Nhân sự Gen Z "sơ hở" là nhảy việc, lương cao cũng nghỉ
(Dân trí) - Cuối năm, nhiều nhân sự trẻ chia sẻ đang làm việc theo kiểu "cầm chừng" để chờ sau Tết nhảy việc. Không ít người dù cảm thấy hạnh phúc khi làm việc ở công ty hiện tại nhưng vẫn không chắc sẽ gắn bó.
Hài lòng với công ty nhưng chưa chắc gắn bó
Mỗi khi ngồi làm việc ở văn phòng, Thu Uyên (26 tuổi, ngụ tại TPHCM) không ít lần xoay vòng với câu hỏi "tiếp tục làm việc hay tìm kiếm một cơ hội mới". Làm việc tại công ty truyền thông, Uyên được trả mức lương 15 triệu đồng/tháng, nhận đầy đủ các chế độ đãi ngộ.
Thu nhập đủ để trang trải cuộc sống, cấp trên và đồng nghiệp cũng hòa đồng, vui vẻ, Uyên cảm thấy hài lòng vì đã có được công việc mơ ước từ khi còn là sinh viên.
Tuy nhiên, sau 3 năm làm việc, Gen Z (những người được sinh ra từ năm 1997 đến năm 2022) như Uyên giờ chỉ chờ "sơ hở" là chuyển việc, đặc biệt là mỗi khi công ty có bất kỳ dấu hiệu nào đe dọa đến quyền lợi. Nhìn những đồng nghiệp làm việc tại công ty hơn 10 năm vẫn chưa được thăng tiến, Uyên bỗng giật mình.
"Trên mạng xã hội, nhiều bạn đồng trang lứa thường bày tỏ rằng, có nên làm việc quá lâu ở một nơi hay không? Liệu có nên thoát khỏi vùng an toàn hiện tại để tìm kiếm cơ hội mới? Nghỉ việc ở công ty này, biết đâu bản thân sẽ có được một công việc lương cao, thăng tiến nhanh hơn. Không những vậy, hầu như các bạn đều có quan điểm rằng "thanh xuân" chỉ có một lần, không nên chịu đựng nếu cảm thấy công ty có vấn đề", Uyên bộc bạch.
Vậy nên, nữ nhân viên văn phòng Gen Z khẳng định rằng dù hài lòng và cảm thấy hạnh phúc khi đi làm ở công ty, cô không chắc bản thân sẽ gắn bó lâu dài.
"Nếu cảm thấy bản thân không phát triển hay thay đổi gì so với thời gian đầu, tôi chắc chắn sẽ tìm việc ở công ty khác để được học hỏi, trải nghiệm nhiều hơn", Uyên nói.
Minh Dự (25 tuổi, ngụ tại TPHCM), một nhân viên văn phòng, cũng rất hài lòng với môi trường làm việc của công ty hiện tại. Tuy nhiên, Dự khẳng định nếu cảm thấy nơi làm việc không còn mang lại giá trị gì cho mình hoặc bản thân không được công nhận, tôn trọng, anh không ngần ngại chuyển việc ngay lập tức.
"May mắn được tiếp xúc với công nghệ hiện đại, tôi có thể hiểu rõ bản thân mình muốn gì. Ngày nay, xã hội bắt đầu nhận ra không còn khái niệm "xin việc" nữa mà chuyển thành sự hợp tác "đôi bên cùng có lợi" giữa người lao động và người sử dụng lao động. Vì thế, nhân sự Gen Z có xu hướng gắn bó với công việc phù hợp và có nhiều cơ hội phát triển, thăng tiến, chứ không còn để áp lực ảnh hưởng đến những khía cạnh trong cuộc sống của họ", Dự bày tỏ quan điểm.
Ngoài lương, Gen Z còn quan tâm nhiều thứ
Theo báo cáo kết quả khảo sát chuyên sâu "Nhà tuyển dụng được yêu thích nhất năm 2024" của CareerViet, mức độ hài lòng của nhân sự Việt trong năm nay có xu hướng tăng 14% so với năm 2023. Tuy nhiên, người lao động, đặc biệt là Gen Z, dù cảm thấy hạnh phúc với công việc mình đang làm, họ sẵn sàng nhảy việc nếu có cơ hội tốt hơn, dù công ty hiện tại vẫn ổn.
Khảo sát cho thấy ngày nay, 62% Gen Z đang cảm thấy không có nhiều thời gian trong cuộc sống; 58% người chưa đáp ứng tài chính; 48% nhân sự thiếu kỹ năng làm tốt công việc; gần 50% thiếu động lực làm việc…
Tình hình kinh tế khó khăn và thị trường việc làm cạnh tranh là lý do nhân sự vẫn chấp nhận gắn bó với công việc hiện tại. Nếu có cơ hội mới tốt hơn xuất hiện, họ sẽ sẵn sàng nhảy việc ngay lập tức.
Bà Trần Liên Phương, Giám đốc nghiên cứu và Tư vấn chiến lược Amco Việt Nam, cho rằng bên cạnh lương và phúc lợi, nhân sự Gen Z còn xem trọng môi trường và phong cách làm việc của công ty. Yếu tố này phải đủ "không gian" để Gen Z thỏa mãn đam mê, phát triển sự nghiệp.
"Họ tôn vinh một công việc lương cao, đảm bảo tính tự do, linh động. 90% Gen Z muốn được đào tạo kỹ năng mới, bao gồm kỹ năng giao tiếp, xử lý vấn đề, ngoại ngữ, quản lý, dẫn dắt và làm việc nhóm", bà Phương nói.
Bà Phạm Thị Quý Hiền, Giám đốc nhân sự Công ty CP Hàng Tiêu dùng Masan (Masan Group), cho biết sau Tết là giai đoạn nhân sự tại công ty nhảy việc nhiều nhất trong năm. Nhưng đối với nhân sự Gen Z, họ có thể nghỉ việc bất cứ lúc nào, không riêng thời điểm sau Tết.
"Nguyên nhân nghỉ việc mà các bạn thường chia sẻ là do tìm được cơ hội mới phù hợp hơn hoặc bận đi học lên cao, học kỹ năng mới… Bên cạnh đó, một lí do mới và đặc biệt, xuất hiện sau giai đoạn Covid-19, chính là các bạn xin nghỉ để nghỉ ngơi, có thời gian chữa lành. Đây là nguyên nhân không chỉ riêng Gen Z, mà nhiều nhân sự ở công ty cũng có cùng tâm tư", bà Hiền bày tỏ.
Để giữ chân được nhân sự Gen Z, lực lượng lao động chính trong tương lai và ngày càng thay đổi, vị Giám đốc nhân sự khẳng định công ty cũng phải liên tục đổi mới.
"Chúng tôi phải cho nhân sự cảm nhận nếu gắn bó với công ty, họ sẽ được phát triển bản thân liên tục mà không dậm chân mãi ở vùng an toàn. Đào tạo là điều rất quan trọng. Phương pháp đào tạo của chúng tôi giờ đây không chỉ dừng lại ở kiểu truyền thống, chỉ toàn cung cấp những lý thuyết khô khan nữa, mà phải thật sự mang lại kiến thức, kỹ năng thực tế cho người lao động, giúp họ vận dụng được trong công việc và đời sống", bà Hiền nói.