Bị phạt 2 triệu đồng vì không đi tắm biển cùng công ty
(Dân trí) - Cho người lao động đi du lịch hằng năm đã được đưa vào chế độ phúc lợi của nhiều công ty. Song, không phải nhân viên nào cũng hứng thú với việc này và đã từng xảy ra những chuyện "dở khóc, dở cười".
Ai bị phạt 2 triệu đồng?
Để gắn kết các thành viên, nhiều công ty thường xuyên tổ chức những chuyến tham quan, du lịch cho toàn bộ nhân sự. Không ít công ty, doanh nghiệp đã đưa hẳn nội dung này vào chế độ phúc lợi để khuyến khích người lao động. Tuy nhiên, không ít lao động e dè, không muốn tham gia.
Chị P.H.L. làm việc tại một doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử ở Hưng Yên cho biết công ty cũng có những quy chế rất rõ ràng về chế độ phúc lợi cho người lao động hàng năm.
Năm nay, đơn vị của chị đã thông báo về chuyến du lịch và công bố lịch đăng ký với kinh phí 2 triệu đồng/người. Với trường hợp người lao động thai sản hoặc mang bầu không thể đi được sẽ được nhận số tiền trên.
"Những trường hợp đã đăng ký đi nhưng đến lịch đi thì con cái bị ốm, nhập viện, có giấy khám cũng sẽ được nhận số tiền 2 triệu đồng", chị L. cho biết.
Nhiều người lao động gần đến ngày đi chơi mà báo không đi được sẽ bị phạt 500.000 đồng. Ngoài ra, người lao động bỏ không tham gia, không báo trước sẽ bị phạt 2 triệu đồng.
Theo chị L., tuy đây là chế độ phúc lợi của công ty, song không phải nhân viên nào cũng hào hứng. Vì vậy, mỗi đơn vị cần có những quy định cụ thể, rõ ràng.
Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, Nghị định 145/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đã bổ sung một số trường hợp người lao động được nghỉ làm việc nhưng vẫn được hưởng nguyên lương: Ngày nghỉ hàng năm, ngày nghỉ hàng năm tăng thêm theo thâm niên; Ngày nghỉ, lễ, tết; Nghỉ việc riêng được hưởng lương...
Như vậy, Bộ Luật Lao động 2019 không có quy định cụ thể về "nội dung nghỉ mát, đi du lịch cho người lao động". Chế độ nghỉ mát, đi du lịch cho người lao động thường được quy định hoặc thể hiện thông qua nội quy, quy chế, hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở.
Điều 67, mục 2, Chương V về Đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể trong Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định cụ thể về các nội dung thương lượng tập thể.
Theo đó, ngoài chế độ tiền lương, thưởng, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi… cũng mở rộng thêm các nội dung khác được người lao động hoặc doanh nghiệp quan tâm như tiền nghỉ mát, du lịch; thăm hỏi ốm đau…
Như vậy, không có quy định yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải chi tiền cho lao động đi nghỉ mát, hoặc đi du lịch. Tuy nhiên, nếu vấn đề đã được đưa ra thương lượng tập thể, đưa vào thỏa ước lao động, có trong quy chế chi tiêu nội bộ thì doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện.
Cắt thưởng khi bán suất đi du lịch cùng cơ quan
Làm việc tại một công ty xuất khẩu trái cây ở Tây Ninh, anh Nguyễn Văn An cho biết, phần lớn lao động của chi nhánh rất hào hứng với việc đi du lịch, nghỉ mát hằng năm.
Những người không tham gia chuyến đi chủ yếu do sức khỏe không đảm bảo hoặc phát sinh công việc đột xuất. Tuy vậy, anh cũng gặp phải không ít trường hợp đồng nghiệp bán suất đi du lịch của mình.
"Công ty tôi từng có tiền lệ là một số nhân viên đăng ký nhưng không đi. Song, họ đã bán vé tour cho nhân viên khác để người thân họ mua. Sau khi bị phát hiện, lao động này đã bị kỷ luật và cắt mọi thưởng của năm đó", anh An chia sẻ.
Công ty anh làm việc có đi du lịch hàng năm, được đưa vào phúc lợi của công ty với quyết định và phụ lục kèm theo.
Những ngày đi du lịch người lao động được nghỉ nguyên lương. Kinh phí của doanh nghiệp và trích từ lợi nhuận khi kết thúc niên độ.
Theo anh An, công ty sẽ thông báo những thông tin chi tiết về chương trình du lịch trước đó 1-2 tháng. Sau khi lập xong danh sách đăng ký, sẽ trình lãnh đạo công ty duyệt.
"Đối với các trường hợp không đi, công ty yêu cầu cần có lý do. Với những lý do cá nhân không chính đáng và không được giám đốc phê duyệt thì coi như nhân viên đó từ bỏ quyền lợi", anh An nói.
Bên cạnh đó, các trường hợp có lý do như sức khỏe, chăm sóc người thân, yêu cầu công việc có thể làm việc tại nhà hoặc làm việc ở công ty thì sẽ được thêm 50% định mức, tối đa 2 triệu đồng.
Còn những người có lý do chính đáng không đi, nghỉ ở nhà sẽ hưởng nguyên lương, trừ ngày nghỉ hàng tuần.
"Các trường hợp đã đăng ký nhưng báo hủy thì tùy vào thời gian báo hủy sẽ bị phạt và truy thu giá vé đi du lịch", anh An cho biết thêm.
(Tên nhân vật thay đổi)