DMagazine

Chuyến hồi hương đẫm lệ của anh bảo vệ 21 năm "khát"... mùi Tết quê

(Dân trí) - Xa quê 21 năm để lập nghiệp tại TPHCM, anh Kha ngậm ngùi khi không dư được đồng nào, lại mang trong mình căn bệnh quái ác.

Nhớ nồi khoai của mệ

5h sáng 27 Tết, gia đình anh Trần Sỹ Kha (43 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) lật đật bật dậy sau một đêm ngủ chập chờn. Hôm đó, cả nhà anh có chuyến bay đặc biệt nhất sau 21 năm - chuyến bay về quê nhà Nghệ An.

Háo hức từ ngày đăng ký thành công 4 vé máy bay khứ hồi miễn phí, vợ con anh trằn trọc nhiều đêm, chẳng dám tin vào sự thật. Hành lý mang về quê đã được chuẩn bị sẵn, trước khi ra sân bay, vợ anh Kha vẫn kiểm tra lại một lượt cho chắc chắn. 

Chuyến hồi hương đẫm lệ của anh bảo vệ 21 năm khát... mùi Tết quê - 1
Chuyến hồi hương đẫm lệ của anh bảo vệ 21 năm khát... mùi Tết quê - 2

"Chưa về mà vợ tôi đã… say máy bay rồi đó, vì mừng quá. Lâu lắm rồi, chúng tôi cứ ăn Tết ở trong này thôi. Dù có bạn bè xung quanh, nhưng đâu có được cảnh quay quần, chúc Tết qua lại như ở quê. Năm nay được về nhà, cảm giác lạ lẫm lắm", anh Kha xúc động. 

Sợ ngủ quên, không kịp chuyến bay, gia đình anh đã xin ngủ nhờ nhà em gái ở gần trung tâm thành phố. Đồng hồ điểm 5h30, anh Kha cùng vợ con nhờ người thân chở ra sân bay Tân Sơn Nhất, để kịp đến trước giờ khởi hành. Gia đình anh Kha là một trong 4.160 lao động nghèo, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tặng vé Tết về quê.

21 năm kể từ ngày rời Nghệ An, anh Kha đã quên mất vị khoai ngọt lịm, hương trà ngon đêm giao thừa mà mẹ pha cho. Mỗi năm Tết đến, anh và vợ cũng mua bánh, mứt rồi trưng bày đơn sơ tại căn trọ. Ba mẹ ở quê nay đã ngoài 70 tuổi, năm nào cũng hỏi một câu "có về không con". Anh Kha cũng chỉ ngại ngần, lảng sang chuyện khác. 

Năm nay đặc biệt hơn, anh Kha may mắn nhận được vé máy bay miễn phí, nên lật đật gọi điện báo tin. Ba mẹ anh ở đầu dây bên kia hét lớn "thằng Tư năm nay có về". 

"Ông bà nghe tin nên vui lắm, vì chỉ chờ dịp này để gặp con cháu. Con tôi năm nay đứa đầu 19 tuổi, đứa nhỏ 13 tuổi, vậy mà ông bà nội mới gặp cháu có 3 lần. Ông bà tuyệt đối không cho mua gì về hết, nói chỉ cần về thôi, tiền xe lên lại thành phố, cần thì ông bà cho luôn", anh Kha cười nói.

"21 năm, Tết nay thằng Tư về"

Ngày trước, nhà anh Kha rất nghèo. Ba mẹ làm nghề nông, lấy công làm lãi nuôi 8 đứa con, Kha và anh chị em trong nhà lớn lên nhờ tình thương của ba mẹ và những nồi khoai trừ cơm. Anh Kha kể, có những hôm khổ đến mức không có cơm, anh phải đi nhặt bí, pha với cháo loãng ăn qua ngày. Lớn lên, anh em đi tứ xứ, rời mảnh đất "cày lên sỏi đá" để tìm cuộc sống tốt hơn.

Chuyến hồi hương đẫm lệ của anh bảo vệ 21 năm khát... mùi Tết quê - 3
Chuyến hồi hương đẫm lệ của anh bảo vệ 21 năm khát... mùi Tết quê - 4

Năm 1999, anh Kha từ Nghệ An đến TPHCM, mang theo bao mơ ước đổi đời của chàng trai 20 tuổi. Thế nhưng, vì thi trượt Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM, anh xin đi làm phụ hồ, bốc vác kiếm tiền. 

Không lâu sau, anh vào làm công nhân cho công ty gỗ trên địa bàn. Anh Kha nhớ như in, khoản tiền lương đầu tiên anh nhận được là 626.000 đồng. Sau đó, anh chuyển sang làm bảo vệ với mức lương hơn 5 triệu đồng. Ngày qua ngày, anh cưới vợ, sinh con, rồi quên cả những mộng mơ ban đầu. 

"Định lên thành phố đổi đời, nhưng giờ thấy cuộc sống vẫn không khấm khá hơn mấy. Tôi cũng muốn trở về quê, kiếm gì làm để gần ba mẹ. Nhưng con cái học hành, cuộc sống trên này cũng dần quen, tôi không biết bản thân đã sẵn sàng rời khỏi quê hương thứ 2 này chưa", anh nói như tự sự.  

Kể chuyện chưa dứt, anh Kha ho sặc sụa. Cứ nói khoảng 2, 3 câu, cơn ho lại kéo đến. Anh Kha bộc bạch, anh bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, suy thận giai đoạn 3. Căn bệnh này được phát hiện năm ngoái, sau 23 ngày anh giành giật sự sống ở bệnh viện dã chiến đợt dịch Covid-19. 

"Lúc đó tôi tưởng không qua khỏi, ngờ đâu lại sống được. Nghĩ cuộc sống bình yên rồi, đâu ngờ phát hiện bệnh còn nặng hơn. Nói nửa đùa nửa thật, chứ không biết tôi sống được tới khi nào. Gia đình cũng đã chuẩn bị tinh thần cả rồi", anh Kha nghẹn ngào. 

Chuyến hồi hương đẫm lệ của anh bảo vệ 21 năm khát... mùi Tết quê - 5
Chuyến hồi hương đẫm lệ của anh bảo vệ 21 năm khát... mùi Tết quê - 6

Từ ngày bị bệnh, anh Kha làm việc bữa được, bữa không. Chỉ hôm có đi làm thì mới có tiền công, tổng thu nhập giảm đáng kể. Mỗi tháng, ngoài những khoản chi sinh hoạt, anh còn phải trả hơn 21 triệu đồng để chữa bệnh. Ba mẹ, anh chị em vun vén, gửi tiền cho anh chạy chữa, trang trải cuộc sống.

Thương ba, hai đứa con, anh Kha cũng giành làm hết việc nặng trong nhà. Biết gia đình khó khăn, con đầu đang học đại học năm 2 đã biết đi làm thêm kiếm tiền phụ ba mẹ. 

Vừa xin nghỉ Tết hôm 23 tháng Chạp, anh Kha nhận tháng lương cuối và tiền thưởng 3,6 triệu đồng. Số tiền này anh định bụng mang về quê biếu ba mẹ, mua thêm chút mứt Tết cho gia đình. 

Nghe thông báo chuyến bay đến Cảng hàng không Đồng Hới sắp khởi hành, gia đình anh Kha lật đật, khấp khởi kéo hành lý, lên ga đi nội địa. Nhìn hàng nghìn người cũng tranh thủ làm thủ tục, lên máy bay về quê giống mình, anh Kha chợt thấy khóe mắt cay cay.

Cả nhà không ai bảo ai, cùng ngoái lại nhìn Sài Gòn, nơi đã nuôi lớn bao ước mơ, hi vọng của mỗi người. Qua Tết, anh chưa biết sẽ gắn bó với nơi đây đến bao giờ. Nhưng trước mắt, anh Kha muốn có một cái Tết đoàn viên đúng nghĩa bên gia đình, sau 21 năm. Còn lại, anh hứa gọn, hứa rằng năm sau sẽ cố gắng nhiều hơn, để 21 năm qua không là vô nghĩa. 

Những chuyến trở về đầy nhân văn

Trong sáng 18/1 diễn ra lễ tiễn 500 trong số hơn 4.000 sinh viên, công nhân trong chương trình "Mang Tết Về Nhà 2023" lên chuyến xe, chuyến bay về quê ăn Tết.

Chương trình do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp cùng nhà tài trợ tổ chức, dành cho đối tượng công dân Việt Nam tại Nhật Bản, sinh viên, thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Chuyến hồi hương đẫm lệ của anh bảo vệ 21 năm khát... mùi Tết quê - 7
Chuyến hồi hương đẫm lệ của anh bảo vệ 21 năm khát... mùi Tết quê - 8

Theo ông Ngô Văn Cương (Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn), chương trình "Mang Tết về nhà" năm 2023 dành tặng 560 vé máy bay khứ hồi (trong đó có 360 vé nội địa và 196 vé quốc tế), 3.600 vé xe ô tô khứ hồi và các phần quà ý nghĩa cho đối tượng sinh viên, thanh niên, công nhân, người lao động xa nhà có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết.

Qua chương trình, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh mong muốn tiếp tục lan tỏa rộng rãi trong xã hội thông điệp "không để ai bị bỏ lại phía sau" và giá trị cao đẹp "lá lành đùm lá rách" của dân tộc. Từ đó, các cấp bộ đoàn, các tổ chức trong xã hội sẽ tiếp tục có thêm nhiều hoạt động ý nghĩa, đồng hành với thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

"Thông qua các hoạt động hỗ trợ, hi vọng sẽ góp phần tạo thêm động lực để các bạn thanh niên, sinh viên tiếp tục nỗ lực vươn lên trong học tập, lao động sản xuất, cùng chung tay vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước", ông Ngô Văn Cương nói.

Chuyến hồi hương đẫm lệ của anh bảo vệ 21 năm khát... mùi Tết quê - 9
Chuyến hồi hương đẫm lệ của anh bảo vệ 21 năm khát... mùi Tết quê - 10

Phát biểu tại lễ tiễn, ông Nguyễn Minh Triết (Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam) nhận định: "Tôi tin tưởng rằng, những tình cảm tốt đẹp này sẽ là động lực giúp các bạn sinh viên học tập tốt hơn, giúp các bạn thanh niên công nhân lao động hăng say hơn để tất cả chúng ta cùng góp phần xây dựng, khôi phục và phát triển mạnh mẽ nền kinh tế của cả nước". 

Sau gần 1 tháng triển khai (từ ngày 22/1 - 20/12), chương trình đã nhận được 13.603 hồ sơ trực tuyến đăng ký tham gia và 4.502 hồ sơ từ các tỉnh, thành Đoàn thông qua biểu mẫu. Những chiếc vé được trao tận tay 1.021 sinh viên, 3.135 thanh niên công nhân và người lao động. Qua đó, 1 chuyến bay quốc tế từ Nhật Bản về Việt Nam 2 chuyến bay nội địa từ TPHCM đi Hà Nội, Quảng Bình và 80 chuyến xe ô tô từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai về các tỉnh miền Trung, miền Bắc đã được tổ chức.

Nguyễn Vy