CEO 9X "ăn ngủ với thịt chua" từ năm 18 tuổi, khởi nghiệp với 4 triệu đồng
(Dân trí) - Khi chập chững khởi nghiệp, Thu Hoa mô tả mình "non nớt nhất làng thịt chua" ở huyện Thanh Sơn, Phú Thọ. Cô không có gì khác ngoài sự kiên trì và quyết tâm lan tỏa đặc sản địa phương tới mọi người.
Nguyễn Thị Thu Hoa (SN 1992) là cô gái dân tộc Mường, quê Thanh Sơn, Phú Thọ.
Học hết cấp 3, Hoa không tiếp tục con đường học tập như bạn bè đồng trang lứa mà sớm mày mò kinh doanh. Đến nay, sau 15 năm khởi nghiệp, cô là chủ công ty sản xuất thịt chua - món ăn đặc sản của người dân tộc Mường ở huyện Thanh Sơn - với doanh thu năm 2022 đạt 83 tỷ đồng.
Gần đây, Thu Hoa được đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023 nhờ những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực Kinh doanh - khởi nghiệp. Đây là năm thứ hai liên tiếp, cô có vinh dự này.
Nữ doanh nhân 9X chia sẻ với phóng viên Dân trí về hành trình dành cả thanh xuân để lan tỏa đặc sản quê hương với không biết bao nhiêu lần thất bại, vừa khóc, vừa đổ thịt chua xuống sông, có những ngày chỉ chợp mắt 2-3 tiếng, "ăn ngủ với thịt chua".
"Cứ làm thôi, sai thì sửa"
Năm 2010, Thu Hoa lập gia đình khi vừa tròn 18 tuổi. Ngày mới về làm dâu, thấy 5-7 nhà xung quanh đều làm thịt chua, cô cũng mày mò học chế biến món ăn này để kiếm đồng ra đồng vào, lo cơm áo gạo tiền.
Cầm 4 triệu đồng trong tay, Hoa bắt tay vào làm những mẻ thịt chua đầu tiên, bán lẻ cho người dân trong làng. Công thức nôm na chỉ là một chậu thịt, thêm vào một nắm bột canh, một nắm mỳ chính... không có định lượng chuẩn. Bởi vậy, khách của cô mẻ này kêu thịt nhạt, mẻ sau lại phàn nàn quá mặn. Điều này khiến Hoa trăn trở phải tìm ra công thức của riêng mình.
"Hồi đó, tôi là người "non nớt" nhất làng thịt chua. Mỗi ngày, tôi loanh quanh làm được 5-10kg thịt thì các cô cạnh nhà đã làm tới 200kg rồi. Tôi nhìn mà chỉ biết ao ước bao giờ mình mới làm được đến tầm đấy", cô nhớ lại.
Suốt một năm đầu, Hoa tự mình xoay xở làm mọi việc, từ ra chợ mua thịt, chế biến, đóng hộp, nhận đơn của khách đến kiêm luôn cả đi giao hàng. Tới khi bụng bầu vượt mặt, phải kê một cái bàn rất cao mới ngồi thái được thịt, cô thuê một người về làm giúp.
Một ngày bán mấy chục hộp thịt chua mới kiếm được 150.000-200.000 đồng mà phải trích ra trả nhân công 50.000 đồng, Hoa nghĩ xót lắm nhưng đành chịu. Giờ thỉnh thoảng, người đã giúp cô ngày ấy vẫn ngồi nhắc lại: "Hoa còn nhớ không, hồi ấy làm đến hôm đẻ vẫn còn đang ngồi thái thịt, cố thái xong nốt một chậu mới chịu đi viện".
Nói rồi, Hoa nhìn xuống đôi bàn tay của mình, nhớ về quãng thời gian sinh con, cơ địa máu xấu, vết khâu bị bục chỉ, phải đi khâu lại gần 20 ngày mới lành. Mặc dù có mẹ đẻ và người nhà hỗ trợ, cô vẫn chỉ đỡ nhọc một phần, khách gọi đến vẫn phải nghe máy liên tục.
Quay sang nhìn con còn đỏ hỏn, Hoa ứa nước mắt. Nhưng nghỉ lâu cũng không có tiền nên chưa hết tháng ở cữ, cô đã phải làm thịt chua trở lại, cũng chẳng để ý kiêng khem gì khiến tay chân nổi đầy gân guốc.
Trong đầu Hoa lúc ấy chỉ có một suy nghĩ duy nhất, đó là làm sao sớm tìm ra công thức chuẩn để sản xuất hàng loạt. Trên hành trình dò dẫm đi tìm câu trả lời, Thu Hoa không đếm được bao nhiêu lần mình thất bại.
"Nhưng cũng nhờ ngày ấy không có kiến thức, không có kinh nghiệm, tôi không sợ gì cả. Tôi cứ lao về phía trước, cứ làm thôi, sai thì sửa. Đấy là lợi thế của người không biết gì", cô mỉm cười nói.
Với số vốn ít ỏi, mỗi mẻ, Hoa chỉ dám mua vài cân thịt về thử nghiệm. Mọi công đoạn làm thịt chua đều rất tỉ mỉ, cứ 3 tiếng lại phải giở ra kiểm tra một lần. Nhưng có hôm, cô nôn nóng nên bỏ ra quá sớm, thịt chưa kịp chua, ủ lại thì lại không đúng nhiệt độ. Thế là phải bỏ cả mẻ, làm lại từ đầu.
Sau đó, có lần gần như đã nắm chắc công thức, Hoa mạnh dạn mua liền 10kg thịt về thử nghiệm. Sau một đêm thức canh mệt quá, cô ngủ thiếp đi. Đến lúc choàng tỉnh, thịt bị quá nhiệt nên hỏng hết. 4h sáng, Hoa ngồi ôm thùng thịt khóc tu tu, tự trách mình quá bất cẩn.
Hồi đầu, mỗi khi thử nghiệm thất bại, Hoa còn tiếc của nên cứ cho vào tủ, mặn hay nhạt đều xào dần lên ăn. Nhưng sau này, số lượng bỏ đi nhiều đến nỗi cô cho hàng xóm xung quanh đem về cho gà, cho lợn ăn mà họ chán không buồn lấy. Chẳng còn cách nào, cô đành ngậm ngùi ôm cả thùng thịt đổ xuống sông làm mồi cho cá.
Ngày ấy mới đôi mươi, trong khi nhiều bạn bè đồng trang lứa đang đi học, đi ăn, đi chơi, Thu Hoa cả ngày chỉ quanh quẩn "ăn ngủ với thịt chua". Mỗi dịp lễ Tết, bạn đến nhà rủ đi chơi, cô cũng ngậm ngùi từ chối vì phải ở nhà làm.
"Sau rất nhiều lần như thế, tôi cảm thấy tủi thân lắm. Trong khi đó, tôi còn không biết gì, gần như làm cái gì cũng sai, động đến gì cũng hỏng, suốt ngày bị chê trách. Tôi cũng thèm được đi chơi, cũng muốn được có người lo lắng cho", doanh nhân 9X nhớ lại.
Nhiều lúc nản chí, Hoa chỉ muốn dừng lại, đi làm thuê cho nhẹ đầu. Mẹ xót con gái nên khuyên cô: "Mơ ước cao sang làm gì, bán đủ ăn thôi, đừng thử nghiệm gì nữa".
Cũng nhờ ngày ấy không có kiến thức, không có kinh nghiệm, tôi không sợ gì cả. Tôi cứ lao về phía trước, cứ làm thôi, sai thì sửa. Đấy là lợi thế của người không biết gì.
Cố cầm cự mãi đến mùa bán chậm, làm không ra tiền, Hoa mới bỏ sang đi tư vấn bảo hiểm, bán thực phẩm chức năng. Thế nhưng, trong lúc làm công việc khác, lúc nào trong đầu cô cũng chỉ nghĩ về thịt chua, nào là "chiêu" tư vấn bảo hiểm này hay quá, có thể áp dụng đi bán thịt chua, rồi thực phẩm chức năng có bao bì bắt mắt, mình cũng nên thay đổi vỏ ngoài…
Hiểu rằng dù có làm gì, điều mình muốn làm nhất vẫn là thịt chua, Hoa quyết định dẹp hết, quay lại chuyên tâm cho món đặc sản này.
"Cô gái nhỏ bé nhưng toàn làm những việc của đàn ông"
Gần hai năm mất ăn mất ngủ, có những ngày chỉ chợp mắt 2-3 tiếng, làm việc 24/7, Thu Hoa thành công tìm ra công thức làm thịt chua của riêng mình. Lúc này, lượng khách ổn định, nhiều người quay lại mua khen ngon, nói rằng mang đi làm quà biếu đối tác rất thích.
Nghe nhiều phản hồi như vậy, Hoa vừa thấy tự hào, vừa chợt nảy ra ý nghĩ: "Thịt chua đã có từ rất lâu, thậm chí hàng trăm năm, nhưng chưa có ai phát triển để cho nhiều người biết đến đây là món đặc sản của tỉnh Phú Thọ". Từ đó, cô khát khao mang 4 chữ "đặc sản thịt chua" đến mọi miền Tổ quốc.
Tuy nhiên, khao khát là một chuyện, bắt tay vào làm lại là điều không hề đơn giản vì lúc đó, món thịt chua chỉ được người dân ở huyện Thanh Sơn và một vài địa phương lân cận biết đến. Ngay cả ở thành phố Việt Trì, cũng nằm trong tỉnh Phú Thọ, có không ít người cũng chẳng hề biết đến.
Thêm vào đó, thịt chua là món cần ăn ngay, không thể bảo quản quá 7 ngày, rất bất tiện cho việc vận chuyển đi xa. Điều đó lại thôi thúc Hoa đi sâu vào tìm hiểu và mất thêm một năm để biết cách giữ được thịt chua hai tháng mà không sử dụng chất bảo quản.
Trên hành trình khởi nghiệp với thịt chua, Thu Hoa không đếm được bao nhiêu lần mình gặp thất bại (Ảnh: NVCC).
Đến thời điểm công thức đã có, phương pháp bảo quản cũng thành công, Thu Hoa quay lại cải tiến về quy trình sản xuất để nâng cao năng suất. Cô tự tin là người đầu tiên mày mò và sáng tạo ra một số loại máy móc chuyên dụng để làm thịt chua, thay vì phải làm thủ công 100%.
Nhìn thân hình mỏng manh của Hoa, ít ai dám tin rằng khi máy móc hỏng, cô sẵn sàng xắn tay áo lên sửa, hàn, xì các thứ đều làm được, chỉ có liên quan đến mạch là chịu bó tay. Bởi vậy, mọi người vẫn hay trêu Hoa là "cô gái có thân hình nhỏ bé nhưng toàn làm những việc của đàn ông".
Năm 2015, thương hiệu Trường Foods của Hoa chính thức ra đời, đặt trụ sở công ty tại thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Một năm sau, nữ doanh nhân xây dựng xưởng sản xuất khang trang - điều mà 6 năm trước, khi chỉ ngồi thái và trộn thịt ở một góc bếp nhỏ trong nhà để bán lẻ, cô cũng không tưởng tượng nổi. Nơi này cũng từng được tu sửa 4 lần, cứ mỗi năm doanh số tăng lên, Hoa lại cho cơi nới thêm một chút để lấy chỗ sản xuất.
Đến giờ, ở công ty, Thu Hoa vẫn treo khẩu hiệu: "Hành động đi, sai thì sẽ có bài học mà đúng thì sẽ có kết quả" để luôn nhắc nhở mình gặp khó cũng không chùn bước, không bỏ cuộc.
Những năm sau đó, Hoa thành công đưa đặc sản thịt chua đến nhiều vùng miền trên dải đất hình chữ S. Để làm được điều ấy, ngoài sự kiên trì, quyết tâm làm đến cùng, cô luôn chú trọng đổi mới, sáng tạo trong công thức, sản phẩm, bao bì, mẫu mã cho đến cách thức bán hàng, tiếp thị sản phẩm.
Đến giờ, ở công ty, Hoa vẫn treo khẩu hiệu: "Hành động đi, sai thì sẽ có bài học mà đúng thì sẽ có kết quả" để luôn nhắc nhở mình gặp khó cũng không chùn bước, không bỏ cuộc.
Trả ơn quê hương
Năm 2022, Thu Hoa bất ngờ nổi tiếng trên mạng xã hội sau khi tham gia chương trình Shark Tank mùa 5. Cô gây ấn tượng với hình ảnh thông minh, quyết đoán, được cả 4 "cá mập" quan tâm và gọi vốn thành công 15 tỷ đồng.
Chỉ sau một đêm ngủ dậy, Hoa giật mình khi thấy nhân viên nhắn tin ồ ạt, số lượt theo dõi trang cá nhân tăng lên chóng mặt. Là người làm kinh doanh bình thường, khi bỗng dưng trở thành tâm điểm chú ý, cô vừa thấy vui vì có cơ hội lan tỏa sản phẩm của mình, vừa cảm thấy lo lắng, không biết phải làm gì.
Sau "thương vụ bạc tỷ" này, thương hiệu thịt chua của Hoa được đông đảo người tiêu dùng biết đến. Nhờ đó, quy mô, sản lượng của doanh nghiệp tăng lên ấn tượng, đạt 52 tỷ đồng trong năm 2022.
Cùng năm, Hoa giành giải nhất cuộc thi Ý tưởng thanh niên khởi nghiệp cấp quốc gia năm 2022; lọt vào top 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu ở lĩnh vực Kinh doanh - khởi nghiệp.
CEO 9X "choáng" khi bỗng dưng nổi tiếng nhờ chương trình "Shark Tank" (Video: Nhóm PV).
Sau khi lan tỏa thịt chua đến được nhiều vùng miền của đất nước, Thu Hoa quay trở lại địa phương và nhận thấy rằng, quê hương mình còn rất nhiều đặc sản ngon, lạ nhưng chưa được nhiều người biết đến.
Bởi vậy, trong hai tháng của năm 2023, Hoa quyết định thực hiện chiến dịch lan tỏa văn hóa, ẩm thực quê hương Phú Thọ đến mọi người. Cô lặn lội tới những cơ sở kinh doanh đặc sản địa phương và các khu du lịch ít người biết đến để quay video đăng lên nền tảng sẵn có của mình, thu hút được nhiều người xem.
Sau khi chiến dịch kết thúc, Hoa xây dựng không gian giới thiệu văn hóa của người dân tộc Mường với nhà sàn, nông cụ, sản phẩm đặc trưng trên khuôn viên rộng gần 1.000m2… để tiếp tục lan tỏa văn hóa, ẩm thực dân tộc đến đông đảo mọi người.
Bên cạnh đó, Hoa còn có thêm một dấu mốc khác trong năm qua khi hoàn thiện nhà máy sản xuất, tạo công ăn việc làm cho 140 nhân sự với 85-90% là nữ, 30% là người dân tộc thiểu số. Cô cũng kết hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Thanh Sơn xây 3 ngôi nhà cho người dân gặp khó khăn.
Đặc biệt, những năm qua, Thu Hoa luôn trích một phần lợi nhuận kinh doanh để làm thiện nguyện, trả ơn mảnh đất đã nuôi mình khôn lớn.
"Quan điểm của tôi là muốn làm việc tốt, đầu tiên mình phải tốt đã. Bản thân mình phải có giá trị thì mới có thể trao đi giá trị cho những người thân yêu và tạo ra giá trị trên quê hương của mình", nữ doanh nhân bày tỏ.