1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thị trường lao động 2023 sẽ có nhiều khó khăn

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, khi nền kinh tế đang đứng trước nhiều thử thách trong năm 2023, dự báo thị trường lao động sẽ chịu nhiều rủi ro và thách thức.

Ngày 2/3, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức hội nghị triển khai thực hiện nhiệm vụ lĩnh vực việc làm năm 2023. Hội nghị do Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo Cục Việc làm và đại diện hơn 30 Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố.

Khó khăn, thách thức lớn hơn cơ hội

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh: "Bảo đảm việc làm và an sinh xã hội cho người dân là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và xã hội, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030".

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nêu rõ bối cảnh khó khăn mà ngành đang đối mặt như tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu rộng tới mọi mặt đời sống; đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vừa qua…

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng: "Trong giai đoạn phát triển mới, chúng ta có cả những cơ hội đan xen khó khăn, thách thức nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Khi nền kinh tế đang đứng trước nhiều thử thách trong năm 2023, dự báo thị trường lao động chắc chắn cũng sẽ chịu nhiều rủi ro và thách thức".

Thị trường lao động 2023 sẽ có nhiều khó khăn - 1

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, phát biểu tại hội nghị (Ảnh: CTV).

Thứ trưởng nhấn mạnh 3 thách thức lớn do bối cảnh xung quanh gây ra mà ngành phải đối mặt, tính toán phương án thích hợp để giải quyết nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ lĩnh vực việc làm năm 2023.

Thứ nhất, trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn còn và các nước ứng xử rất khác nhau, việc sản xuất, kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng.

Thứ hai, lạm phát ở các nước đang đẩy giá thành nguyên vật liệu tăng cao. Xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, gây khó khăn cho việc sản xuất, nhất là trong các ngành chế biến, chế tạo.

Thứ ba, nền kinh tế suy thoái trong bối cảnh lãi suất cao khiến nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm 2022 và những tháng đầu của năm 2023 sụt giảm, ảnh hưởng trực tiếp tới đơn hàng của các doanh nghiệp.

Thị trường lao động 2023 sẽ có nhiều khó khăn - 2

Công nhân công ty Tỷ Hùng ở TPHCM bị ảnh hưởng nặng nề vì thiếu đơn hàng (Ảnh: CTV).

Câu trả lời cho những vấn đề đặt ra

Thứ trưởng Lê Văn Thanh chỉ đạo, lường trước những khó khăn sắp tới, ngành cần có những giải pháp khắc phục và trả lời những vấn đề đang đặt ra trong lĩnh vực lao động, việc làm.

Theo Thứ trưởng, Việt Nam luôn kiên định thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội. Trong năm 2022, mặc dù kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh nhưng cả giai đoạn 2021-2022 chỉ tăng trưởng bình quân xấp xỉ khoảng 5,2%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5% mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra cho cả giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, 2023 được xác định là năm bản lề quyết định khả năng có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cho cả giai đoạn 2021-2025 hay không.

Theo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2022 của Cục Việc làm, tình hình thị trường lao động năm 2022 có nhiều biến động. Dịch bệnh Covid-19 vẫn ảnh hưởng nặng nề đến thị trường lao động cả nước. Do đó, có tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng phải cắt giảm giờ làm, cho người lao động tạm ngừng việc hoặc thôi việc, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý ngành và chính quyền địa phương các cấp đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ đề ra trong năm 2022, lĩnh vực việc làm đã hoàn thành 2 chỉ tiêu quan trọng do Quốc hội giao.

Thị trường lao động 2023 sẽ có nhiều khó khăn - 3

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm thông tin về tình hình lao động việc làm năm 2022 (Ảnh: CTV).

Thứ nhất là tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị quý III /2022 thấp hơn 4%, dự kiến cả năm 2022 là thấp hơn 4% (đạt kế hoạch đề ra).

Thứ hai là tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 dự kiến là 67%, đạt kế hoạch đề ra và tăng 1% so với năm 2021. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 26,2%.

Ngoài ra, đến hết năm 2022, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là hơn 14,33 triệu người, chiếm trên 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt kế hoạch đề ra.

Về lĩnh vực thị trường lao động, thu nhập của người lao động được cải thiện, số lượng và tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đều giảm.

Cụ thể, thu nhập bình quân của người lao động năm 2022 là 6,7 triệu đồng/tháng, tăng 927 nghìn đồng so với năm 2021, tăng 759 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2019 (trước khi xảy ra dịch Covid-19).

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2022 là 2,32% (giảm 0,88%). Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2022 là 2,21% (giảm 0,89%). Tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn (tương ứng là 1,7% và 2,51%).

Tại hội nghị triển khai thực hiện nhiệm vụ lĩnh vực việc làm năm 2023, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận về 7 nội dung:

1. Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội; kế hoạch thực hiện Quyết định số 176/QĐ-TTg về Chương trình phát triển thị trường lao động đến năm 2030.

2. Theo dõi nắm bắt tình hình biến động của thị trường lao động; tình hình sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm của các doanh nghiệp; các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động.

3. Góp ý các nội dung (cụ thể) cần sửa đổi, bổ sung về hỗ trợ tạo việc làm, thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp... trong Luật Việc làm (sửa đổi).

4. Triển khai thực hiện các nội dung về việc làm trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

5. Triển khai các chính sách tạo việc làm, đặc biệt từ nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm và các nguồn vốn khác của Ngân hàng Chính sách xã hội.

6. Triển khai thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 09/9/2021 của Ban Bí thư về thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả lao động nước ngoài tại Việt Nam.

7. Chủ động, tích cực thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp; tập trung triển khai các giải pháp thu hồi dứt điểm tiền bảo hiểm thất nghiệp hưởng sai quy định; xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá dịch vụ sự nghiệp công về bảo hiểm thất nghiệp.