Nghỉ phép vì nhà có tang, nhân sự sốc khi bị trách "không báo trước 3 ngày"

Nguyễn Vy

(Dân trí) - "Bố tôi không may đột quỵ, qua đời. Tôi nhắn tin xin nghỉ phép, cấp trên ậm ừ duyệt cho nghỉ, nhưng vẫn càu nhàu vì sao không báo trước 3 ngày. Làm sao tôi biết trước bố tôi sẽ mất?", Minh Anh nói.

Trách móc vô lý

2 năm trước, Minh Anh (26 tuổi, ngụ tại TPHCM) từng là nhân viên phòng kinh doanh của một công ty tại TPHCM. Ngày đầu làm việc tại đây, cô gái đã được cấp trên trao đổi rõ về quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân. Trong đó, một trong những nội quy mà Minh Anh cần ghi nhớ chính là nếu muốn nghỉ phép thì phải báo trước 3 ngày.

Nghỉ phép vì nhà có tang, nhân sự sốc khi bị trách không báo trước 3 ngày - 1

Nhân sự mệt mỏi vì cấp trên tỏ thái độ khó chịu khi xin nghỉ phép đột xuất (Ảnh minh họa: Freepik).

Thoạt đầu, mọi thứ không có vấn đề gì. Nhưng dần dà, mỗi khi Minh Anh có ý định xin nghỉ phép, dù đã báo trước 3 ngày theo quy định nhưng cấp trên vẫn không mấy vui vẻ khi xét duyệt.

Đỉnh điểm là khi bố cô không may qua đời vì bị đột quỵ. Khi ấy, nữ nhân viên văn phòng xin nghỉ đột xuất trong 3 ngày để về quê lo hậu sự cho bố thì lại nhận câu trả lời vô tình từ cấp trên rằng: "Phải báo trước 3 ngày chứ".

Sau đó, mặc dù đã được cấp trên miễn cưỡng duyệt đơn xin nghỉ phép đột xuất, cô gái vẫn sốc khi phát hiện bản thân nghỉ mà không được hưởng lương.

"Vì quá bức xúc, tôi đã gặp trực tiếp giám đốc để khiếu nại. Lúc ấy, công ty mới có quy chế rõ ràng, thay đổi thời hạn xin nghỉ phép từ trước 3 ngày thành 1 ngày. Trong những trường hợp cấp bách, quản lý phải xử lý một cách linh hoạt hơn", Minh Anh nói.

Nghỉ phép vì nhà có tang, nhân sự sốc khi bị trách không báo trước 3 ngày - 2

Một khi nhận thấy công ty không thấu hiểu, người lao động, đặc biệt nhân sự Gen Z, sẽ dễ nghĩ đến việc rời đi (Ảnh minh họa: Freepik).

Từ đó, nữ nhân viên văn phòng chợt có ác cảm với công ty nên đã quyết định nghỉ việc không lâu sau đó.

"Thay vì an ủi tôi, sếp lại mỉa mai một cách khó chấp nhận như vậy. Tôi biết rằng khi tôi nghỉ đột xuất thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Nhưng ngoài công việc, người lao động còn nhiều thứ phải lo. Nếu đời sống tinh thần không ổn định thì bản thân cũng không thể cống hiến hết mình cho công việc", cô gái bộc bạch.

Trần Quỳnh (24 tuổi, ngụ tại TPHCM) chia sẻ anh cũng từng bị cấp trên tỏ vẻ khó chịu khi anh xin nghỉ phép đột xuất vì bị ốm.

"Trước đây, mặc dù tôi đã nộp y chứng theo quy định, sếp ở công ty cũ vẫn tỏ vẻ không hài lòng, cho rằng tôi nghỉ phép mà không lên kế hoạch, sắp xếp mọi thứ từ trước. Vị sếp ấy cho rằng bệnh cảm, sốt thì không đến mức phải nghỉ đột xuất. Đây cũng là lý do tôi nghỉ việc, làm ở nơi khác", Quỳnh chia sẻ.

Không duyệt nghỉ phép đột xuất, doanh nghiệp có thể chịu phạt

Mới đây, hội nhóm trên mạng xã hội với hơn 1,2 triệu nhân sự tham gia, đã xuất hiện một bài viết về chủ đề: "Vì sao các công ty yêu cầu xin nghỉ phép trước 2 ngày? Làm sao tôi đoán trước được nhà có người mất hoặc bản thân đổ bệnh?".

Bên dưới phần bình luận, một số quản lý nhân sự cho rằng việc xin nghỉ trước tối thiểu 2 ngày là để công ty có thể sắp xếp nhân sự phù hợp thay thế vào vị trí của người xin nghỉ đột xuất. Điều này giúp công việc không bị gián đoạn, đặc biệt vào những lúc cao điểm.

Trong khi đó, không ít người cho rằng quản lý cần linh hoạt hơn để thấu hiểu hoàn cảnh của người lao động, từ đó đảm bảo lợi ích của cả hai bên.

Nghỉ phép vì nhà có tang, nhân sự sốc khi bị trách không báo trước 3 ngày - 3

Người lao động có quyền được nghỉ phép đột xuất trong một số trường hợp cấp bách (Ảnh minh họa: Freepik).

Theo Điều 115 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ việc riêng và được hưởng nguyên lương trong các trường hợp như ba mẹ đẻ, ba mẹ nuôi của bản thân hoặc vợ hoặc chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ hoặc con nuôi qua đời; kết hôn, với thời gian nghỉ tối đa 3 ngày.

Ngoài ra, người lao động còn được nghỉ không hưởng lương 1 ngày khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ thêm không hưởng lương.

Trong trường hợp người sử dụng lao động không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật, họ có thể bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng.

Điều này được quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. 

Với khảo sát từ 63.878 người đi làm và 9.638 sinh viên là Gen Z trên toàn quốc, Anphabe (đơn vị tư vấn về các giải pháp xây dựng nguồn nhân lực) nhận thấy, có đến 73% Gen Z mong muốn làm việc trong môi trường năng động, vui vẻ. Khoảng 71% bạn trẻ muốn làm công việc thú vị, hấp dẫn…

Khảo sát của Anphabe cho thấy, cũng như các thế hệ trước, Gen Z kỳ vọng một môi trường làm việc khá toàn diện, trong đó các tiêu chí phúc lợi tốt, có tầm nhìn, chiến lược rõ ràng; chăm sóc sức khỏe & đời sống nhân viên tốt; công việc ổn định. 

Bà Lưu Bảo Vân, Giám đốc nghiên cứu tại Intage Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp cần cải thiện chỉ số hạnh phúc của nhân viên bao gồm tăng cường phúc lợi như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tai nạn; tổ chức kiểm tra sức khỏe chuyên sâu, tầm soát thay vì kiểm tra định kỳ; hỗ trợ bảo hiểm mở rộng cho cả gia đình của nhân viên.