Thị trường lao động trong bước phục hồi… dè dặt
(Dân trí) - Hết quý I/2023, trên bức tranh thị trường lao động, "gam màu sáng" của đà phục hồi rõ hơn, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi chậm, thị trường đang chờ... trợ lực.
Thị trường lao động trong bước phục hồi… dè dặt
(Dân trí) - Hết quý I/2023, trên bức tranh thị trường lao động, "gam màu sáng" của đà phục hồi ngày càng rõ với tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đều giảm. Tuy nhiên, đánh giá chung, tốc độ phục hồi của thị trường này còn chậm, cần thêm nhiều "trợ lực" thời gian tới.
Trong tháng 5/2023, Dân trí thực hiện loạt bài phản ánh thực tế thị trường lao động, đời sống công nhân lao động thời điểm này, hướng "trợ lực", thúc đẩy giải quyết việc làm... Kính mời độc giả cùng theo dõi!
Dấu hiệu phục hồi
Hết quý I/2023, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê nhận định, thị trường lao động duy trì đà phục hồi, số lao động có việc làm tăng và tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Con số được dẫn chứng là 51,1 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm. So với quý IV/2022, số người có việc làm đã tăng 113.500 người. Bên cạnh đó, có đến 1,1 triệu người đã kiếm tìm được việc làm so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với sự gia tăng của số lượng lao động có việc làm, số người thiếu việc trong quý I/2023 khoảng 885.500 người, giảm đáng kể.
Vụ trưởng Phạm Hoài Nam khái quát, thị trường lao động nhìn chung đang phục hồi hơn so với quý trước và cùng kỳ năm trước nhưng tốc độ còn chậm. Thậm chí nhiều doanh nghiệp ở một số ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, điện - điện tử đã, đang và sẽ buộc phải cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thị trường lao động, việc làm trong nước.
Hiện nay, thị trường lao động vẫn còn thiếu hụt khoảng 3 triệu lao động có việc làm nữa mới đạt được con số có việc làm như thời kỳ trước dịch Covid-19 (năm 2019). Cú "sốc" của dịch Covid-19, "đòn" khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến thị trường này chưa chạm tới mức bình ổn như trước đây.
Riêng với thị trường lao động tại thủ đô, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội nhìn nhận, tình hình thị trường đã có những chuyển động tích cực trong quý I/2023, với nhu cầu tuyển dụng từ 100.000 - 120.000 vị trí việc làm khác nhau. Song, chính địa phương này vẫn tồn tại nhiều doanh nghiệp chịu tác động của tình hình chung, đơn hàng giảm, việc làm của người lao động cũng bị ảnh hưởng.
Thực tế là từ tháng 9/2022 đến hết quý đầu năm 2023, cả nước phải chứng kiến cảnh nhiều doanh nghiệp trải đều trên các địa bàn xảy ra tình trạng thiếu, cắt giảm đơn hàng khiến hàng trăm nghìn lao động cũng rơi vào guồng tác động tiêu cực. Có đến 77% lao động trong 3 ngành thế mạnh là dệt may, da giày, chế biến gỗ nằm trong chuỗi tác động lan truyền.
Theo bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 9/2022 đến nay, có gần 600.000 công nhân bị giảm giờ làm, mất việc. TPHCM, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang... là những địa phương có nhiều người lao động bị ảnh hưởng hơn cả.
Riêng 3 tháng đầu năm 2023, Tổng cục Thống kê cũng ước tính gần 294.000 lao động phải nghỉ, giãn việc do doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Số lao động bị mất việc làm trong các doanh nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí còn cao hơn năm trước với 149.000 người. Một số doanh nghiệp lớn, thâm dụng lao động tiếp tục bị giảm đơn hàng. Điển hình là 2.358 lao động đã không được Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (TPHCM) tái ký hợp đồng.
Dù vậy, tín hiệu đáng mừng những con số này vẫn thấp hơn tổng số 377.700 lao động các doanh nghiệp có nhu cầu và đăng ký tuyển dụng thời gian qua.
Về tổng thể, thời điểm này, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tuy còn nhiều khó khăn nhưng đang có dấu hiệu phục hồi trở lại, nhiều doanh nghiệp bắt đầu đã tăng trở lại số lượng đơn hàng. Thiếu hụt lao động, việc làm xảy ra cục bộ ở một số ngành nghề, lĩnh vực nhưng tổng thể chung nền kinh tế tạo đủ việc làm bù đắp cho số lượng việc làm bị mất.
Xu hướng sử dụng lao động thời vụ
Về nhóm lao động phổ thông, Giám đốc vận hành dịch vụ Khoán việc và Cho thuê lại lao động miền Nam (ManpowerGroup Việt Nam) Nguyễn Xuân Sơn cho rằng: "Chúng ta có thể nhìn thấy nhiều doanh nghiệp đã khởi động hoạt động tuyển dụng lao động, nhưng vẫn còn dè dặt về số lượng do đang chờ đợi thêm các đơn hàng mới.
Trước đó, nhóm lao động phổ thông cũng chịu những cú sốc về cắt giảm lao động đột ngột ở nhiều ngành nghề trên cả nước. Chúng tôi dự báo ít nhất phải bước sang quý II thị trường lao động mới sôi động trở lại".
Trái ngược với không khí có phần ảm đạm của thị trường lao động phổ thông, bức tranh thị trường lao động văn phòng, nhân lực chất lượng cao khá tươi sáng. Ông Sơn cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục còn nhiều bất ổn, một số ngành vẫn sẽ có những thành công nhất định.
Vị này lấy ví dụ như ngành du lịch, dịch vụ nhà hàng và khách sạn đang có sự hồi phục mạnh mẽ. Ngoài ra, những ngành liên quan đến sức khỏe, giáo dục sẽ vẫn tăng trưởng do ít chịu tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, từ những đơn hàng tuyển dụng mà ManpowerGroup Việt Nam nhận được, nhóm doanh nghiệp sản xuất điện tử và kinh doanh ngành hàng công nghiệp vẫn có nhiều nhu cầu tuyển dụng thường xuyên với nhân sự cấp quản lý.
Trong khảo sát xu hướng tuyển dụng quý 2/2022 của công ty cung cấp nhân lực này, có tới gần một nửa các doanh nghiệp tham gia khảo sát (từ các lĩnh vực sản xuất, chế biến chế tạo, bán sỉ, bán lẻ, thương mại, dệt may, da giày, vận tải - hậu cần, tài chính, xây dựng…) cho biết họ có ý định sử dụng lao động thời vụ, bán thời gian trong 3 - 6 tháng tới. Đáng nói, tỷ lệ này cao nhất ở các doanh nghiệp có từ 250 lao động trở lên, được 53% đơn vị lựa chọn.
"Sử dụng lao động thời vụ, ngắn hạn, bán thời gian đã và đang được ngày càng nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam quan tâm. Đây cũng là một xu hướng lao động ngày càng phổ biến trên thế giới. Lao động thời vụ, bán thời gian là những người chỉ làm việc với doanh nghiệp trong một thời gian nhất định, quan hệ lao động sẽ kết thúc ngay sau khi công việc được hoàn tất", ông Sơn nói.
Ông Sơn phân tích, việc sử dụng lao động thời vụ, bán thời gian hay lao động tạm thời cho phép doanh nghiệp tiếp cận với nguồn nhân lực có bộ kỹ năng phù hợp và tiết giảm chi phí vận hành. Nguồn lao động này còn thích hợp với chế độ làm việc linh hoạt, không bị ràng buộc thời gian, sẵn sàng thích ứng với yêu cầu công việc đột xuất của doanh nghiệp.
Cuối năm 2023 thị trường lao động mới "hồi sức"
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo thị trường lao động, việc làm trong nước sẽ sớm phục hồi, nhất là từ nửa cuối năm 2023. Dự kiến, trong quý II/2023, nhu cầu tuyển dụng lao động ở một số địa bàn có thể tiếp tục gia tăng từ 350.000 - 400.000 lao động.
Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, tình hình thế giới tiếp tục có sự biến động phức tạp, khó lường, lạm phát tuy đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt, tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm...
Vị này cho rằng, bức tranh thị trường lao động đã phản ánh đúng hoạt động của nền kinh tế, dù có phục hồi nhưng không thực sự sáng, nhiều thách thức vẫn hiển hiện. Mỗi năm, dân số Việt Nam tăng thêm khoảng 1 triệu người, trong đó trên 51% bổ sung vào lực lượng lao động.
Chính điều này khiến quy mô lực lượng lao động tăng lên. Dấu hiệu này cũng cần nhìn nhận xác thực trong mối tương quan là tốc độ tăng lực lượng lao động đã giảm dần xuống chỉ còn tăng 0,2% (so với quý trước), thay vì tăng 0,5 - 0,9% như các năm trước. Đó là một trong những dấu hiệu cảnh báo già hóa dân số, nguồn lực lao động sẽ không mãi dồi dào - lợi thế vốn có của Việt Nam.
Để thị trường lao động phục hồi bền vững hơn, ông Nguyễn Trung Tiến đề xuất cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như da giày, dệt may, điện - điện tử...
Theo ông Tiến, thị trường lao động cũng cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị từng bước hiện đại, minh bạch có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả kết nối cung cầu lao động, việc làm, an sinh xã hội.
(Còn tiếp)
Nội dung: Lê Hoa
Ảnh: Sơn Nguyễn, Hải Long, Lê Hoa
11/5/2023