Kinh nghiệm lái xe từ thực tế:

Tình huống va chạm tưởng đơn giản mà gây tranh cãi đúng - sai

Nhật Minh

(Dân trí) - Chiếc xe tải nhỏ phóng như bay từ dưới lên, định vượt xe tải lớn ở ngay ngã tư, nhưng có lẽ đã phán đoán sai tình huống, không ngờ xe tải lớn rẽ trái chứ không đi thẳng...

Clip do camera hành trình của một xe ô tô đi trên đường cắt ngang cho thấy, khi đèn giao thông vừa chuyển xanh, xe tải lớn vừa bắt đầu lăn bánh thì một chiếc xe tải nhỏ từ dưới phóng vọt lên để vượt ở bên tay trái.

Có lẽ do mải tăng tốc để vượt lên nên tài xế xe tải đã không quan sát thấy xe tải lớn đang bật đèn xi-nhan rẽ trái. Đến giữa ngã tư, khi thấy xe tải lớn bắt đầu cua sang trái, xe tải nhỏ vội phanh lại, nhưng không kịp, vẫn bị đuôi xe tải "vả" lệch đầu.

Tình huống va chạm tưởng đơn giản mà gây tranh cãi đúng - sai (Nguồn video: HLX).

Từ góc quay của camera hành trình trên xe đi ở hướng vuông góc, không xác định được xe tải nhỏ có lấn sang làn đường ngược chiều để vượt không, nhưng chắc chắn một điều là xe tải nhỏ đã cố vượt xe tải lớn ở ngay ngã tư, vốn là nơi cấm vượt.

Clip sau khi được chia sẻ lên các hội, nhóm trên mạng xã hội đã gây tranh luận sôi nổi về việc ai đúng, ai sai trong tình huống này.

"Ở chỗ này xe tải nhỏ nhoi lên là sai rồi, xe tải lớn đã có tín hiệu từ trước, còn xe tải nhỏ ở thứ ba còn nhoi lên", tài khoản A. bình luận.

"Trong tình huống này, tài xe tải con lái non, không chịu quan sát nhường xe khác, phán đoán kém nên mới thế", tài khoản Duy Tr. nhận xét.

Trong khi đó, tài khoản Xuân T. cho rằng, cả hai tài xế đều phạm lỗi không chú ý quan sát khi điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông. Còn lại phải xem cụ thể đường và vạch kẻ đường mới kết luận được ai sai ai đúng.

Một tài khoản khác lại chia sẻ: "Chẳng biết như thế nào chứ cậu em của em rơi vào tình huống như trên với xe con và đã phải đền 100 triệu đồng để sửa xe con đấy".

Theo Điều 14 Luật Giao thông đường bộ 2008, người tham gia giao thông khi vượt xe cần nắm rõ các quy định sau:

1. Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.

2. Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.

3. Khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.

4. Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải:

a) Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái;

b) Khi xe điện đang chạy giữa đường;

c) Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.

5. Không được vượt xe khi có một trong các trường hợp sau đây:

a) Không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2;

b) Trên cầu hẹp có một làn xe;

c) Đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế;

d) Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;

đ) Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt;

e) Xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.