Trao bằng Tổ quốc ghi công tới đại diện 498 gia đình liệt sĩ
(Dân trí) - Chiều 18/7, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức lễ trao bằng Tổ quốc ghi công tới đại diện 498 gia đình liệt sĩ. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương đã tới dự và trao bằng Tổ quốc ghi công tới thân nhân các liệt sĩ.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân xúc động bày tỏ lòng biết ơn trước sự hy sinh lớn lao của các liệt sĩ vì nền độc lập của nước nhà. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, dành mọi nguồn lực thỏa đáng và kịp thời nhằm triển khai các chính sách tới gia đình thương binh liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng biểu dương những nỗ lực và quyết tâm của Bộ LĐ-TB&XH và các địa phương trong việc khẩn trương thực hiện các thủ tục xác nhận, giải quyết hồ sơ tồn đọng sau chiến tranh, nhằm đảm bảo chính sách đền ơn đáp nghĩa tới được với tất cả người có công trong cả nước.
Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, cả nước đã xác nhận trên 9 triệu người có công với cách mạng (trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 800.000 thương binh, 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày và 312.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận).
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận một thực tế: Trải qua các thời kỳ kháng chiến, chiến tranh khốc liệt, lâu dài, nhiều cơ quan quản lý thay đổi, người hy sinh, bị thương không còn lưu giữ được hồ sơ, bản thân quân nhân, dân quân du kích, thanh niên xung phong, người phục vụ kháng chiến theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, họ lên đường không bao giờ nghĩ đến giấy tờ riêng cho mình và cũng không giữ được giấy tờ gốc...
Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công tới đại diện 498 gia đình liệt sĩ.
Mặc dù các cơ quan chức năng trong nhiều năm qua đã hết sức nỗ lực trong việc nghiên cứu, ban hành các chính sách để xác nhận người có công không còn căn cứ, giấy tờ gốc bằng nhiều hình thức nhưng vẫn chưa thật sự mang lại kết quả như mong muốn, nguyện vọng của người có công và thân nhân.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ: “Đặc biệt là đối với những trường hợp hy sinh đã mấy chục năm trôi qua, gia đình và người thân khắc khoải đợi chờ người cha, người chồng và người con của mình được vinh danh. Đây là một điều trăn trở và day dứt đối với thế hệ chúng ta, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp”.
Với sự vào cuộc quyết tâm, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo tại các địa phương và các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc xem xét giải quyết hồ sơ xác nhận liệt sĩ nói chung và theo quy trình giải quyết tồn đọng nói riêng.
Tính đến ngày 30/6/2017, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi trên 42.000 bằng Tổ quốc ghi công; các địa phương, ngành, công an, quân đội đã xác nhận trên 2000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Ông Nguyễn Quang Rướng - con trai liệt sĩ Nguyễn Quang Rực (tỉnh Thái Bình) đại diện các gia đình liệt sĩ phát biểu.
Đặc biệt trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, Chính phủ đã xác nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 498 liệt sĩ.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, điều cảm động và day dứt trong buổi lễ vì trong số công nhận 498 liệt sĩ có đến 94 cụ đã hy sinh từ thời kỳ chống Pháp cách đây hơn 70 năm đến nay mới được công nhận liệt sĩ, nhiều trường hợp thực sự cá biệt, như: Cụ Đặng Văn Tiết ở Long An, bị địch bắt đày đi Côn Đảo và hy sinh cách đây 75 năm không có một giấy tờ gì, qua xác minh thông tin tại nhà tù, đồng thời được sự tôn vinh của các bậc lão thành cách mạng và nhân dân đã lập hồ sơ xác nhận liệt sĩ.
Các cụ Lê Văn Ý, Nguyễn Văn Khóa ở An Giang hy sinh từ năm 1945, hồ sơ được xác lập từ những năm 1976, 1977 nhưng đến nay mới được xem xét; hoặc như ở Hải Phòng, có 21 cán bộ Việt Minh bị giặc Pháp bắt và bắn chết từ năm 1948, nhưng trước đây chỉ mới công nhận liệt sĩ cho 9 cán bộ; 12 cán bộ còn lại mãi đến nay mới được xem xét, công nhận...
“Kết quả hôm nay chính là hành động thiết thực nhất, ý nghĩa nhất, bày tỏ tấm lòng thành kính, một nén tâm nhang của thế hệ đi sau của chúng tôi - những người làm công tác thương binh liệt sĩ đối với những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh l iệt sĩ” - bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Hoàng Mạnh
Tin liên quan:
Tìm thấy 21 hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận An Điền năm 1974
Sáng 18/7, lãnh đạo tỉnh Bình Dương, thị xã Bến Cát, Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Bến Cát cùng nhiều lực lượng có mặt tại ấp Dòng Sỏi (xã An Tây, thị xã Bến Cát) để trực tiếp theo dõi, chỉ đạo công tác khai quật, quy tập hài cốt liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sau khi 21 bộ hài cốt liệt sĩ được tìm thấy, công tác tìm kiếm đang tiếp tục được mở rộng. Trong quá trình khai quật các hố chôn hầu hết đều có các di vật như tấm tăng che mưa, võng và nút áo…Trước đó, từ nguồn tin của người dân, tỉnh Bình Dương đã tiến hành khảo sát và phát hiện mộ liệt sĩ tập thể tại ấp Dòng Sỏi. Sau gần 10 ngày triển khai, lực lượng tìm kiếm và phát hiện vị trí các ngôi mộ chôn liền kề nhau ở khu đất đã được bàn giao cho một công ty đang xây dựng nhà xưởng. Theo nhận định, hố chôn tập thể này là hài cốt của các chiến sĩ thuộc Sư đoàn 7, Sư đoàn 9, trực thuộc Quân đoàn 4 hy sinh trong trận đánh An Điền năm 1974. Theo hồ sơ tài liệu từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương, tại khu vực này có 150 chiến sĩ đã hy sinh trong giai đoạn 1973-1974. Giai đoạn 1978- 1979, đồng đội các liệt sĩ hy sinh đã quay lại tìm kiếm và đã quy tập được 75 bộ hài cốt. Cho đến nay, có khoảng 75 hài cốt của các liệt sĩ chưa tìm thấy, nhiều khả năng 21 bộ hài cốt vừa được tìm thấy nằm trong số đó.
T.K