1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nghề lái xe Grab: Đang nằm ngoài sự điều chỉnh của Luật Lao động?

(Dân trí) - “Khi sửa Luật Lao động, chúng ta cần điều chỉnh những phát sinh mới trong quan hệ lao động. Đơn cử như nghề lái xe Grab hoặc công việc liên quan tới công nghệ 4.0. Cần làm rõ đâu là chủ sử dụng lao động, người lao động, vấn đề tranh chấp lao động, tham gia BHXH…”

Ông Lê Đình Quảng trao đổi về những nội dung sửa đổi trong Luật Lao động

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) trao đổi với báo giới về một số nội dung trong lộ trình sửa đổi Luật Lao động năm 2012.

Theo ông Lê Đình Quảng, thời gian tới đây, việc sửa đổi Luật Lao động cần bổ sung các loại hình lao động mới và điều chỉnh nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động khi tham gia. Đồng thời tránh những phát sinh về mâu thuẫn quyền lợi giữa các bên. Công việc lái xe Grab là một minh hoạ cụ thể.

“Do Luật Lao động hiện hành quy định, người lao động là người làm công ăn lương, có tuổi đời từ 15 trở lên, chịu sự điều hành của chủ sử dụng lao động thông qua giao kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên, những người làm việc theo mô hình lái xe Grab lại chưa đáp ứng được các tiêu chí trên và không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Lao động” - ông Lê Đình Quảng phân tích.

Thêm nữa, chiếc xe ô tô - công cụ lao động lại thuộc sở hữu của người lái xe chứ không phải của chủ sử dụng lao động.

Được biết, dự án sửa đổi Bộ Luật Lao động năm 2012 đang được Bộ LĐ-TB&XH và các bên liên quan lấy ý kiến để gửi tới Chính phủ trong năm 2018. Sau khi xem xét, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và biểu quyết thông qua tại các kỳ họp trong năm 2019.

Trên thực tế đó, ông Lê Đình Quảng lo ngại việc người lái xe Grab không thể có được những quyền lợi của người lao động theo pháp luật lao động hiện nay. Đồng thời khi xảy ra tranh chấp lao động, cơ quan nào sẽ đứng ra để giải quyết.

“Vấn đề nhận lương, tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, xử lý tình trạng thất nghiệp, tranh chấp lao động …không thể đáp ứng được. Điều này tạo nhiều tiềm ẩn, rủi ro cho người lao động trên thị trường lao động” - ông Lê Đình Quảng nói.

Đề xuất giải pháp, ông Lê Đình Quảng cho rằng bộ phận biên tập dự thảo Bộ Luật Lao động cần nghiên cứu và có những điều chỉnh thích hợp.

“Đầu tiên là chúng ta phải sửa khái niệm người lao động thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Lao động, trong đó bao quát cả những người lái xe Grab hiện nay. Qua đó đưa họ trở thành đối tượng điều chỉnh của Luật lao động” - ông Lê Đình Quảng kiến nghị.

Liên quan tới việc điều chỉnh loại hình lao động mới là lái xe Grab, Tổ chức lao động quốc tế mới đây cũng đưa ra những quan ngại.

Ông Chang Hee-Lee, Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại VN, cũng từng đặt vấn đề: “Liệu Bộ luật Lao động khi sửa đổi sẽ chỉ áp dụng cho người lao động và người sử dụng lao động ở khu vực kinh tế chính thức, hay chỉ ở những người lao động có hợp đồng lao động? Vậy những tài xế Grab và Ubers thì sao?”.

Mô hình lái xe Grab sẽ chỉ là một trong số nhiều loại hình lao động mới đang và sẽ tiếp tục phát sinh trong giai đoạn hiện nay, dưới sự tác động của công nghệ 4.0.

Chính bởi vậy, việc nhận diện và có những điều chỉnh hợp lý là điều rất cần trong quá trình sửa đổi Luật Lao động năm 2012.

Theo ILO, Việt Nam hiện có 53 triệu người thuộc độ tuổi lao động, trong đó 22 triệu người làm các công việc tự làm hoặc là lao động gia đình không được trả lương, phần lớn thuộc nền kinh tế phi chính thức; 23 triệu người là lao động làm công ăn lương.

“Vậy bao nhiêu trong số họ sẽ nằm trong phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động? Đây vẫn là một câu hỏi lớn đối với các nhà làm chính sách”, ông Chang Hee -Lee nói.

Hoàng Mạnh