Đồng Tháp:Bí quyết cho ốc "ngủ gác bếp" liền 3 tháng, thu lãi hàng trăm triệu đồngBảo Kỳ Thứ hai, 10/10/2022 - 06:30 (Dân trí) - Không cần gác trên bếp hun khói, anh Lê Hồng Lâm (39 tuổi, ngụ tại TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) vẫn làm cho con ốc "ngủ" được trên 3 tháng bằng cách xây phòng ngủ đặc biệt cho ốc.Bí quyết cho ốc "ngủ gác bếp" liền 3 tháng, thu lãi hàng trăm triệu đồng (Clip: Bảo Kỳ).Đang có công việc ổn định tại trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp, năm 2018 anh Lê Hồng Lâm (39 tuổi, ngụ tại TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) quyết định nghỉ việc về nhà sản xuất "ốc gác bếp" theo quy trình công nghiệp (Ảnh: Bảo Kỳ).Thông thường, để làm ốc gác bếp, sau khi sơ chế, ốc được cho vào giỏ treo trên giàn bếp 2-3 tháng rồi sử dụng để chế biến thành món ăn như luộc, hấp, xào... Tuy nhiên cách làm đó khiến con ốc dễ bị ám khói, kén người ăn (Ảnh: Bảo Kỳ).Với cách làm ốc gác bếp "không khói", anh Lâm vẫn sử dụng ốc lác làm nguyên liệu chính. Nguồn ốc được thu mua ở các vùng đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp hoặc Campuchia (Ảnh: Bảo Kỳ).Những con ốc được chọn phải tròn đều, không bị sứt mẻ vỏ, miệng ốc bằng. Bình quân 1 tấn ốc chỉ lựa ra 1/3 đủ tiêu chuẩn để làm "ốc gác bếp" (Ảnh: Bảo Kỳ).Ốc sau khi rửa sạch, để khô cho ráo nước rồi chuyển vào phòng kín... "ru ngủ". Thời gian ốc chuyển sang trạng thái từ động sang tĩnh khoảng một tuần. Lưu ý là khi xếp ốc không để chúng chồng lên nhau (Ảnh: Bảo Kỳ).Để ốc "ngủ", phòng ngủ cần duy trì nhiệt độ từ 35-37 độ, bên dưới lót rơm hút ẩm. Khi môi trường đủ khô ráo, ốc mới "ngủ" (Ảnh: Bảo Kỳ).Theo anh Lâm, để nghĩ ra cách làm ốc gác bếp "không khói", anh mất thời gian 3 năm mới thành công. Ban đầu anh sử dụng đất khô, trấu đến bao bố đậy cho ốc "ngủ". Tuy nhiên mỗi phương pháp đều có nhược điểm riêng vì giá thể ủ ốc chưa đảm bảo vệ sinh khiến chất lượng thịt ốc không đạt hoặc ốc dễ hao hụt. Sau thời gian mày mò, anh mới thông thạo được kỹ thuật hong khô "ốc gác bếp" trong phòng kín để con ốc tự rơi vào trạng thái "ngủ" (Ảnh: Bảo Kỳ).Sau một tuần ủ trong phòng kín, ốc đã chuyển sang trạng thái "ngủ". Lúc này, anh Lâm chuyển ốc sang kệ trong phòng mát cho ốc chuyển hóa năng lượng (Ảnh: Bảo Kỳ).Trong phòng mát, ốc ngủ đến 3 tháng. Phần dinh dưỡng từ đuôi ốc chuyển thành năng lượng để nuôi chúng sống trong thời gian "ngủ" triền miên. Phương pháp này giúp thịt ốc sạch, loại bỏ bùn dơ, tạp chất. Điều đặc biệt, vỏ ốc sẽ mỏng hơn sau nhiều tháng "ngủ" vùi (Ảnh: Bảo Kỳ).Giai đoạn cuối cùng trong quy trình làm ốc gác bếp của anh Lâm là chuyển sang phơi ốc trên giàn, giúp vỏ ốc lên màu sáng, bắt mắt hơn (Ảnh: Bảo Kỳ).Mỗi giỏ ốc trọng lượng 1kg có giá từ 200.000 đến 250.000 đồng (Ảnh: Bảo Kỳ).Chị Trương Thị Mỹ Phẩm (vợ anh Lâm) cho biết, mỗi tháng cơ sở làm "ốc gác bếp" của anh chị sản xuất khoảng 2 tấn, cung cấp qua cả kênh bán hàng trực tiếp lẫn trực tuyến. Ước tính doanh thu của cơ sở khoảng 100 triệu đồng/tháng (Ảnh: Bảo Kỳ).Ngoài thị trường trong nước, ốc gác bếp của vợ chồng anh Lâm còn xuất sang một số nước theo đường tiểu ngạch (Ảnh: Bảo Kỳ).
Đọc nhiều trong Lao động - Việc làmNuôi "vệ sĩ" diệt sâu cho bưởi, anh nông dân kiếm bộn tiền Cô giáo vùng cao khoe món quà 2 con cua, trò chúc cô "bò nhanh như con cua" Trồng "cây tỷ đô", cụ ông 75 tuổi có thu nhập khiến người trẻ nể phục Đề xuất trợ cấp một lần cho người nghỉ hưu chưa hưởng bảo hiểm thất nghiệp 74% nhân sự Việt cảm thấy thu nhập không đủ trang trải cuộc sống