Doanh nghiệp Nhật "trải thảm" đón nhân lực Việt mà tuyển mãi không đủ
(Dân trí) - Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan, trở ngại lớn nhất với công tác đưa lao động Việt đi nước ngoài là nguồn tuyển chọn. Nhiều đối tác nước ngoài chủ động tìm lao động nhưng vẫn gặp trở ngại.
Thị trường "đen" mua bán lao động
Tại tọa đàm "Nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài" do báo Người lao động tổ chức sáng 18/12, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho hay, trong chuyến công tác tại Nhật mới đây, ông nhận thấy trở ngại lớn nhất khi đưa nhân sự Việt ra nước ngoài làm việc chính là công tác tuyển chọn nguồn.
"Trước đây, chúng ta khó có hợp đồng tuyển dụng lao động từ nước ngoài. Nhưng bây giờ, khi có rồi thì thị trường lại không thể đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực. Điều này khiến các doanh nghiệp được ủy thác khó cam kết tiến độ thời gian trong việc tuyển chọn nhân lực cho đối tác nước ngoài. Chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận các vướng mắc để cùng đưa ra giải pháp tháo gỡ", Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, đến nay, Việt Nam có khoảng 450 doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. So với số lượng chỉ khoảng 100 doanh nghiệp trong giai đoạn năm 1990-2000, con số này đã tăng đáng kể. Dự đoán sắp tới, số lượng doanh nghiệp được cấp phép có thể đạt 500 đơn vị.
Bên cạnh đó, tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau.
Thực tế, số lượng lao động Việt sang nước ngoài tăng trưởng ổn định thời gian qua là do càng có nhiều doanh nghiệp dịch vụ tham gia. Xét riêng từng doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị "đầu tàu" thì lại đang bị "hụt hơi" khi số lượng đưa người lao động đưa đi có xu hướng giảm so với trước.
Không những vậy, Thứ trưởng còn chỉ ra vấn nạn trung tâm môi giới lao động bất hợp pháp và các đơn vị trung gian tham gia môi giới.
"Với những trường hợp này, thường là đến khi nhận được hợp đồng, người lao động cũng đã rất mệt mỏi vì quá trình rất chật vật, lại mất một khoản phí rất cao", Thứ trưởng nói.
Hơn 26 năm làm việc trong lĩnh vực đưa nhân lực Việt ra nước ngoài, bà Dương Thị Thu Cúc, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Quốc Tế Sài Gòn (Saigon Intergco), thừa nhận những bất cập được đề cập.
"Trong khi các công ty được ủy thác thiếu hụt về nguồn nhân lực thì những công ty không có chức năng đưa lao động đi nước ngoài lại nắm giữ nhiều nhân công. Từ đó, chúng tôi buộc phải bỏ tiền, mua lại nguồn của họ.
Ngoài ra, không ít công ty không có chức năng hay được ủy thác đưa người lao động đi nước ngoài làm việc đứng ra gom công nhân rồi "bán" lại với giá 20-30 triệu đồng/người", bà Dương Thị Thu Cúc cho hay.
Cạnh tranh tìm lao động
Để thu hút nhân lực đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp nước ngoài, Tổng giám đốc Saigon Intergco cho rằng doanh nghiệp cần đặt quyền lợi của người lao động lên hàng đầu.
Bà Cúc nêu nguyên lý, mỗi khi làm việc với nghiệp đoàn của đối tác nước ngoài phải luôn hướng đến những tiêu chí có lợi nhất cho người lao động được đưa đi. Trước đây, thu nhập của lao động Việt tại Nhật là 15 man/tháng (xấp xỉ 25 triệu đồng), nhưng hiện tại yêu cầu tối thiểu đặt ra là 18 man/tháng (khoảng 30 triệu đồng).
"Ngoài ra, các điều kiện đi kèm còn là đảm bảo có tăng ca hoặc ít nhất là giảm tiền, điện, nước cho người lao động Việt để đảm bảo thu nhập. Nghiệp đoàn cũng cần có trách nhiệm giải quyết mọi vấn đề nhanh chóng cho người lao động", bà Cúc nói về những điều kiện đặt ra như là những tiền đề để đảm bảo người lao động yên tâm làm việc theo hợp đồng đưa đi, không tính việc bỏ trốn, ra ngoài làm bất hợp pháp.
Các doanh nghiệp cung ứng lao động hiện cũng phải cạnh tranh. Trong quá trình đào tạo, nhiều công ty đưa chính sách thưởng tiền mặt cho học viên đạt trình độ tiếng Nhật cao (N3, N4) hoặc hỗ trợ học phí để người lao động yên tâm. Từ đó, việc thu hút lao động cho các chương trình đi làm việc tại nước ngoài sẽ bền vững hơn.
Nói về cách thức thu hút nhân lực, ông Nguyễn Đức Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (SONA), cho hay trước hết doanh nghiệp phải định hướng hoạt động dựa trên quyền lợi của người lao động.
"Khi đàm phán, chúng tôi luôn chọn các đối tác sẵn sàng trả tối thiểu 1.000-1.200 USD/tháng cho người lao động. Ngoài ra, các chế độ phúc lợi phải rõ ràng, đời sống sinh hoạt, ăn, ở phải đảm bảo", ông Nam dẫn chứng.
Theo thống kê, hiện hơn 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, gửi về khoảng 3,5 đến 4 tỷ USD kiều hối mỗi năm.
Thu nhập của người lao động khá cao và ổn định, dao động từ 1.200-1.600 USD/tháng tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc; từ 800-1.200 USD/tháng tại Đài Loan (Trung Quốc) và các nước châu Âu; từ 700-1.000 USD/tháng đối với lao động có tay nghề, và từ 500-600 USD/tháng đối với lao động phổ thông ở thị trường Trung Đông, châu Phi.
Mới đây nhất, theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong 10 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 130.640 lao động, đạt 104% kế hoạch năm. Những thị trường trọng điểm tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam vẫn tiếp tục là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore và một số nước châu Âu.