(Dân trí) - Cứ mùa nước nổi, mỗi ngày, vợ chồng ông Lâm Thành Nhân lại vượt hơn 40km từ huyện Châu Phú (An Giang) đến kênh 13 thuộc xã Phú Hội đặt dớn bắt hàng chục kg cá linh, thu nhập hơn 1 triệu đồng.
Theo người dân An Giang, năm nay mùa nước nổi đến sớm hơn một tháng so với mọi năm, rơi vào khoảng tháng 7 đến tháng 11 (âm lịch). Mùa nước nổi không chỉ mang phù sa bồi tụ cho đồng ruộng mà còn đem về lượng cá tôm trù phú cho ngư dân miền Tây. Không ít ngư dân có thể kiếm vài chục triệu đồng khi mùa lũ về.
Xã Phú Hội, huyện An Phú, An Giang là một địa phương vừa tiếp giáp biên giới Campuchia vừa là vùng đầu nguồn, nơi thể hiện những nét đặc sắc của miền Tây mùa nước nổi. Hơn một tháng nay, từ lúc trời chưa sáng, rất nhiều ngư dân đã có mặt trên các cánh đồng, tất bật đánh bắt thủy sản, tạo nên khung cảnh mưu sinh nhộn nhịp.
PV Dân trí ghi lại những hoạt động đánh bắt phổ biến của người dân trong mùa nước nổi tại "rốn lũ" An Giang:
Ngoài đặt dớn, xà di, bà con vùng lũ còn có muôn kiểu cách bắt thủy sản độc đáo như lọp cua, tôm, đẩy côn, đẩy lưới, đặt trúm, xúc rận... Tạo nên bức tranh văn hóa miền Tây sông nước sống động, đa sắc màu.