Những nhân sự tự vắt kiệt sức: Đừng để gần chết mới nghĩ cho bản thân!
(Dân trí) - "Sau nhiều đêm làm việc lao lực, thứ tôi nhận được chính là "tấm vé" nằm trên giường bệnh. Công việc thì vẫn dang dở, trong khi tôi không còn chút sức lực nào", một nhân viên văn phòng nói.
Giật mình sau lần gần "tử thần"
Năm 2020, trong một lần đi kiểm tra sức khỏe, Đức Vinh (SN 1997, ngụ tại TPHCM) chợt giật mình khi màn hình đo huyết áp nhảy lên con số "báo động". Ngay lập tức, Vinh được chuyển đến phòng cấp cứu để được bác sĩ theo dõi. Nằm trên giường bệnh, chàng trai mới nhớ lại nhiều đêm qua, bản thân đã làm việc vô cùng lao lực.
"Chỉ đến khi cơ thể ở mức "báo động", tôi mới chợt nhận ra không có sức khỏe thì không làm được gì cả. Nhiều ngày nằm trên giường bệnh, tôi phải xin công ty cho nghỉ đột xuất, công việc thì vẫn dang dở chưa làm xong", Vinh hối hận.
Chàng trai chia sẻ bản thân làm việc trong lĩnh vực truyền thông, thỉnh thoảng còn nhận thêm một số việc bên ngoài để tăng thu nhập. Khi công việc quá nhiều, Vinh làm việc đến mức quên ăn, thiếu ngủ.
Vinh thường đến công ty lúc 8h và tan ca sau 18h. Những hôm công ty có nhiều cuộc họp, chàng trai đành bỏ bữa trưa hoặc chỉ ăn qua loa để làm cho kịp việc được giao.
Về đến nhà, Vinh ăn tối, nghỉ ngơi trong chưa đầy 1 tiếng, rồi tiếp tục hoàn thành công việc đến nửa đêm. Lắm lúc, chàng trai dự định đi ngủ sớm nhưng cũng phải choàng tỉnh khi cấp trên gọi điện yêu cầu sửa bài gấp. Mỗi buổi sáng thức dậy, chàng trai luôn thấy hai vùng thái dương đau nhức âm ỉ vì thiếu ngủ.
Dù ba mẹ luôn khuyên nhủ anh chú ý giữ gìn sức khỏe, không nên làm việc quá sức, nhưng nỗi sợ "bị bỏ lại phía sau", "bị coi là người thất bại", "áp lực đồng trang lứa"… khiến chàng trai Gen Z (những người sinh trong khoảng từ năm 1997 đến năm 2012) ép mình lao đầu vào công việc.
"Chỉ cho đến khi trở về từ phòng cấp cứu, tôi mới nhận ra công việc chỉ là một phần của cuộc sống. Nếu có sức khỏe, chúng ta mới làm được mọi thứ", Vinh bộc bạch.
Hưởng thu nhập 30 triệu đồng/tháng, Ngọc Nhi (24 tuổi, ngụ tại TPHCM) tự vắt kiệt sức "chạy" theo 3 công việc cùng lúc.
"Mỗi buổi sáng thức dậy, tôi tự hỏi hôm nay mình sẽ làm gì để hoàn thành việc thật tốt, rồi áp lực đến mức bật khóc", Nhi bộc bạch.
Trước đây, Nhi từng làm việc từ 8h đến 23h, nhưng do quá mệt mỏi nên đã chuyển sang công việc khác nhẹ nhàng hơn. Mỗi ngày, cô gái làm việc từ 8h đến 17h cho công việc sáng tạo nội dung ở văn phòng. Buổi tối, Nhi đi dạy tiếng Anh và nhận thêm dự án về nhà làm.
"Phải làm một lúc 3 công việc, tôi mệt mỏi khi đầu óc lúc nào cũng nghĩ về công việc. Tính chất, nhiệm vụ của các đầu việc khá khác nhau nên suy nghĩ cũng bị lẫn lộn. Thời gian biểu không hợp lý khiến tôi mắc bệnh viêm dạ dày. Thức khuya nhiều nên lúc nào cũng thấy uể oải, dễ cáu gắt", Nhi nói.
Làm thêm giờ không giúp cải thiện chất lượng công việc
Mới đây, Anna Sebastian Perayil (26 tuổi, quốc tịch Ấn Độ), nhân viên kiểm toán của EY India, qua đời vì được cho là phải làm việc quá sức.
Theo bà Anita Augusinte, mẹ của Anna, cô gái làm việc từ sáng đến tối muộn, không nghỉ bất cứ ngày nào trong tuần. Lắm lúc, trợ lý của cấp trên còn gọi cho cô vào nửa đêm để giao việc và yêu cầu cô hoàn thành vào sáng hôm sau. Vì thế, Anna hầu như không có thời gian để nghỉ ngơi.
Lắm lúc, Anna bị giao làm những việc không liên quan đến chuyên môn. Dù bà Antina đã khuyên nhủ nhưng cô gái vẫn làm vì muốn thể hiện sự cống hiến.
Một nhân viên của EY India chia sẻ rằng họ được thông báo về sự việc của Anna qua email. "Vào lúc cao điểm, chúng tôi phải làm việc 16 giờ/ngày, các ngày bình thường thì 12 giờ/ngày. Chúng tôi không được nghỉ vào cuối tuần hay ngày lễ. Làm việc quá sức là cách duy nhất để được thăng chức ở đây", nhân viên này nói.
Theo Christina Janzer, phó chủ tịch cấp cao bộ phận nghiên cứu và phân tích của Slack, nhân viên có nhiều giờ làm việc hơn không đồng nghĩa có năng suất tốt hơn. Không những vậy, khảo sát mới nhất của Slack còn cho thấy việc làm thêm giờ có thể giảm năng suất của người lao động.
75% nhân viên tham gia khảo sát cho biết năng suất lao động của họ bị giảm khi phải làm việc trong các khung từ 15h đến 18h. Những người phải làm thêm giờ sẽ cảm thấy căng thẳng gấp đôi và có nguy cơ kiệt sức cao hơn.
Chia sẻ trên tờ TNM, TS Deeyaneswar D, bác sĩ tim mạch can thiệp tại Bệnh viện chuyên khoa Prashanth Super (Chennai), chỉ ra rằng văn hóa làm việc quá sức có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
"Ngồi trong thời gian dài có thể phá vỡ nhịp sinh học và làm tăng hormone gây căng thẳng. Dần dà, điều này có thể dẫn đến thói quen ăn uống, ngủ nghỉ kém và mất đi khả năng duy trì cuộc sống xã hội hoặc cá nhân lành mạnh. Những yếu tố này góp phần đáng kể vào các vấn đề về sức khỏe tim mạch", ông nói.
Ông liệt kê một số dấu hiệu cảnh báo về sức khỏe mà người lao động cần chú ý, chẳng hạn như mệt mỏi quá mức, giảm hứng thú với công việc, cáu kỉnh, hung hăng và nhạy cảm.
TS Pradeep Haranahalli, bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện Manipal (Whitefield, Bengaluru) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ưu tiên giấc ngủ. Ông gọi đó là sự tái thiết sinh học tự nhiên cho cơ thể, đóng vai trò điều chỉnh các quá trình quan trọng trong cơ thể, cho phép con người nạp lại năng lượng.
"Ngoài ra, hoạt động thể chất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát căng thẳng và cải thiện sức khỏe tim mạch", ông chia sẻ.
*Tên nhật vật đã được thay đổi theo yêu cầu.