1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Băn khoăn điều kiện trúng tuyển "1 tuần làm quen" không lương

Hoài Nam

(Dân trí) - Được xác nhận trúng tuyển khi nộp hồ sơ, phỏng vấn nhưng Ngân băn khoăn khi thấy thêm yêu cầu thử việc kiểu "làm quen, gặp mặt" 1 tuần không lương.

Mới đây, chị Trần Thùy Ngân (ngụ ở Q.3, TPHCM) đã trúng tuyển vào một công sản xuất chương trình truyền hình với mức lương ban đầu 11 triệu đồng. Cô trúng tuyển sau vòng nộp hồ sơ và dự cuộc phỏng vấn trực tiếp của vị giám đốc trẻ. 

Sau khi nhận thông báo trúng tuyển, Ngân nhận được cuộc gọi ở bộ phận hành chính văn phòng. Người này trao đổi với Ngân, nhân viên mới sẽ làm quen với công việc, môi trường mới bằng cách làm việc 1 tuần không tính lương.

Tuần này sẽ không có trong hợp đồng lao động của hai bên. Sang ngày đầu tuần thứ 2, sẽ chính thức tính lương thử việc. 

Băn khoăn điều kiện trúng tuyển 1 tuần làm quen không lương - 1

(Ảnh minh họa)

Ngân không gánh áp lực về tiền bạc, một tuần không lương không phải là vấn đề lớn. Nhưng cô băn khoăn không hiểu lý do gì dù đã trúng tuyển nhưng thử việc lại không có lương? 

"Nhất là công ty không hề đề cập điều này trong thông báo tuyển dụng hay khi phỏng vấn", Ngân nói. 

Một trường hợp khác, bạn T.T.H, phỏng vấn làm kế toán tổng hợp tại một công ty. Giám đốc của công ty phỏng vấn, xác nhận H. trúng tuyển nhưng đưa ra điều kiện: Sẽ có một tuần thử việc không lương, được gọi là tuần học việc và làm quen. 

Nếu đạt thì sau đó, bạn H sẽ thử việc trong 2 tháng, với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Sau đó công ty sẽ đánh giá lại năng lực và quyết định mức lương chính thức. 

H. thấy công việc, mức lương, địa điểm làm việc khá phù hợp nhưng thắc mắc không biết có nên nhận việc với điều kiện như "tuần thử việc không lương" như vậy hay không? Cô cảm giác không thoải mái, phấn khởi với công việc nữa. 

Khi tình huống một số ứng viên gặp phải như trên được chia sẻ, rất nhiều người đã tư vấn, bày tỏ quan điểm. Hầu hết, số đông ý kiến cho rằng doanh nghiệp đã vi phạm quy định về lao động, ứng viên nên "dẹp ngay", tìm nơi khác. 

Đã làm việc, dù thử hay thật, một ngày hai một tháng cũng đều là công sức lao động, cần được trả lương. Người lao động cũng phải xăng xe, ăn uống, thử việc thì cũng phải làm việc chứ không phải chỉ lên ngồi chơi. 

Chưa kể, doanh nghiệp đã "chơi chưa đẹp" khi không thông tin ngay từ đầu để ứng viên biết trước để cân nhắc mà khi trúng tuyển, chuẩn bị vào làm rồi mới báo là rất mập mờ. 

Một số người đánh giá, sếp ở công ty này quá tính toán, chi li theo kiểu "ăn gian" ngày công của người lao động.

Bên cạnh đó, cũng có một vài người cho rằng ứng viên có thể cân nhắc nhiều yếu tố như năng lực bản thân, tìm hiểu kỹ về công việc, khả năng tài chính... 

Có thể xem đó là thời gian làm quen, tìm hiểu môi trường, công việc xem xét có hợp không để tiến đến cam kết lâu dài hơn.

Nếu ứng viên chấp nhận thử sức, cũng có thể đặt ra yêu cầu, nếu không hợp thì "chia tay không lương". Nhưng ngược lại, nếu phù hợp, khi thử việc chính thức công ty sẽ tính lương 1 tuần "gặp mặt" này?

"Bên mình cũng áp dụng quy định này. Mọi người có thể xem xét theo hướng tích cực hơn, cả hai bên giai đoạn đầu cần xem xét sự phù hợp của nhau, có thể tiếp tục không, nhất là gần đây, ứng viên vào làm rồi "bùng việc" rất nhiều", quản lý một công ty bày tỏ. 

Tuy nhiên, ông này cho biết, công ty mình thông báo ngay từ đầu cho ứng viên biết rõ "quy ước" này trước khi nộp hồ sơ, phỏng vấn. 

Lương thử việc ít nhất phải bằng 85% lương chính thức 

 Kể từ ngày 1/1/2021, Khi Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 có hiệu lực về thời gian thử việc quy định người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.

 Tiền lương trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận, nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.