Lý do ngày càng nhiều nhân sự Gen Z bị "thối não"

Hạ Di

(Dân trí) - Lối sống thiếu khoa học, công việc bận rộn, tiếp xúc quá nhiều với những nội dung không có giá trị trên nền tảng trực tuyến, khiến nhiều người trẻ bị suy giảm về tinh thần và trí tuệ.

Rinki Das (24 tuổi), một nhân viên truyền thông tại Ấn Độ, cho hay công việc của cô là theo dõi và xử lý lượng lớn tin tức diễn ra mỗi ngày. Thời gian đầu, Das giỏi trong việc ghi nhớ tên, địa điểm hay một chi tiết nhỏ xuất hiện trong bản tin của mình.

Thế nhưng, dần dà, những việc này trở nên vô cùng khó khăn đối với Das. Bản thân cô cũng bất ngờ vì chưa từng phải "vật lộn" với trí nhớ của mình. Không những vậy, nữ nhân viên còn khó tập trung, suy nghĩ một cách logic.

"Càng tập trung thì tôi càng thấy khó nhớ hơn", cô gái nói.

Lý do ngày càng nhiều nhân sự Gen Z bị thối não - 1

Ngày càng có nhiều nhân sự trẻ mắc triệu chứng "thối não" (Ảnh minh họa: Freepik).

Shalini (23 tuổi), một nhà thiết kế thời trang ở Ấn Độ, cũng gặp triệu chứng tương tự. Theo lời của Shalini, cô gái thường xem phim đến tận khuya mới đi ngủ, thậm chí thức trắng đêm. Shalini còn thường xuyên lướt mạng xã hội trong thời gian dài.

Mới đây, Oxford vừa vinh danh "brain rot" (thối não) là từ của năm 2024. Brain rot nhằm nói đến sự suy giảm về sức khỏe tinh thần và trí tuệ, do tiêu thụ quá nhiều nội dung giải trí, vô nghĩa.

Đặc biệt, triệu chứng này trở nên phổ biến đối với Gen Z (những người được sinh ra từ năm 1997 đến năm 2012), nhóm quan tâm và sử dụng nhiều công nghệ kỹ thuật số.

Theo nhiều chuyên gia, tình trạng "thối não" luôn khiến chúng ta phân tâm bởi thiết bị điện tử. Tuy vậy, chúng ta không bao giờ nhận ra những điều nhỏ nhặt như đoạn video ngắn trên mạng xã hội (Reels, TikTok…) chính là bước đầu khiến não trở nên mụ mị". Tình trạng "thối não" đang ngày càng tăng, đặc biệt ở thế hệ trẻ.

Absy Sam, một nhà tâm lý học tư vấn đến từ Mumbai, cho hay sự gia tăng "thối não" ở người trẻ là một vấn đề đáng lo ngại. Vì vỏ não trước trán, bộ phận rất quan trọng trong việc ra quyết định và kiểm soát xung lực của người trẻ vẫn đang phát triển.

"Thối não" sẽ khiến nó dễ bị căng thẳng và kích thích quá mức. Sự gia tăng tình trạng này xuất phát từ nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu là lối sống.

Mehezabin Dordi, nhà tâm lý học lâm sàng tại Bệnh viện Sir HN Reliance Foundation (Ấn Độ), cho rằng lối sống hiện đại, phụ thuộc vào công nghệ số và thiếu hoạt động thể chất là những nguyên nhân chính dẫn đến "thối não".

Đặc biệt trong và sau giai đoạn COVID-19, càng có nhiều người bị tình trạng này hơn.

TS Arvind Otta, một nhà tâm lý học cấp cao và là nhà hoạt động sức khỏe tâm thần đến từ Delhi (Ấn Độ), phân tích rằng Gen Z được sinh ra trong thời đại bùng nổ của phương tiện truyền thông xã hội. Vì thế, họ dễ dàng bị mắc hội chứng quá tải kỹ thuật số.

"Thật không may, những người trẻ tuổi, đặc biệt là Gen Z và thế hệ thiên niên kỷ, là những người lười biếng. Họ có sự tương tác vô tận với công nghệ, màn hình, thông báo và phương tiện truyền thông xã hội.

Lý do ngày càng nhiều nhân sự Gen Z bị thối não - 2

Việc tiếp xúc nhiều với nền tảng kỹ thuật số, thiếu hoạt động thể chất, không ngủ đủ giấc, ăn uống không khoa học... dễ khiến Gen Z bị "thối não" (Ảnh minh họa: Freepik).

Người ta sẽ nhận thấy rằng lượng thông tin này thực sự làm quá tải não bộ và làm giảm hiệu suất của não khi làm việc, trong những tình huống áp lực cao. Việc sử dụng, chuyển đổi liên tục từ ứng dụng này sang ứng dụng khác sẽ làm giảm khả năng tập trung và năng suất, gây ra tình trạng mệt mỏi về mặt tinh thần", TS Arvind Otta nói.

Theo nhà tâm lý học Mehezabin Dordi, việc Gen Z tiếp xúc nhiều với công nghệ số là điều dễ hiểu, bởi họ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, kỳ vọng của xã hội và căng thẳng trong việc tạo dựng hình ảnh cá nhân trên "cõi ảo".

"Gen Z có chu kỳ giấc ngủ tệ nhất so với những thế hệ khác. Họ dành nhiều thời gian trước khi ngủ để sử dụng các thiết bị điện tử, ức chế giải phóng melatonin (hormone hỗ trợ giấc ngủ). Nếu một cá nhân không ngủ đủ giấc, não của họ sẽ khó tạo ra những ký ức mới và não sẽ bị mụ mị", ông nhấn mạnh.

Không những vậy, việc thường xuyên bỏ bữa sáng, ăn những món có hại cho sức khỏe, thiếu hoạt động thể chất cũng khiến Gen Z bị suy giảm tinh thần.

Theo www.indiatoday.in