Rất "khát" nhân lực ngành bán dẫn trong thời gian tới

Mỹ Hà

(Dân trí) - "Hàng năm, khoảng 30% thí sinh theo các ngành liên quan STEM nhưng không phải trường nào cũng đào tạo được ngành vi mạch, bán dẫn nên nhân lực ngành này sẽ thiếu trong thời gian tới".

Trên đây là chia sẻ của GS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, bên lề tọa đàm đóng góp ý kiến cho dự thảo Chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học về ngành vi mạch hướng dẫn, do Trường ĐH Công nghệ cùng Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 16/1, tại Hà Nội.

Theo GS Trình, đây là lần đầu tiên chúng ta xây dựng bộ chuẩn chương trình đào tạo ngành vi mạch bán dẫn dưới sự tương quan gián tiếp hoặc trực tiếp giữa vị trí việc làm của ngành vi mạch bán dẫn với một chương trình đào tạo ở các cơ sở giáo dục đào tạo đại học Việt Nam.

Đánh giá về bức tranh nhân lực ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam hiện nay, GS Trình cho biết có "dư địa" rất lớn.

Rất khát nhân lực ngành bán dẫn trong thời gian tới - 1

GS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Ngọc Trang).

"Không giống một số ngành đặc thù khác, bán dẫn là ngành công nghiệp rộng lớn. Lao động tốt nghiệp các ngành này có thể làm việc ở nhiều ngành khác nhau, không riêng gì bán dẫn.

Nếu sinh viên tiếp cận kiến thức kỹ năng cơ bản các ngành đào tạo, trong đó có cả định hướng chuyên sâu về ngành vi mạch bán dẫn, sau đó vẫn có thể làm việc ở các lĩnh vực khác nhau, không chỉ làm việc trong nước mà cả trên thế giới. Đơn cử, nhiều người Việt rất giỏi làm các lĩnh vực này tại nhiều nước phát triển", GS Trình cho hay.

Cũng theo chuyên gia này, nếu đánh giá nhu cầu nhân lực ngành bán dẫn trên toàn cầu rất khó phán đoán nhưng có thể dễ dàng nhận thấy, rất ít quốc gia có thể đào tạo chuyên sâu ngành này.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hàng năm chỉ khoảng 30% thí sinh đi theo các ngành liên quan đến STEM và không phải trường nào cũng có thể đào tạo được bán dẫn nên có thể tự tin nói rằng, nhân lực ngành này không những không thừa mà còn thiếu trong thời gian tới.

"Nhiều người lo ngại, liệu ngành vi mạch bán dẫn có "bão hòa" như một số ngành đã được mở ồ ạt trước đây. Theo tôi, không nhiều trường đại học có thể đào tạo nhân lực ngành này.

Đặc biệt, sinh viên học được ngành này không dễ, bởi trước hết các em phải giỏi toán, lý, hóa, giỏi các kỹ năng mềm và tiếng Anh.

Vậy nên theo tôi, các trường đại học đào tạo ra phải rất cẩn trọng trong việc thiết kế các chương trình đào tạo và đầu vào của sinh viên. Những trường đánh giá đầu vào tốt, chất lượng đầu ra phải tốt", GS Trình khẳng định.

Rất khát nhân lực ngành bán dẫn trong thời gian tới - 2

Sinh viên Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội (Ảnh: VNU).

Việt Nam có khoảng 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật, có khả năng chuyển đổi để đào tạo nhân lực bán dẫn; có 35 cơ sở đào tạo đang đào tạo các ngành có liên quan đến công nghiệp bán dẫn.

Nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin đang có định hướng phát triển trong lĩnh vực này có thể phối hợp, hỗ trợ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng như sử dụng chính nguồn nhân lực qua đào tạo.

Trả lời phóng viên Dân trí trước đó, PGS.TS Nguyễn Hiệu, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), cho biết dự kiến đến năm 2030, ĐHQGHN sẽ đào tạo khoảng 20.000 sinh viên chip bán dẫn, trong đó Trường ĐH Công nghệ (thuộc ĐHQGHN) đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo chip bán dẫn và các ngành như: Trí tuệ nhân tạo, Robot máy tính…

Ngoài ra, một số trường thành viên khác của ĐHQGHN cũng sẽ tham gia đào tạo như: ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Việt Nhật và Trường Quốc tế.

Ngành bán dẫn là ngành công nghệ lõi của công nghiệp sản xuất các thiết bị điện tử, máy tính, và thiết bị di động bằng việc sử dụng chất bán dẫn. Các vi mạch (còn gọi là chip) được sản xuất từ chất bán dẫn có độ dẫn điện ở mức trung gian giữa chất dẫn điện và chất cách điện.

Đây là ngành công nghiệp quan trọng, đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển của lĩnh vực khoa học kỹ thuật và kinh tế toàn cầu. Đồng thời, đây là nền tảng để phát triển các ngành công nghiệp điện tử, tự động hóa, vận tải, xe hơi, thậm chí cả hàng không vũ trụ và an ninh quốc phòng.