ đồng (chưa tính những chi phí phát sinh tiếp tục phải chi cho ụ nổi này hơn 1 năm qua).

Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra đầu tháng 12/2013, HĐXX TAND Hà Nội thậm chí phát “sốt ruột” vì sự “dửng dưng” của nguyên đơn dân sự. Nhiều lần thẩm phán chủ tọa phiên tòa lặp lại gợi ý để người đại diện của Vinalines nêu yêu cầu áp trách nhiệm bồi thường những thiệt hại các cựu lãnh đạo TCty gây ra nhưng vị đại diện nguyên đơn dân sự này lần nào cũng… lảng.

Tòa giải thích thiệt hại gây ra là tài sản của nhà nước. Vốn nhà nước cấp cho TCty, đơn vị có quyền sử dụng nhưng doanh nghiệp cũng có trách nhiệm bảo vệ tài sản nhà nước, bảo đảm an toàn, bảo tồn vốn. Người đại diện cho TCty cần có yêu cầu trực tiếp để có căn cứ buộc các bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho nhà nước.

“Hay chính vì là tài sản nhà nước nên không cần quan tâm?” - chủ tọa phiên tòa khi đó bức xúc hỏi.

Đại diện Vinalines tại phiên xử sơ thẩm vẫn lặp lại câu trả lời “không yêu cầu bồi thường, chờ phán quyết của tòa”.

Và “nạn nhân” tiếp tục im lặng, dửng dưng với quyền yêu cầu bồi thường của mình cho đến phiên xử phúc thẩm sau gần nửa năm này.

P.Thảo