Bà Trương Mỹ Lan xin giảm sâu mức án
(Dân trí) - Bà Trương Mỹ Lan xin HĐXX xem xét giảm án sâu cho mình với mức án tù chung thân để tạo điều kiện trong việc khắc phục hậu quả.

Sau nhiều ngày tạm dừng để tòa làm việc với cơ quan thi hành án, ngày 14/4, phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm sẽ được tiếp tục.
Bà Lan bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt mức án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 12 năm tù về tội Rửa tiền và 8 năm tù về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Sau phán quyết trên, bà chủ Vạn Thịnh Phát kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Nhận trách nhiệm bồi thường
Tại tòa phúc thẩm, bà Lan giữ nguyên kháng cáo, không kêu oan. Theo bà, bản án sơ thẩm chưa làm rõ bản chất hành vi và nhận thức chủ quan của bà, cũng như đảm bảo tính xác thực của các số liệu đã cáo buộc bà chiếm đoạt, dẫn đến việc quy buộc bà về 3 tội danh.
Cũng giống như các phiên tòa trước đó, mỗi lần được HĐXX hỏi về hành vi của mình, bà Lan dành rất nhiều thời gian để trình bày bối cảnh, nguyên nhân dẫn tới vụ án và những đóng góp của gia đình bị cáo đối với xã hội.
Ở tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bà Lan cho rằng bản thân không phải là người đưa ra chủ trương phát hành các gói trái phiếu để chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng của các trái chủ.

Bị cáo Trương Mỹ Lan kháng cáo bản án sơ thẩm cáo buộc bà với 3 tội danh (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Bị cáo Lan khai, bà Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó tổng giám đốc SCB, đã chết) là người đưa ra chủ trương và nhờ bà cho mượn các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu và bà đã đồng ý. Việc bà cho mượn các công ty để phát hành trái phiếu là muốn giúp SCB, không nhằm chiếm đoạt tiền. Bản thân bà và Vạn Thịnh Phát không sử dụng số tiền này.
Bà nhận trách nhiệm về số tiền bồi thường cho trái chủ, song đề nghị HĐXX xem xét việc thu hồi số tiền là tang vật các đơn vị khác thụ hưởng, cũng như buộc SCB phải có trách nhiệm liên đới trong việc khắc phục hậu quả, bởi số tiền có từ phát hành trái phiếu được SCB sử dụng.
Về tội Rửa tiền, theo bà Lan số tiền quy buộc bà phạm tội này cũng là số tiền bị cáo buộc tham ô và chiếm đoạt ở cả hai giai đoạn nên cần phải được cấn trừ đi giá trị tài sản của bị cáo đang bị kê biên. Các khoản tiền rút từ SCB ra là nhằm mục đích đảo nợ, tiền không ra khỏi ngân hàng.
Chủ tịch Vạn Thịnh Phát cũng đề nghị HĐXX xem xét bỏ tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới đối với mình. Theo bà, trong quá trình tái cơ cấu SCB cần một khoản tiền lớn nên đã phải tìm nhiều nguồn xoay xở, trong đó có đi vay nước ngoài.
"Bị cáo không ý thức được việc chuyển tiền từ nước ngoài về và chuyển ra nước ngoài để trả nợ là vi phạm pháp luật cho đến khi bị bắt. Việc bản thân bị buộc thêm tội danh này khiến quá trình khắc phục hậu quả vụ án càng thêm khó khăn, bởi bạn bè và người thân của bị cáo ở nước ngoài không ai dám chuyển tiền cho mượn", bà Trương Mỹ Lan trình bày.
Trong vụ án này, bà Lan phải chịu án phí sơ thẩm 30 tỷ đồng. Tại tòa, bà Lan nói mình đã trên 60 tuổi (người lớn tuổi), theo Nghị quyết 326 thì sẽ được miễn án phí nên xin tòa miễn số tiền này.
"Bị cáo là người cao tuổi nên xin tòa miễn án phí cho bị cáo, còn trong trường hợp không được miễn thì bị cáo xin chấp hành", bà Lan trình bày.
Trong giai đoạn 1 của vụ án, bà Lan kháng cáo xin miễn hơn 674 tỷ đồng án phí vì cho rằng mình thuộc đối tượng người cao tuổi. Song, HĐXX phúc thẩm xác định bà Lan không đủ điều kiện để được miễn án phí.
Đối với các bị cáo Trương Huệ Vân (cháu bà Lan), Ngô Thanh Nhã (em dâu bà Lan) cùng các đồng phạm khác thừa nhận hành vi phạm tội, nộp thêm tiền khắc phục hậu quả và xin HĐXX cân nhắc, xem xét, giảm nhẹ hình phạt.
Đề nghị giảm hình phạt cho bà Trương Mỹ Lan
Ngày 3/4, trong phần luận tội, đại diện VKSND Cấp cao tại TPHCM xác định bản án sơ thẩm xét xử bị cáo cùng đồng phạm về các tội danh nêu trong bản án sơ thẩm là đúng người đúng tội, không oan sai.

Bà Trương Mỹ Lan được VKS đề nghị giảm nhẹ mức án tù chung thân (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Theo đại diện cơ quan công tố, nếu bị cáo Lan không cho mượn các công ty của Vạn Thịnh Phát thì sẽ không thể phát hành được các gói trái phiếu. Bà chủ Vạn Thịnh Phát cùng đồng phạm đã có thủ đoạn gian dối, đưa thông tin sai sự thật về việc mua trái phiếu khiến các trái chủ tin tưởng, rồi mất khả năng làm chủ dòng tiền. Do đó, hành vi của bị cáo Lan đã đủ yếu tố cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, trong quá trình xét xử ở cả 2 giai đoạn vụ án, các cơ quan tố tụng đã thu hồi được khoảng 8.000 tỷ đồng (giai đoạn một 7.000 tỷ, giai đoạn hai 1.000 tỷ) và dự kiến sẽ thu hồi thêm 15.000 tỷ đồng. Từ đó, đại diện VKS ghi nhận việc bà Lan đã khắc phục được 1/4 số tiền thiệt hại của giai đoạn 2 và đây là tình tiết mới nên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo ở tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ở hai tội danh còn lại, VKS cho rằng kháng cáo của bà Lan không có căn cứ, đề nghị tòa bác.
Đối với các kháng cáo của bị cáo Trương Huệ Vân, Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc SCB)… VKS cho rằng hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, mức án sơ thẩm là phù hợp.
Tuy nhiên, tại tòa phúc thẩm, các bị cáo đã thành khẩn khai báo, nộp lại một phần tiền để khắc phục hậu quả nên có căn cứ xem xét chấp nhận một phần kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Trương Huệ Vân, Ngô Thanh Nhã. Từ đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho những người này 15-18 tháng tù so với án sơ thẩm.
Tương tự, 18 bị cáo khác được đại diện đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo, giảm nhẹ hình phạt 6-18 tháng tù.
Đối với kháng cáo của bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB), Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB), Nguyễn Phương Anh (phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula), đại diện VKS cho rằng không có tình tiết mới nên không có căn cứ xem xét.
Đối với ông Chu Nap Kee Eric (Chu Lập Cơ, chồng bà Lan) không có kháng cáo, nộp thêm tiền để khắc phục hậu quả của vụ án. Đại diện VKS cho rằng đây là tình tiết mới, đề nghị HĐXX cân nhắc, xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho ông Cơ.
Xin giảm án để khắc phục hậu quả
Bước vào phần tranh luận, bà Lan bày tỏ mong muốn được HĐXX xem xét lại để giảm án sâu cho bị cáo mức án tù chung thân để khích lệ tinh thần và có động lực cũng như tạo điều kiện, hành lang pháp lý cho bà trong việc khắc phục hậu quả vụ án (trong gia đoạn 1 bà Lan bị tuyên phạt mức án tử hình và bản án đã có hiệu lực).
Các luật sư bào chữa cho bà Lan trình bày nhiều vấn đề liên quan tới hành vi phạm tội của thân chủ.

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Cũng trong phần tranh luận, luật sư Nguyễn Tuyết Ngọc (bào chữa cho bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn) cho rằng, cấp sơ thẩm xác định thân chủ giúp sức cho bà Lan chiếm đoạt 28.500 tỷ đồng là tình tiết cần xem xét lại. Luật sư cho rằng, ông Văn không tham gia vào việc phân phối gói trái phiếu Setra vì lúc đó người này đã nghỉ làm tại ngân hàng.
Luật sư Nguyễn Thành Công (bào chữa cho bị cáo Trần Thị Mỹ Dung) cho rằng, thời điểm có hành vi sai phạm, bà Dung với vai trò Phó tổng giám đốc khối, nhưng bị nhầm lẫn là Phó tổng giám đốc SCB. Từ đó, bà Dung bị gắn vào phần trách nhiệm với số tiền 2.000 tỷ đồng trong tổng số 30.000 tỷ, và bị xác định mức độ vi phạm cao dẫn đến mức hình phạt nặng. Luật sư đề nghị tòa xem xét, giảm án sâu hơn cho bị cáo.
Các luật sư còn lại nêu ra một số tình tiết giảm nhẹ, đề nghị HĐXX cân nhắc chấp nhận kháng cáo cho thân chủ của mình.
Trong phiên tòa này, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm bị cáo buộc đã dùng các thủ đoạn gian dối, bán trái phiếu cho gần 36.000 bị hại, chiếm đoạt số tiền hơn 30.000 tỷ đồng.
Đối với tội Rửa tiền, bà Lan và đồng phạm đã "rửa" 445.747 tỷ đồng. Đồng thời, bà Lan và đồng phạm còn bị cáo buộc đã vận chuyển trái phép hơn 4,5 tỷ USD qua biên giới.