Vì sao thế hệ trẻ Việt thời nay rất khó tìm việc như ý?
(Dân trí) - Tìm việc trên mạng tưởng như có thể giảm bớt lo lắng cho các bạn trẻ, nhưng thực tế lại mang đến nhiều thách thức phức tạp hơn.
Hải Nam (24 tuổi, Hà Nội) thất nghiệp sau khi công ty đột ngột cắt giảm nhân sự vì không đủ tài chính. Suốt thời gian tiếp theo, Nam rải CV (hồ sơ xin việc) rất nhiều nhưng đều thất bại. Nam làm freelancer (công việc tự do) cùng những mối quan hệ cũ được một tháng là hết việc.
"Tháng này là tháng thứ 4 mình thất nghiệp rồi. Mình đã rải CV mãi mà không nhận được hồi âm từ công ty nào, làm mình cảm thấy rất thất vọng và mất phương hướng", Hải Nam chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Theo kết quả khảo sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc làm đối với thanh niên giai đoạn từ năm 2020-2023" của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của người lao động trong độ tuổi 15-24 chiếm 7,21%. Năm 2021, tỷ lệ này là 8,55% và là năm cao nhất trong vòng 10 năm gần đây.
Năm 2022, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tình hình việc làm của thanh niên có sự chuyển biến tích cực, nhưng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp vẫn chiếm hơn 7,7%, chiếm 37,6% tổng số người thất nghiệp.
Những con số trên cho thấy, cuộc chiến khó khăn mà những người trẻ đang phải đối mặt trong việc kiếm công việc phù hợp với mong muốn và khả năng. Họ ngày càng thất vọng, chấp nhận hoặc nằm nhà chờ việc, làm công việc tạm thời với mức lương ít ỏi.
Thực trạng thị trường lao động
Một phần khó khăn xuất phát từ thị trường lao động ngày càng chặt chẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ có hàng trăm nghìn người bị sa thải trong 9 tháng qua. Hiện nay, trên LinkedIn, tỷ lệ chọi đã tăng lên khi số lượng ứng viên gấp đôi số cơ hội việc làm. Đây là sự thay đổi lớn so với đầu năm 2022, khi trung bình số lượng việc làm với ứng viên khá tương ứng với nhau, theo Báo cáo tuyển dụng 2023 của Linkedln.
Quay ngược thời gian về khoảng 10 năm trước, để tìm việc, người ta cần "ngụp lặn" trong mớ thông tin đa chiều từ nhiều chồng báo giấy khác nhau. Người tìm việc tự đăng bài tuyển, ghi chú trực tiếp hay cắt dán những trang báo tuyển dụng là điều rất dễ dàng bắt gặp.
Phong cách đó đã không còn nữa. Với sự xuất hiện của các ứng dụng tìm việc trên di động, người tìm việc giờ đây có thể lưu lại những công việc yêu thích và quản lý các công việc đã ứng tuyển.
Theo báo cáo của Navigos Group, trong quý II/2022, đã có hơn 36.000 việc làm được đăng tải trên trang tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks. Đó chỉ là một trong hàng trăm trang web tuyển dụng tại Việt Nam, chưa kể những mạng xã hội như Linkedin, Facebook, TikTok hay Threads cũng được tận dụng triệt để cho công cuộc "việc tìm người".
Có hàng nghìn công việc được đăng tin mỗi ngày, nhưng người và việc vẫn không tìm được nhau. Vậy vấn đề nằm ở đâu?
Tư duy tìm việc
Theo Quang Anh (29 tuổi, Bắc Giang) thuộc bộ phận tuyển dụng của một công ty công nghệ, lý do đằng sau việc này là vì mọi thứ diễn ra quá công nghiệp.
"Nhiều bạn trẻ thời nay có xu hướng rải CV để tìm việc. Điều này dẫn tới việc họ không thực sự tìm hiểu kỹ vị trí ứng tuyển và không rõ công ty mình ứng tuyển vận hành ra sao, làm về mảng gì", anh chia sẻ.
Quang Anh cho biết thêm, công ty của anh dùng hệ thống ATS (hệ thống quản lý đơn xin việc của ứng viên) để lọc CV. Thế nên, những hồ sơ có lỗi định dạng như dùng nhiều màu sắc khác nhau, định dạng file (tệp thông tin) lạ, sử dụng định dạng hai cột đều sẽ bị loại. Những hồ sơ vượt qua vòng lọc của ATS sẽ được anh lọc thêm một lần nữa rồi mới đến vòng phỏng vấn.
Theo báo cáo mới nhất của một thương hiệu tuyển dụng cuối năm 2023, hai yếu tố mà Gen Z (những người sinh năm 1997-2012) quan tâm nhất khi tìm việc là mức lương khởi điểm/khoảng lương của công việc và thông tin chi tiết về gói phúc lợi. Còn những yếu tố tầm nhìn, chiến lược, giá trị cốt lõi của công ty hay môi trường làm việc lại xếp sau với khoảng cách khá cách biệt.
Thế hệ trẻ hiện có cả "biển" thông tin tìm việc cùng tinh thần ứng tuyển nhiệt tình nhưng lại thiếu đi công đoạn nghiên cứu, tìm hiểu về công ty đứng sau hoạt động tuyển dụng đó. Họ đang bỏ qua những yếu tố rất cần thiết để không chỉ có một mức lương cao, mà còn là một sự nghiệp bền vững.
Châu Anh (22 tuổi, Hà Nội) cũng từng lâm vào tình cảnh rải CV mãi mà không được nhà tuyển dụng phản hồi. Nhưng sau một thời gian thấy không hiệu quả, cô liền đổi phương pháp.
"Với mỗi công việc, mình sẽ đọc kỹ mô tả công việc, sau đó chỉnh sửa lại để họ thấy đúng cái họ cần. Thư giới thiệu mình cũng viết cẩn thận những kỹ năng mình có cho từng công ty, chứ không gửi hàng loạt. Sau đó, mình gửi khoảng 7-8 công ty, cũng được 3-4 công ty trả lời", Châu Anh tiết lộ.
Cô gái Hà Nội khuyên rằng, không nên rải quá nhiều CV. Bởi cô đã gặp trường hợp CV ứng viên bị cắt ghép không đủ thông tin, làm người này mất cơ hội, mặc dù kinh nghiệm rất phù hợp với công việc.
"CV chứa khá nhiều thông tin cá nhân nên tránh gửi lung tung, dễ rơi vào bẫy của những người chuyên thu thập dữ liệu", Châu Anh nói thêm.
Nhiều chuyên gia hướng nghiệp cho rằng, giới trẻ nên trang bị thêm kiến thức về các công ty trong ngành của mình, chăm chỉ theo dõi phương thức, môi trường làm việc của họ. Thường xuyên đọc báo cáo nghiên cứu thị trường và theo dõi các giải thưởng uy tín cũng là phương pháp hiệu quả để xem mình phù hợp với môi trường nào.
Diệp Linh