Những ngành nghề đang thiếu nhân lực tại TPHCM
(Dân trí) - Về cân bằng nhân lực, TPHCM không thiếu lao động. Tuy nhiên, về cơ cấu cụ thể từng ngành nghề thì vẫn có những ngành đang thiếu nhân lực.
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thị trường lao động TPHCM (Falmi) dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn giữ ổn định ở mức cao trong năm 2025.
Cụ thể, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 310.000-330.000 chỗ làm việc. Trong đó, quý I sẽ tuyển 79.000-84.000 lao động, quý II tuyển 77.000-82.000 lao động; quý III tuyển 75.500-80.500 lao động; quý IV tuyển 78.500-83.500 lao động.
Tuy nhu cầu tuyển dụng cao nhưng vẫn còn mất cân đối cung cầu trong các ngành nghề. Một số ngành có nhu cầu nhiều khó tuyển lao động, những ngành ít có nhu cầu tuyển dụng lại có nhiều người tìm việc.

Nhân viên kỹ thuật, sửa chữa ô tô là một trong những ngành đang thiếu nhân lực (Ảnh minh họa: An Huy).
Báo cáo thực tế thị trường tháng 1/2025 của Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cho thấy rõ điều này. Nhiều ngành có khá nhiều lao động tìm việc như công nghệ sinh học, luật, nông nghiệp, sư phạm… lại rất ít đơn vị tuyển dụng.
Cụ thể, trong 8.652 vị trí tuyển dụng mà Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM tiếp nhận trong tháng 1 chỉ tuyển 3 lao động ngành nông, lâm và thủy sản; 4 vị trí việc làm ngành sư phạm, giáo dục; ngành văn hóa, xã hội cần tuyển 5 người; ngành luật tuyển 19 lao động; ngành báo chí và thông tin tuyển 12 người; ngành hóa chất, sinh học tuyển 26 vị trí...
Trong khi đó, có những ngành nghề nhu cầu tuyển dụng rất cao như: Lao động phổ thông cần tuyển 4.929 chỗ làm nhưng chỉ có 1.557 người tìm việc; ngành thực phẩm, đồ uống cần tuyển 1.422 lao động nhưng nguồn cung chỉ có 342 người…
Falmi cũng dự báo trong năm 2025, nhu cầu nhân lực mới tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng.
Trong đó, nhu cầu nhân lực mới của 4 ngành công nghiệp trọng điểm chiếm 18,6% tổng nhu cầu tuyển dụng. Cụ thể, ngành cơ khí chiếm 6,58%; hóa dược chiếm 4,96%; chế biến lương thực, thực phẩm chiếm 3,99%; sản xuất hàng điện tử chiếm 3,07%.
Nhu cầu nhân lực của 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 59,91% tổng nhu cầu. Trong đó, ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 20,77%; thông tin và truyền thông chiếm 8,36%; hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 8,17%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 7,72%...
Ở bình diện toàn quốc, đơn vị nghiên cứu thị trường Navigos Group đánh giá các doanh nghiệp có xu hướng tăng nhu cầu tuyển dụng trong năm 2025. Các vị trí được tuyển nhiều nhất thuộc lĩnh vực kinh doanh, bán hàng (59,43%); sản xuất (33,02%) và dịch vụ khách hàng (24,34%). Khó khăn khi tuyển dụng vẫn nằm ở yếu tố cân đối cung cầu về ngành nghề.
Theo nghiên cứu của đơn vị cung ứng giải pháp nhân sự ManpowerGroup trên quy mô toàn Châu Á, hiện khó khăn nhất của các doanh nghiệp khi tuyển dụng cũng là tìm được nhân sự có kỹ năng làm việc phù hợp.
Báo cáo Thiếu hụt nhân tài 2025 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ManpowerGroup cho thấy, có tới 77% nhà tuyển dụng đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân tài có kỹ năng phù hợp, tăng mạnh so với mức 45% vào năm 2014.
Số liệu trên được ManpowerGroup công bố sau khi khảo sát 10.095 nhà tuyển dụng trong khu vực. Nhiều doanh nghiệp đánh giá tình trạng thiếu hụt nhân lực có kỹ năng phù hợp ngày càng khiến họ lo ngại.
ManpowerGroup cho biết: "Các kỹ năng chuyên môn khó tìm nhất ở người lao động hiện nay là công nghệ thông tin và dữ liệu, kỹ thuật, marketing và bán hàng".