DMagazine

Bác sĩ 9x điều hành mạng lưới thầy thuốc giúp đỡ hàng trăm ngàn F0

(Dân trí) - Bác sĩ Đỗ Doãn Bách là một trong những người sáng lập, vận hành Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành giúp hàng trăm ngàn F0. Anh được tuyên dương Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2021.

Bác sĩ Đỗ Doãn Bách (sinh năm 1991, sống tại Hà Nội) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong cuộc chiến chống dịch đầy cam go ở TPHCM. Anh cũng là thành viên sáng lập Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành đã giúp đỡ hàng trăm ngàn mắc Covid-19 khắp cả nước.

Những đóng góp nổi bật và khen thưởng của ThS. Bác sĩ Đỗ Doãn Bách:

- Thành viên sáng lập trẻ tuổi nhất của Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, trực tiếp điều hành Mạng lưới khu vực Bình Dương tiếp cận với 150.000 bệnh nhân F0, gọi được 450.000 cuộc gọi thành công, phát hiện được 1.415 bệnh nhân nguy cơ cao được hỗ trợ cấp cứu, chuyển viện.

- Sắp xếp và phân bổ 5.000 bác sĩ và tình nguyện viên về các quận huyện tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ và Hà Nội.

- Hỗ trợ phân luồng và chuyển hơn 1.400 bệnh nhân nguy cơ nguy kịch từ các nhóm cho cơ sở y tế địa phương và bệnh viện dã chiến.

- Xung phong tham gia chống dịch tại bệnh viện dã chiến số 16, trực tiếp điều trị nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng và rất nặng phải sử dụng các thủ thuật hồi sức nâng cao như lọc máu ngắt quãng hay ECMO tim phổi nhân tạo

- Giấy khen của Bộ trưởng bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

- Giải thưởng Thanh niên sống đẹp năm 2021 của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

- Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021.

- Giải thưởng Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2021.

Bác sĩ 9x điều hành mạng lưới thầy thuốc giúp đỡ hàng trăm ngàn F0 - 1
Bác sĩ 9x điều hành mạng lưới thầy thuốc giúp đỡ hàng trăm ngàn F0 - 3

Lớn lên trong gia đình có truyền thống ngành Y với nguồn cảm hứng lớn lao từ ông nội, anh Đỗ Doãn Bách đã nối nghiệp gia đình và giờ đây đang là một bác sĩ trẻ với hơn 5 năm kinh nghiệm.

Làm việc với tâm niệm "Vì mọi người, giúp đỡ mọi người", anh Bách cùng các đồng sự tại Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam và Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng chống Covid-19 thành lập ra phương án giúp đỡ người dân đồng thời giảm bớt sự quá tải y tế trong miền Nam thời kỳ dịch bệnh bùng phát căng thẳng, lấy tên gọi là Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành.

Ra đời vào tháng 7/2021, Mạng lưới đã đem lại hiệu quả trong việc sàng lọc bệnh nhân nặng kịp thời đưa đến bệnh viện, bên cạnh đó cũng khiến tâm lý nhiều người dân bình ổn hơn.

Sau khi mạng lưới thành lập một tuần, bác sĩ trẻ đã lên đường vào Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch sau khi nhận được thông báo bất ngờ lúc 5h sáng.

"Tháng 8/2021, bệnh viện mình có tổ chức đợt đi chống dịch đầu tiên, mình cũng đã đăng ký từ trước nhưng được xếp vào "quân" đi đợt 2. Bất ngờ trong ngày vào miền nam của đợt 1 lại có một bác sĩ gặp vấn đề sức khỏe nên mình đã đi thay vị trí bác sĩ đó. Mình nhận được thông báo thay người lúc 5h sáng và 8h sáng là mình lên đường luôn, báo với gia đình một câu rồi chiến đấu hơn 2 tháng ở trong tâm dịch TP Hồ Chí Minh.

Bác sĩ 9x điều hành mạng lưới thầy thuốc giúp đỡ hàng trăm ngàn F0 - 5

Trước đó, mình đã làm việc trên mạng lưới nên mình cũng biết rằng người dân trong đó đang rất mong ngóng những bệnh viện dã chiến mới ra đời để cứu trợ. Tuy nhiên, khi mới vào bọn mình phải tập huấn 5 ngày, không tiếp nhận bệnh nhân và ở tại chỗ. Thực sự lúc đó bọn mình ai cũng sốt ruột, nóng lòng để được làm nhiệm vụ cứu trợ, điều trị ngay lập tức.

Sau 5 ngày đó, bệnh viện mở ra lúc nào cũng trong tình trạng quá tải, cứ mở ra là kín giường, bệnh nhân đẩy vào liên tục, thậm chí mình còn không biết tên bệnh nhân là gì thì đã phải tiến hành cấp cứu rồi. Đỉnh điểm của áp lực là khi mình tiếp cận với tầng 5 pháp đồ điều trị Covid 19 của Bộ Y tế, làm việc tại hồi sức mạnh nhất nặng nhất của đỉnh dịch, tỷ lệ tử vong rơi vào khoảng từ 70-80%.

Lúc ấy, theo đúng quy định bọn mình phân chia công việc theo 3 ca 4 kíp, làm việc 8 tiếng mỗi ngày nhưng thật sự thì phải hơn số thời gian đó vì có những thời điểm bệnh nhân rất nặng nhưng lại thiếu bác sĩ. Ví dụ như mình là bác sĩ tim mạch, gần nhất với hồi sức nên mình sẽ phải quản lý 20 bệnh nhân và với 20 bệnh nhân thở máy thì 8 tiếng là không thể đủ do đó mình phải cố gắng làm thế nào để đảm bảo sự an toàn của bệnh nhân sau đó mới có thể về nghỉ ngơi được", bác sĩ Bách chia sẻ.

Bác sĩ 9x điều hành mạng lưới thầy thuốc giúp đỡ hàng trăm ngàn F0 - 7

Là một chiến sĩ tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch, bác sĩ Bách đã chuẩn bị trước tinh thần cho việc bản thân sẽ bị lây nhiễm tuy nhiên khi trực tiếp đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh rất cao anh cũng không tránh khỏi sự lo sợ.

"Ngoài sự áp lực với công việc cường độ cao, có lúc mình cũng rất lo lắng vì sợ sẽ bị phơi nhiễm khi tiếp xúc rất gần với người mắc Covid-19. Mình vẫn nhớ ngày hôm ấy, mình đặt hai ống nội khí quản cho bệnh nhân và khi đặt hai ống đó thì bản thân bác sĩ phải tiếp xúc rất gần với khoang miệng của người bệnh đồng thời khẩu trang của mình cũng rất dễ bị bẩn. Sau đó bất ngờ mình bị chính chiếc khẩu trang khi ấy bật vào mặt. Thật sự thời điểm đó, mình rất lo và nghĩ bản thân đã bị nhiễm bệnh mất rồi", bác sĩ Bách chia sẻ.

Làm việc hết công suất và nguy cơ nhiễm bệnh cực kỳ cao nên đã có nhiều thời điểm bác sĩ Bách và các đồng đội của mình chùn bước, muốn quay trở về nhà nhưng chính tình cảm nồng nhiệt, chân thành của người dân nơi đây đã tạo ra nguồn động lực to lớn, tiếp thêm năng lượng để các bác sĩ tiếp tục chiến đấu.

"Khi tham gia chống dịch, mình chỉ kết nối với gia đình qua điện thoại trong thời gian ngắn ngủi nên bạn cùng phòng là người rất quan trọng, làm việc cùng mình, ở cùng mình. Khi làm việc trong tổ 3 ca 4 kíp cùng tinh thần tránh lây nhiễm nhất có thể, bọn mình sẽ cố gắng làm việc cùng "tour" với bạn cùng phòng để cùng đi và cùng về, lúc đó tình đồng chí đồng đội thực sự rất quan trọng, chúng mình chia cơm sẻ áo hỗ trợ nhau như một gia đình nhỏ", anh kể.

Bác sĩ 9x điều hành mạng lưới thầy thuốc giúp đỡ hàng trăm ngàn F0 - 9

"Ở trong tâm dịch hơn 2 tháng thì sau một tháng đầu tiên, mình bắt đầu hơi chùn chân và muốn trở về Hà Nội vì đã chạm đến cực cùng của áp lực và hết năng lượng. May mắn, bệnh viện đã hết sức tạo điều kiện, làm công tác tư tưởng cho mọi người, cho chúng mình ăn phở Hà Nội, tổ chức mini game nhỏ cho mọi người giải tỏa căng thẳng…

Nhưng điều quan trọng nhất thôi thúc những bước chân của mình đi tiếp chính là người dân nơi đây. Khi kết nối với họ, nói chuyện với gia đình bệnh nhân mình mới thấy hiện giờ họ cần mình như thế nào. Thời điểm đó mình lại có thêm nhiều năng lượng để tiếp tục chiến đấu cùng mọi người, mình cảm thấy công việc của bản thân vô cùng có ích vô cùng.

Đó cũng là quãng thời gian mình thấy bản thân có ích nhất trong hơn 30 năm tuổi trẻ", bác sĩ Bách chia sẻ.

Trở về Hà Nội, anh Bách đã thực sự hiểu được cảm giác đi rất xa để trở về. Chuyến đi vào tâm dịch không phải như một chuyến du lịch xa dài ngày mà là cảm giác của một chiến sĩ thắng trận trong cuộc chiến phòng dịch trở lại quê hương chôn rau cắt rốn.

Quay lại với công việc bình thường, người bác sĩ trẻ vẫn tiếp tục công tác chống dịch đồng thời với sức trẻ của bản thân, anh sẵn sàng tham gia thêm nhiều cuộc chiến tuyến đầu như vậy.

Nội dung: Mai Hương

Thiết kế: Nguyễn Vượng