DNews

Vì sao nhiều bạn trẻ Việt cứ sơ hở là đòi đi "du lịch chữa lành"?

Nguyễn Hồng Ngọc

(Dân trí) - Từ khóa "chữa lành" đang rất thịnh hành trong giới trẻ Việt. Thậm chí, nhiều người đã không ngần ngại chi hàng chục triệu đồng cho "du lịch chữa lành".

Vì sao nhiều bạn trẻ Việt cứ sơ hở là đòi đi "du lịch chữa lành"?

Chữa lành (healing) là quá trình phục hồi về mặt tinh thần, cảm xúc và thể chất. Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực và căng thẳng, khái niệm này ngày càng trở nên phổ biến, nhất là đối với giới trẻ.

Đi kèm với "chữa lành" là khái niệm "du lịch chữa lành" (healing tourism) cũng được quan tâm nhiều hơn. Đây là hình thức du lịch kết hợp với các hoạt động giúp cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất, hoặc đơn giản là nghỉ ngơi tại các địa điểm thiên nhiên yên bình.

Khi người trẻ thích đi "chữa lành"

Giới trẻ, đặc biệt là Gen Z (những người sinh năm 1997-2012), hiện nay phải đối mặt với áp lực từ công việc, học tập và xã hội. Đây cũng là những yếu tố khiến Mai Lan (22 tuổi, đến từ Thanh Oai, Hà Nội) chịu nhiều căng thẳng.

"Là sinh viên năm cuối đang vừa học, vừa làm nên mình phải đối diện với rất nhiều áp lực. Từ việc hoàn thành luận án tốt nghiệp đến những deadline (thời hạn), báo cáo, lịch họp của công ty… khiến mỗi ngày trôi qua với mình đều như một cuộc chiến, rất mệt mỏi và dễ bị kiệt sức", Mai Lan tâm sự với phóng viên Dân trí.

Khi tiếp xúc nhiều hơn với khái niệm "du lịch chữa lành", Lan đã dành ra 2-3 ngày mỗi tháng để du lịch một mình hoặc đi cùng những người bạn thân thiết. Đây là cách cô gái 22 tuổi cho rằng có thể chữa lành tâm hồn sau những khoảng thời gian làm việc với cường độ căng thẳng.

"Mỗi lần đi chữa lành, mình sẽ gần như ngắt kết nối với mạng xã hội để bản thân hoàn toàn được tận hưởng chuyến đi", cô nói.

Vì sao nhiều bạn trẻ Việt cứ sơ hở là đòi đi du lịch chữa lành? - 1

Mai Lan trong chuyến du lịch đến vùng đất Ninh Bình (Ảnh: NVCC).

Mai Lan cho biết, cô thường tiết kiệm từ tiền lương, tiền làm thêm bên ngoài đến học bổng để chi trả cho các chuyến đi "chữa lành". Chi phí chị bỏ ra sau mỗi lần du lịch dao động từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng. 

Minh Huyền (25 tuổi, sống tại Hà Nội) cũng là người yêu du lịch và có niềm đam mê khám phá những vùng đất mới. Huyền không có thói quen lên kế hoạch trước cho những chuyến đi của mình. Cô thường quyết định du lịch sau khi xem được video trên mạng xã hội về các địa điểm đang được nhiều bạn trẻ quan tâm.

"Vì làm freelancer (làm việc tự do) nên mình khá thoải mái về mặt thời gian, đi lại. Nhưng mặt trái của công việc này là phải tiếp xúc với rất nhiều khách hàng và nhận về không ít phản hồi tiêu cực, lâu dần sẽ bị đè nén trong lòng. Vậy nên, những chuyến đi vừa thỏa niềm đam mê xê dịch của mình, vừa là cơ hội để mình xả stress (căng thẳng) và có thêm cảm hứng làm việc", cô bộc bạch.

Vì sao nhiều bạn trẻ Việt cứ sơ hở là đòi đi du lịch chữa lành? - 2

Minh Huyền thích tận hưởng khoảng thời gian yên bình trong mỗi chuyến du lịch (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, Minh Huyền không coi đó là "du lịch chữa lành" mà chỉ đơn giản là sở thích cá nhân và giúp cô thoải mái hơn. Cô gái 25 tuổi cho rằng, trào lưu "du lịch chữa lành" xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm sự cân bằng và phục hồi giữa cuộc sống bận rộn của người trẻ.

"Với mình, đó là đi du lịch đơn thuần, không phải là đi chữa lành như nhiều bạn thường gọi. Vì chữa lành không phải điều có kết quả tức thì. Đó là sự chấp nhận những vết thương của mình, chữa từ suy nghĩ, từ cách cảm nhận cuộc sống và từ cách bản thân đối diện với khổ đau.

Đây là quá trình dày công tốn sức, yêu cầu cam kết ở mức độ cao về nhiều yếu tố như thời gian, cảm xúc, tiền bạc...", Huyền giải thích. 

Trước thực trạng xuất hiện tràn lan cụm từ "chữa lành" và xu hướng "du lịch chữa lành", Việt Anh (37 tuổi, đến từ Thái Bình) bày tỏ: "Ngày nay, người ta tìm đến rất nhiều phương pháp chữa lành, từ du lịch chữa lành, sách chữa lành, âm nhạc chữa lành cho đến mùi hương chữa lành. Hàng tá khái niệm về chữa lành "mọc lên" và dường như người ta thật sự tin rằng qua những điều đó, họ thật sự được chữa lành".

"Cảm giác thư giãn và hạnh phúc sau một kỳ nghỉ chỉ là tạm thời"

Việt Anh nhận định: "Thực chất, nguồn gốc của trào lưu chữa lành không mới mà xuất hiện từ rất lâu. Xu hướng này trở nên nở rộ sau thời điểm Covid-19, khi có nhiều người trải qua cú sốc lớn như mất người thân, mất việc làm hay phá sản nên họ cần xoa dịu về tinh thần. Nhưng bây giờ, tôi thấy mọi người đang quá lạm dụng từ chữa lành để rồi ngộ nhận, hùa theo đám đông rằng, mình cần chữa lành".

Bên cạnh đó, anh cũng không phủ nhận "du lịch chữa lành" thực sự có thể mang lại những lợi ích về tinh thần và thể chất.

"Việc thay đổi môi trường, tham gia vào các hoạt động thư giãn như yoga, thiền định hay hòa mình vào thiên nhiên đều có tác dụng giúp giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe tinh thần và tái tạo năng lượng. Hơn nữa, những chuyến du lịch cũng là sự đầu tư đáng giá cho sức khỏe tinh thần và thể chất. Trong cuộc sống hiện đại đầy áp lực, việc dành thời gian chăm sóc bản thân rất quan trọng. 

Ngược lại, lạm dụng chữa lành đang ngày một gia tăng. Khái niệm này giống như một cách để biện minh cho việc chi tiêu vào chuyến du lịch đắt đỏ. Những chuyến du lịch chữa lành thường đòi hỏi khoản chi không nhỏ, từ chi phí di chuyển, ăn ở cho đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thư giãn. Tổng chi phí cho một kỳ nghỉ chữa lành có thể lên đến hàng chục triệu đồng", anh giải thích.

Vì sao nhiều bạn trẻ Việt cứ sơ hở là đòi đi du lịch chữa lành? - 3

Kết thúc chuyến đi, nhiều người thường rơi vào trạng thái "post-holiday blue" (tạm dịch: Nỗi buồn sau kỳ nghỉ) (Ảnh minh họa: Freepik).

Theo Việt Anh, cảm giác thư giãn và hạnh phúc sau một kỳ nghỉ chỉ là tạm thời. Khi quay trở lại cuộc sống hàng ngày, áp lực và căng thẳng sẽ lại tái hiện.

"Thật khó tin khi bản thân gặp một tổn thương nào đó rồi đặt vé cho chuyến du lịch đến vùng đất mới, cho phép mình được thư giãn bằng cách xóa mạng xã hội, đắm chìm vào thiên nhiên hàng giờ liên tục… thì vết thương ấy sẽ được chữa lành hoàn toàn.

Điều mỗi người nên làm là đi sâu vào hành trình chữa lành của chính mình, tức là quay về bên trong để tự nhìn nhận và tháo gỡ những rắc rối của bản thân", Việt Anh chia sẻ.

Đồng tình với Việt Anh, Minh Huyền cho rằng, không nhất thiết phải đi du lịch mới có thể chữa lành. "Chữa lành đúng cách là phải được thực hiện trong suy nghĩ và hành vi của mỗi cá nhân. Loại bỏ những suy nghĩ, thói quen xấu chính là chữa lành. Cách chữa lành của mỗi người cũng không cần giống ai, chỉ cần đi đúng hướng với bản thân là được", cô nói.

Huyền cho biết thêm, ngoài du lịch chữa lành, còn nhiều phương pháp khác để giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tinh thần mà không phải chi tiêu quá nhiều tiền. Chẳng hạn như thiền định và yoga - bộ môn có thể thực hiện mỗi ngày tại nhà, giúp mọi người thư giãn và tập trung.

Vì sao nhiều bạn trẻ Việt cứ sơ hở là đòi đi du lịch chữa lành? - 4

Tham gia workshop không chỉ giúp thư giãn mà còn mang lại niềm vui và sự sáng tạo đầy mới mẻ (Ảnh minh họa: Freepik).

Bên cạnh đó, cô gái 25 tuổi cũng đưa ra một số gợi ý khác như: Tham gia vào các hoạt động nghệ thuật, các buổi workshop (buổi trải nghiệm) vẽ tranh, chơi nhạc cụ... để giải tỏa cảm xúc và nâng cao tinh thần. Thậm chí, việc đơn giản như dành thời gian cho gia đình và bạn bè, hoặc đi bộ thư giãn cũng có thể mang lại những khoảnh khắc bình yên cho tâm hồn.

Minh Huyền nhận thấy, điều quan trọng là mỗi cá nhân cần tìm ra phương pháp phù hợp nhất với hoàn cảnh và nhu cầu của mình. Dù đó là một chuyến du lịch xa xỉ hay những hoạt động đơn giản hàng ngày, mục tiêu cuối cùng vẫn là giữ cho tâm hồn và cơ thể luôn được cân bằng và khỏe mạnh.