1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tài xế Grab và Ubers có được điều chỉnh bởi Luật Lao động?

(Dân trí) - “Liệu Bộ luật Lao động sẽ chỉ áp dụng cho người lao động và người sử dụng lao động ở khu vực kinh tế chính thức, hay chỉ ở những người lao động có hợp đồng lao động? Vậy những tài xế Grab và Ubers thì sao?”.


Ông Chang Hee-Lee, Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại VN.

Ông Chang Hee-Lee, Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại VN.

Ông Chang Hee-Lee, Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại VN, chia sẻ những nhận định về quá trình sửa đổi Luật Lao động cũng như những vấn đề về lao động được nêu trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được 11 nước, trong đó có VN, ký kết hôm 8/3.

Theo đại diện ILO tại VN, Chính phủ VN đang thực hiện việc sửa đổi Bộ luật Lao động theo hướng những yêu cầu đặt ra trong Hiệp định CPTPP và EU-Việt Nam FTA, với mục tiêu sẽ trình Quốc hội bản Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi vào tháng 05/2019.

Các chương về quan hệ lao động có vai trò mấu chốt đối với Hiệp định CPTPP và EU-Việt Nam FTA. Đồng thời, các nội dung của chương về lao động còn là mục tiêu tổng quát hiện đại hoá cách thức lao động được quy định tại Việt Nam trong thời kỳ hiện đại” - ông Chang Hee-Lee nhận định.

Một vấn đề được đại diện ILO tại VN băn khoăn là phạm vi áp dụng của Bộ Luật Lao động sửa đổi tới đây.

Mô hình dịch vụ Ubers và Grab mới xuất hiện tại VN. Qua đó cũng kéo theo hình thức lao động mới là những lái xe Ubers và Grab. Đây là những công việc có nhiều đặc thù mới mẻ với những câu hỏi để ngỏ: Hợp đồng lao động của họ ra sao? Họ có được đóng BHXH, BHYT, BHTN tương xứng với công việc hay không? quy định khung về tiền lương ra sao? Cơ quan nào quản lý và ban hành các điều kiện làm việc của họ?...

Ông Chang Hee-Lee chia sẻ: “Liệu Bộ luật chỉ áp dụng cho người lao động và người sử dụng lao động ở khu vực kinh tế chính thức, hay chỉ ở những người lao động có hợp đồng lao động? Những tài xế Grab và Ubers thì sao?”.

Lý giải rõ hơn, vị đại diện ILO cho biết: Việt Nam hiện có một lực lượng lao động hơn 53 triệu người, trong đó 22 triệu người làm các công việc tự làm hoặc là lao động gia đình không được trả lương, phần lớn thuộc nền kinh tế phi chính thức; 23 triệu người là lao động làm công ăn lương.

“Vậy bao nhiêu trong số họ sẽ nằm trong phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động? Đây có lẽ là câu hỏi đầu tiên cần được trả lời” - ông Chang Hee-Lee nói.

Trong bối cảnh đó, ILO lưu ý tầm quan trọng của việc tham gia đầy đủ của công đoàn, đại diện doanh nghiệp và các bên liên quan khác trong suốt quá trình sửa đổi Bộ Luật Lao động.

“Việc đổi mới pháp luật lao động có thành công hay không phụ thuộc vào cách thức tiếp thu một cách cân bằng giữa nhu cầu được bảo vệ tốt hơn của người lao động và nhu cầu về tính linh hoạt của doanh nghiệp. Cân bằng những nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động là khả thi chỉ khi đại diện của họ tham gia vào quá trình này” - ông Chang Hee-Lee nói.

Tiền lương cần được hình thành qua đối thoại và thương lượng

Theo ông Chang Hee-Lee, trong nền kinh tế thị trường hiện đại, điều kiện cho người lao động, bao gồm tiền lương, được quyết định thông qua đối thoại xã hội và thương lượng tập thể giữa đại diện người lao động và người sử dụng lao động, được trao quyền và điều chỉnh bởi các luật và quy định liên quan đến quan hệ lao động.

“Đây là điểm yếu trong Bộ luật Lao động hiện hành, cần phải cải thiện để phù hợp với Tuyên bố năm 1998 của ILO. Trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động, cần cân nhắc đến việc phê chuẩn các Công ước số 98 và 87. Vì các công ước này đưa ra những nguyên tắc phổ quát dựa trên quan hệ lao động hiện đại được xây dựng ở hầu hết các nước thành viên của ILO” - ông Chang Hee-Lee nói.

Hoàng Mạnh