(Dân trí) - Sau những khó khăn, thậm chí mất việc làm, nhiều lao động tại Quảng Bình không còn mặn mà đổ xô đến các thành phố lớn, thay vào đó họ lựa chọn tìm việc tại quê nhà để bớt vất vả, chông chênh.
Chị Trương Thị Quỳnh Liên (SN 1979), trú tại Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình thất nghiệp đã gần 3 tháng qua. Trước đây, chị Liên làm nhân viên khách sạn tại TPHCM với thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, các hoạt động kinh doanh nơi chị Liên làm việc gặp nhiều khó khăn. Sau quãng thời gian bị giảm lương, đến cuối năm 2022, chị Liên thuộc diện cắt giảm nhân sự và phải trở về quê với tình cảnh mất việc làm.
Theo chị Liên, mặc dù công việc tại TPHCM có mức lương, thưởng cao, thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, để tìm được một công việc có thu nhập ổn định không phải là điều dễ dàng, chưa kể các chi phí sinh hoạt thì ngày một đắt đỏ.
Những ngày sau Tết Nguyên đán Quý Mão, khi nhiều người đổ xô đến các thành phố lớn thì chị Liên quyết định ở lại quê nhà, liên hệ tìm việc làm mới. Với chuyên môn và kinh nghiệm tích lũy được, chị Liên đã nộp hồ sơ đến một số khách sạn đang tuyển dụng nhân sự tại thành phố Đồng Hới, hy vọng có thể tìm được công việc với mức lương phù hợp.
"Tôi làm ở TPHCM cũng gần 10 năm, hiện giờ thì chưa có việc làm và đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trước cũng tính ra Tết sẽ quay vào TPHCM, thế nhưng nghĩ lại thì vừa xa nhà, công việc khó khăn, lương không được như trước. Do vậy, tôi muốn tìm một công việc ở Quảng Bình, dù thu nhập không bằng nhưng gần gia đình, đỡ vất vả, chông chênh", chị Liên chia sẻ.
Cũng như chị Liên, anh Trần Ngọc Minh (SN 1982), trú xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn sau thời gian làm việc xa quê cũng đã quyết định trở về Quảng Bình, tìm công việc mới. Anh Minh trước đó làm công nhân xây dựng cầu đường cho một công ty tại tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng vì đặc thù công việc, anh thường xuyên phải đi công trình, đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước mà chẳng mấy khi về nhà.
Theo anh Minh, trước đây tại Quảng Bình chưa có nhiều công ty xây dựng nên để tìm được việc gần nhà, phù hợp với bản thân là rất khó, tuy nhiên hiện nay, các doanh nghiệp đúng với chuyên môn, ngành nghề của anh khá nhiều, do đó anh quyết định trở về, tìm việc ở Quảng Bình cho đỡ vất vả.
"Thanh niên cũng đi làm ăn khắp nơi, cứ mãi theo công việc, gần 40 tuổi tôi mới lấy vợ, giờ có gia đình rồi nên cũng muốn tìm việc gần nhà cho tiện đi về. Tôi cũng đã tìm hiểu và thấy có nhiều đơn vị tại Quảng Bình đang tuyển dụng với mức lương khá phù hợp nên đã gửi hồ sơ ứng tuyển. Cũng đã có doanh nghiệp nhận tôi vào làm, tuy nhiên tôi cũng đang chờ phỏng vấn một số nơi khác để cân nhắc", anh Minh cho biết.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, sau Tết, rất nhiều lao động Quảng Bình đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh này để đăng ký tìm kiếm cơ hội làm việc. Trong đó có không ít lao động trước đây làm việc ở các tỉnh phía Nam, cuối năm 2022 bị mất việc làm phải trở về quê.
Những lao động này đều hy vọng sớm tìm được công việc phù hợp năng lực, sở trường, với mức thu nhập và chính sách đãi ngộ tốt của các doanh nghiệp để không phải xa gia đình, trở lại các tỉnh phía Nam tìm việc làm nữa.
Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình, phiên giao dịch việc làm đầu năm 2023 của đơn vị này đã có 16 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tiếp và 3 doanh nghiệp ngoại tỉnh tuyển dụng bằng hình thức phỏng vấn online.
Với gần 3.000 chỉ tiêu việc làm ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề và trình độ từ lao động phổ thông đến lao động có tay nghề, với mức lương 6-20 triệu đồng/tháng, phiên giao dịch đã thu hút sự tham gia của hàng trăm ứng viên trên địa bàn.
Tại đây, các doanh nghiệp và người lao động đã gặp gỡ, trao đổi, thỏa thuận trực tiếp về điều kiện làm việc, mức lương, phúc lợi… Các doanh nghiệp có thể tuyển dụng được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, đồng thời đây cũng là cơ hội để người lao động tìm được việc làm phù hợp với khả năng và nguyện vọng của mình.
"Là một doanh nghiệp, chúng tôi luôn muốn tìm được các nhân sự chất lượng, có tay nghề, đặc biệt là con em quê hương. Tuy nhiên, những nhân sự như vậy lại thường chọn làm việc ở các thành phố lớn. Hiện nay, chúng tôi cũng có các chế độ đãi ngộ hấp dẫn để kéo các lao động có năng lực về làm việc. Sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp chúng tôi cũng đang dần phục hồi, ổn định kinh doanh nên rất cần nhân sự để hoạt động một cách hiệu quả", ông Nguyễn Vũ Tuấn, Trưởng Phòng nhân sự, Công ty du lịch Trường Thịnh nói.
Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình, mỗi năm đơn vị đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho từ 18.000 đến 20.000 người, là cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động, giúp người lao động có thêm nhiều sự lựa chọn, tìm được nghề và việc làm phù hợp.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình cho biết, trước Tết, khi có thông tin các doanh nghiệp ở miền Nam cắt giảm lao động, trung tâm đã nghĩ đến chuyện ra Tết nhiều lao động không quay trở lại miền Nam, mà sẽ tìm việc làm trong tỉnh. Do đó phía đơn vị này đã liên lạc với đại diện các nhà máy, xí nghiệp tham gia phiên giao dịch nhằm tuyển dụng số lao động này.
"Chúng tôi cũng đã có các Website, Fanpage và ứng dụng "Việc làm Quảng Bình" để các lao động tiếp cận, qua đó có thể tìm hiểu, ứng tuyển vào các vị trí việc làm phù hợp. Ngoài ra cũng tạo mọi điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất để các doanh nghiệp có thể tuyển dụng được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh theo kế hoạch", ông Phương nói.
Được biết, hiện nay Quảng Bình đang là điểm đến của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư nên mở ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động.
Tiến Thành