DNews

Hãng xe Trung Quốc đầu tiên vào Mỹ: Phần thưởng cho người không bỏ cuộc

Nhật Minh

(Dân trí) - Sản xuất ô tô là con đường đầy chông gai đối với công ty Trung Quốc này, thành công hiện tại được góp nhặt từ nhiều thất bại.

Hãng xe Trung Quốc đầu tiên vào Mỹ: Phần thưởng cho người không bỏ cuộc

Geely là một trong những nhà sản xuất ô tô tư nhân lớn nhất Trung Quốc, thuộc sở hữu của tỷ phú Li Shufu (tên tiếng Anh là Eric Li). Giá trị tài sản ròng của ông đạt 15,1 tỷ USD, và ông hiện là người giàu thứ 15 thế giới, theo tạp chí Forbes.

Ông thường được miêu tả là một người vĩ cuồng và một doanh nhân "lì đòn", người không bao giờ chấp nhận bỏ cuộc. Geely có mọi thứ: hàng chục thương hiệu ô tô từ bình dân tới cao cấp, các vệ tinh giống như SpaceX của Tesla, và hoạt động kinh doanh xe công nghệ cạnh tranh với Uber Trung Quốc.

Hãng xe Trung Quốc đầu tiên vào Mỹ: Phần thưởng cho người không bỏ cuộc - 1

Li Shufu xuất thân từ một gia đình nông dân ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc (Ảnh: Geely).

Li Shufu còn được gọi là Henry Ford của Trung Quốc, vì cũng có xuất thân nghèo khó và xây dựng một đế chế sản xuất ô tô toàn cầu từ con số 0. Cả hai lớn lên trong gia đình làm nông. 

Ở tuổi 19, công việc đầu tiên Li Shufu làm để kiếm tiền là chụp ảnh cho khách du lịch, sau khi mua một chiếc máy ảnh bằng tiền của bố cho. Sau đó, ông mở một cửa hàng bán phụ kiện máy ảnh thủ công.

Khi tốt nghiệp kỹ sư tại Đại học Yến Sơn vào năm 1986, Li Shufu thành lập công ty Geely, trong tiếng Trung có nghĩa là "may mắn", chuyên sản xuất phụ tùng tủ lạnh.

8 năm sau, Geely nhảy vào lĩnh vực sản xuất xe máy sau khi Li Shufu mua lại một công ty quốc doanh bị phá sản. Ông nhìn thấy cơ hội lớn trong việc sản xuất xe gắn máy để làm phương tiện di chuyển cá nhân giá rẻ.

Ông bắt đầu nghiên cứu lĩnh vực thiết kế và sản xuất, khởi nghiệp lần thứ 5. Vào năm 1994, Geely trở thành công ty đầu tiên ở Trung Quốc đại lục sản xuất xe gắn máy và sau đó là xe máy. Họ đã thành công rực rỡ trong suốt một thập kỷ sau đó.

Tuy nhiên, dù Geely thống lĩnh thị trường xe hai bánh, nhưng các đối thủ nhanh chóng theo kịp. Cuối cùng, Geely rút khỏi thị trường này do vấp phải sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, ví dụ như trốn thuế. Nhưng Li Shufu không dừng bước ở đó, ông muốn làm ô tô. 

Từ 2 bánh chuyển sang 4 bánh

Vào năm 1997, Geely Auto trở thành nhà sản xuất ô tô tư nhân đầu tiên của Trung Quốc. 

Khi bị chê cười là thiếu kinh nghiệm, ông đã phớt lờ và nói một câu rất nổi tiếng: "Sản xuất ô tô không khó. Chỉ là 4 bánh xe và 2 chiếc đi-văng". 

1997 là năm các nhà sản xuất ô tô nước ngoài bắt đầu vào Trung Quốc. Tuy nhiên khi đó, doanh nghiệp tư nhân không được chính phủ nước này khuyến khích tham gia sản xuất ô tô. Không nhụt chí, ông Li có niềm tin mạnh mẽ rằng Trung Quốc, trong đó có Geely, có thể tự sản xuất ô tô mà không cần phải bắt tay với các nhà sản xuất ô tô nước ngoài.

Để không bị vướng vấn đề giấy phép, Li Shufu tìm đến một đối tác trong nước có nhà máy ô tô ở Đức Dương, tỉnh Tứ Xuyên. Chỉ với 7% vốn góp, ông đã có được giấy phép cần thiết để có thể sản xuất ô tô. Cùng với hai kỹ sư của Geely, Li Shufu bắt đầu học về công nghệ ô tô. Họ đã chế tạo chiếc xe đầu tiên thủ công. 

Hãng xe Trung Quốc đầu tiên vào Mỹ: Phần thưởng cho người không bỏ cuộc - 2

Chiếc ô tô đầu tiên của Geely xuất xưởng tại nhà máy ở Chiết Giang vào năm 1998 thực chất là sản phẩm cóp nhặt từ khung gầm cho tới kiểu dáng (Ảnh: Geely).

Hoạt động của Geely trong lĩnh vực ô tô không suôn sẻ ngay từ đầu. Hai lô xe đầu tiên không thành công, phải hủy bỏ, khi bị ông Li Shufu đánh giá là không đủ tốt để bán ra thị trường.

Mục tiêu mà ông đặt ra cho Geely là sản xuất các mẫu ô tô giá rẻ và có chỗ đứng trong ngành công nghiệp ô tô. Cho rằng có lực lượng lao động lành nghề và được đào tạo phù hợp là sẽ làm được ô tô, nên vào năm 2000, ông thành lập Đại học Geely Bắc Kinh, cùng với một số trường kỹ thuật để đảm bảo nguồn cung nhân sự có tay nghề.

Geely đã gặt hái thành công ban đầu, khi bán được hơn 600.000 xe máy và 150.000 ô tô vào năm 2000. Dù vậy, lúc này Geely vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của chính phủ Trung Quốc. 

Hãng xe Trung Quốc đầu tiên vào Mỹ: Phần thưởng cho người không bỏ cuộc - 3

Ông Li Shufu thời trẻ tại trụ sở của Geely ở Chiết Giang, Trung Quốc (Ảnh: Geely).

Bước ngoặt của Geely đến vào năm 2001, khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cột mốc hứa hẹn mở ra cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất của nước này tiếp cận thị trường thế giới.

Trong danh sách gửi lên WTO, chính phủ Trung Quốc đã ghi tên Geely như một nhà sản xuất ô tô tư nhân đầu tiên, cho phép họ bán ô tô ở thị trường trong nước. Sau đó một năm, Geely ra mắt mẫu sedan cỡ nhỏ mang tên Ziyoujian ("Free Cruiser") do hãng Daewoo Motors của Hàn Quốc thiết kế.

Công ty tiếp tục mở rộng hoạt động, không ngừng tìm hiểu nhu cầu của khách hàng. Năm 2002, Geely lọt vào top 10 nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc.

Đến năm 2005, Geely trở thành nhà sản xuất ô tô tư nhân đầu tiên của Trung Quốc được mời tham gia Triển lãm ô tô Frankfurt ở Đức. Cũng trong năm đó, cổ phiếu của công ty được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hong Kong, cũng chính là nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đầu tiên làm được việc này.

Khi đã có kinh nghiệm sản xuất, Geely chuyển hướng từ chế tạo ô tô giá rẻ sang tập trung vào các công nghệ hiện đại, tiêu chuẩn sản xuất cao, và vai trò dẫn dắt thị trường.  

Năm 2015, Geely Auto ra mắt một mẫu sedan hạng sang, chính thức bước vào kỷ nguyên mới, với các sản phẩm đẹp hơn, cao cấp hơn, an toàn hơn, như Bo Rui sedan, Bo Yue SUV, Emgrand GL, và Emgrand GS.

Hãng xe Trung Quốc đầu tiên vào Mỹ: Phần thưởng cho người không bỏ cuộc - 4

Bo Rui là một trong những xe bán chạy nhất của Geely, có cả phiên bản mild-hybrid và hybrid sạc điện (PHEV). Mẫu xe này đã được chọn làm xe ngoại giao chính thức của Trung Quốc (Ảnh: Geely).

Geely Bo Rui GE là mẫu xe hạng B đầu tiên ở Trung Quốc được trang bị công nghệ lái tự động cấp độ 2, với các tính năng như kiểm soát hành trình thông minh ICC, kiểm soát hành trình thích ứng ACC, hay hỗ trợ đỗ xe tự động APA...

"Trùm" thâu tóm thương hiệu ngoại

Năm 2005, doanh số ô tô của Geely đạt 143.279 chiếc, tăng 46% so với năm trước đó. Năm 2006, Geely bắt đầu theo đuổi chiến lược vươn ra thế giới thông qua việc bắt tay hợp tác và thu mua doanh nghiệp nước ngoài.

Quan hệ hợp tác đầu tiên là với Manganese Bronze, nhà sản xuất taxi đen nổi tiếng của London (Anh quốc), cho phép Geely sản xuất loại xe này tại nhà máy ở Thượng Hải. Năm 2010, Geely cứu Manganese Bronze bằng số tiền 11 triệu bảng Anh (13,7 triệu USD).  

Ông Li đã ấp ủ những kế hoạch đầy tham vọng với London Taxi Company (còn được biết đến là Geely UK). Từ năm 2010 đến 2017, Geely đã đầu tư hơn 325 triệu bảng Anh vào thương hiệu này, mở một nhà máy mới ở Coventry (Anh) vào năm 2017. Đến năm 2018, họ có sản lượng cao gấp 10 lần trước đây. Công ty cũng đã mở rộng ra ngoài thị trường Anh, tới tận Australia và Azerbaijan. 

Geely liên tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, với lợi nhuận ròng đạt 173 triệu USD vào năm tài chính 2009, tăng 35% so với năm trước đó.

Từ năm 2002, trong một cuộc họp nội bộ của công ty, ông Li Shufu lần đầu tiên đề cập tới việc muốn mua lại thương hiệu ô tô Volvo của Thụy Điển từ tập đoàn Ford.

Đến năm 2007, Geely chính thức gửi thư cho Ford hỏi mua Volvo. Tuy nhiên, lá thư đó đã bị phớt lờ, không được hồi đáp vì cái tên Geely khi đó quá mờ nhạt. Việc đó giống như một cú tát với một doanh nhân đầy tham vọng của Trung Quốc.

Còn có tin đồn rằng khi đó, các lãnh đạo của Ford đã cười nhạo rất nhiều về đề nghị của Geely, nhưng có vẻ như thực ra họ thậm chí chú ý tới việc này, vì Li Shufu gửi đề xuất thông qua một đại lý truyền thông. Một số người coi việc đó là thiếu kinh nghiệm, nhưng với ông Li Shufu, đó có thể là một kinh nghiệm rút ra từ thất bại.

Ông không dễ dàng bỏ cuộc. Vào năm 2008, ông đã thu xếp được một cuộc gặp với Giám đốc tài chính (CFO) của Ford tại Triển lãm ô tô Detroit ở Mỹ. Nhưng kết quả còn tệ hơn cả lần trước đó một năm, khi ông gửi đề xuất qua công ty truyền thông.

Ford không có ấn tượng gì với một nhà sản xuất ô tô Trung Quốc "vô danh tiểu tốt" và hồi đáp một cách lịch sự rằng họ sẽ cân nhắc. Tuy nhiên, nếu từ bỏ thì đã không phải là Li Shufu. Ông bắt đầu thành lập nhóm thâu tóm doanh nghiệp.

Không thuê công ty truyền thông nữa, ông mời ngân hàng đầu tư Rothschild về tư vấn, thuê Deloitte Touche Tohmatsu để tư vấn tài chính, công ty luật Freshfield để xử lý các vấn đề pháp lý, chuyên gia kiểm toán Freeman Shen, người khi đó đang là phó chủ tịch Fiat Trung Quốc.

Đến năm 2009, Li Shufu, khi đã có sự chuẩn bị kỹ càng và có sự đồng hành của ông Yu Liping, chủ tịch Rothschild Trung Quốc, một lần nữa đến thăm gian hàng của Ford tại Triển lãm ô tô Detroit, thể hiện mong muốn mua lại thương hiệu Volvo. Tình hình đã khác, CFO của Ford hứa sẽ báo cho Geely biết nếu họ quyết định bán Volvo.

Đây đúng là thời điểm hoàn hảo. Ford bắt đầu cảm nhận được tác động của cuộc khủng hoảng tài chính 2008, khi mà lượng tiền mặt ngày càng ít đi, trong bối cảnh thị trường ô tô toàn cầu ảm đạm. Họ quyết định bán Volvo, và ông Li Shufu đã chuẩn bị sẵn sàng "vào việc". Mọi thứ diễn ra chóng vánh bất ngờ.

Li Shufu đã "chốt đơn" thành công và được chính phủ Trung Quốc ủng hộ. Ngày 2/8/2010, Ford và Geely đã ký thỏa thuận chính thức chuyển nhượng thương hiệu Volvo. Geely trả 1,8 tỷ USD bằng tiền mặt để sở hữu thương hiệu ô tô Thụy Điển. Đây là thương vụ mua lại lớn nhất ở nước ngoài của một nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.

Hãng xe Trung Quốc đầu tiên vào Mỹ: Phần thưởng cho người không bỏ cuộc - 5

Ông Li Shufu (trái) trong lễ ký kết mua thương hiệu Volvo cùng với ông Lewis Booth (phải), Giám đốc tài chính (CFO) của Ford (Ảnh: Geely).

Ông Li Shufu luôn trân trọng thương hiệu Volvo. Ông thường xuyên nói rằng Volvo là Volvo và Geely là Geely. Vào tháng 5/2014, trang CarNewsChina dẫn lời ông nói: "Geely và Volvo giống như anh em, chứ không phải là cha và con".

Sau khi về với Geely, thương hiệu Volvo phát triển rực rỡ hơn bao giờ hết, nhờ được quay về với giá trị cốt lõi là công nghệ an toàn, thay vì tập trung vào thiết kế như thời còn thuộc sở hữu của Ford.

Vào năm 2017, doanh số của Volvo tăng 7%, đạt mức kỷ lục hơn 500.000 xe; trong đó, doanh số tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng tới 20%, do thị trường lớn nhất của Volvo là Trung Quốc tăng trưởng mạnh.

Tập đoàn Geely không chỉ có hai thương hiệu Volvo và Geely, họ còn sở hữu nhiều thương hiệu khác, gồm:

- Lynk&Co - thương hiệu dành cho giới trẻ, có cả xe xăng và xe hybrid sạc điện (PHEV)

- Zeekr - thương hiệu xe thuần điện cao cấp cạnh tranh với Tesla

- Livan - liên doanh với Lifan trong lĩnh vực taxi công nghệ

- Radar - thương hiệu xe bán tải thuần điện

- Lotus - thương hiệu xe thể thao Anh quốc mà Geely mua đa số cổ phần vào năm 2017

- Polestar - thương hiệu xe thuần điện thuộc Volvo

- Volvo Smart - liên doanh với Mercedes-Benz

- LEVC (Công ty xe điện London) - doanh nghiệp mà Geely mua lại vào năm 2013

Ngoài ra, Geely Auto còn chia làm 3 nhánh:

- Star - thương hiệu xe động cơ đốt trong truyền thống của Geely

- Geometry - thương hiệu xe điện phổ thông

- Galaxy - thương hiệu xe thuần điện (BEV) và hybrid sạc điện (PHEV) cao cấp.

Hãng xe Trung Quốc đầu tiên vào Mỹ: Phần thưởng cho người không bỏ cuộc - 6

Hệ sinh thái của Geely cho thấy tập đoàn này không chỉ sở hữu nhiều thương hiệu ô tô mà còn đẩy mạnh phát triển công nghệ, giải pháp di chuyển năng lượng mới (Ảnh: Geely).

Trên hết, công ty Geespace của Geely đặt mục tiêu có 72 vệ tinh trong quỹ đạo vào năm 2025 để hỗ trợ cho các hệ thống an toàn ADAS trên xe của công ty, vận hành dịch vụ taxi công nghệ Cao Cao cạnh tranh với Didi ở Trung Quốc, và Cao Cao Auto, thương hiệu con chuyên sản xuất xe điện có tính năng đổi pin để phục vụ dịch vụ taxi công nghệ.

Geely cũng đã công bố kế hoạch thiết lập mạng lưới 5.000 trạm đổi pin trên toàn thế giới vào năm 2025. Li Shufu chưa bao giờ giấu các kế hoạch đầy tham vọng của mình với Geely.

Geely hiện sở hữu gần 10% cổ phần Mercedes-Benz thông qua thương vụ gây nhiều tranh cãi của tỷ phú Li Shufu, và Mercedes cũng không mấy vui vẻ với nó.

Geely đã mất nhiều tháng âm thầm mua gom cổ phiếu Mercedes với tổng trị giá lên tới 9 tỷ USD, trở thành cổ đông lớn thứ hai của thương hiệu xe sang Đức, theo tiết lộ vào tháng 3/2018. Thời mà Li Shufu phải chờ đợi câu trả lời của lãnh đạo các nhà sản xuất ô tô lớn đã qua.

Thương vụ lớn gần nhất của ông là ký thỏa thuận với Nio để hợp tác phát triển mạng lưới trạm đổi pin. Thời gian sẽ cho thấy liệu Geely chỉ muốn dùng mạng lưới trạm đổi pin để hỗ trợ nền tảng khung gầm xe điện SEA thế hệ mới của họ, hay còn có ý định gì khác, ví dụ như biến Nio thành thương hiệu con thứ 9 của công ty, vì Li Shufu rất thích thâu tóm doanh nghiệp.

Hãng xe Trung Quốc đầu tiên vào Mỹ: Phần thưởng cho người không bỏ cuộc - 7
Hãng xe Trung Quốc đầu tiên vào Mỹ: Phần thưởng cho người không bỏ cuộc - 8
Hãng xe Trung Quốc đầu tiên vào Mỹ: Phần thưởng cho người không bỏ cuộc - 9
Hãng xe Trung Quốc đầu tiên vào Mỹ: Phần thưởng cho người không bỏ cuộc - 10
Hãng xe Trung Quốc đầu tiên vào Mỹ: Phần thưởng cho người không bỏ cuộc - 11

Geely hiện là nhà sản xuất ô tô duy nhất của Trung Quốc bán được xe điện trên đất Mỹ, dù phải chịu mức thuế nhập khẩu khoảng 25%. Polestar đã bán được hơn 10.000 chiếc Polestar 2 nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ trong năm 2022, thậm chí xuất hiện trong quảng cáo phát sóng trong Superbowl - sự kiện thể thao có quy mô lớn nhất nước Mỹ.

BYD, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc, cũng bán xe điện ở Mỹ, nhưng là xe buýt và chúng được sản xuất tại California. BYD chưa có kế hoạch cụ thể gì với xe con tại Mỹ.

Trong khi đó, Geely chinh phục thị trường Mỹ thông qua loạt thương hiệu con của mình, như Volvo, Polestar, Lotus và Zeekr. Dự kiến từ năm sau, các mẫu xe của Polestar sẽ được lắp ráp tại nhà máy của Volvo Cars ở Mỹ để tránh thuế nhập khẩu. Lotus và Zeekr cũng đang tính đến phương án sản xuất xe tại Mỹ. 

Tập đoàn Geely đã có tên trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới trong suốt 10 năm liên tiếp do tạp chí Fortune của Mỹ bình chọn.