Bị kỳ thị, nghỉ việc vì được sếp.... cưng như "trứng"
(Dân trí) - Nhiều người bỏ việc vì bị sếp "đì" hoặc ghét. Nhưng cũng có không ít người lại khổ sở vì được sếp cưng thái quá, thậm chí phải chọn cách nghỉ việc.
Quyền lực của "con cưng"
Sau gần 3 năm gắn bó, mới đây, Thúy Ngọc, nhân viên công ty truyền thông ở Thủ Đức, TPHCM quyết định nghỉ việc.
Công việc phù hợp với chuyên môn, đam mê, năng lực, thu nhập lại khá. Thuý Ngọc từng thầm nghĩ sẽ gắn bó với nơi này cho đến hết tuổi làm việc. Nhưng rồi, cô đành phải từ bỏ với lý do nếu nói ra, nhiều người thấy khó tin.
"Người ta nghỉ vì bị sếp "đì" hoặc ghét. Ngược lại, tôi thì phải nghỉ việc vì sếp cưng quá" - Ngọc than thở.
Từ khi mới vào làm, Ngọc và chị sếp lớn tuổi đã rất hợp "cạ" trên nhiều mặt như quan điểm sống, ăn mặc, ăn uống... Hai chị em trở nên thân thiết như một "cặp bài trùng" ở công ty.
Công việc chuyên môn cho đến các hoạt động giải trí, lúc nào sếp cũng gọi tên Ngọc đầu tiên. Cô trở thành nhân vật không thể thiếu trong các dự án, sự kiện quan trọng.
Thậm chí, có lúc sếp "gạt" người khác sang một bên để giành chỗ cho Ngọc. Điều này làm cô cũng rất ái ngại. Chính cô cũng thấy bất công với người khác.
Vì được sếp ưu ái, đồng nghiệp cũng trở nên kiêng nể và dè chừng với Ngọc. Có người kết thân với Ngọc với mục đích là được chút "thơm lây".
Nhiều vấn đề tranh luận trong công việc, đồng nghiệp thường chốt hạ: Ngọc kiểu gì chả đúng, việc nào "ngon" mà thoát nổi tay Ngọc.
Cho đến lần, chị đồng nghiệp lớn hơn Ngọc cả chục tuổi gây ra sự cố lớn, đon đả liên lạc, đến tận nhà Ngọc tặng quà nhờ vả cô em ra tay "cứu" giúp. Ngọc chợt hiểu: Mình không thể tiếp tục ở lại nơi này.
Không chỉ có câu chuyện của Thuý Ngọc, trường hợp Nguyễn Văn Tạo (29 tuổi) làm việc tại một tập đoàn điện tử cũng khốn khổ vì được sếp xem như "con cưng".
Việc nào khó hoặc không tiềm năng, sếp không bao giờ gọi Tạo. Nhưng dự án, khách hàng nào có cơ hội "phất" là ông kéo nhân viên "ruột" của mình tham gia bằng được.
Nhất là các chương trình đào tạo, nâng cao chuyên môn, không bao giờ... thoát khỏi tay Tạo. Nhiều người cùng bộ phận, cùng thâm niên chưa bao giờ được xét duyệt đi tham quan, học tập ở nước ngoài. Còn Tạo, hiếm chuyến nào không có trong danh sách. Nhiều khi anh tìm cớ từ chối mà không thoát.
Tạo kể: "Cuối năm ngoái, phòng mình có chương trình team building nhưng đến phút chót, tôi có việc gia đình đột xuất không tham gia được. Nào ngờ, Sếp yêu cầu hủy chuyến, đổi lịch, chấp nhận đền bù cho đơn vị tổ chức chỉ vì... chờ tôi".
Khó khẳng định năng lực
Được sếp nâng đỡ và dù có năng lực thật nhưng Tạo biết, ít người dám trung thực thừa nhận khả năng của mình.
Bất kỳ thành tích, hay sự thăng tiến nào của Tạo cứ như là hiển nhiên. Có người nói: "bạn không cần làm gì, cờ vẫn cứ đến tay". Anh có làm gì đi nữa cũng bị phủ nhận, tất cả đều được quy về... nhờ sếp mà có.
Lỗi của Tạo có lớn, sếp cũng hóa cho thành nhỏ, thành tích có khi chẳng bao nhiêu được thổi thành to đùng.
Chính Tạo cũng thấy bị lệ thuộc vào sếp. Ngược với cảm giác tự hào, Tạo lại thấy ức chế và ngột ngạt vô cùng.
Dù không ai nói ra, nhưng có một sự cô lập tập thể đối với anh. Nhiều khi anh chỉ muốn tự nhủ: "Xin sếp cưng em vừa thôi!".
Biết không thể kéo dài tình trạng này, mới đây, Tạo đã xin nghỉ việc, chuyển sang một công ty khác. Sếp gặp gỡ, hỏi mọi lý do nhưng Tạo cũng rất khó để thẳng ra được sự thật.
Thúy Ngọc cũng thừa nhận, được sếp cưng có nhiều lợi thế nhưng cũng có vô vàn nỗi khổ. Là "con cưng" của sếp rất khó được thừa nhận khả năng. Chưa kể cô lại rất dễ bị đồng nghiệp cô lập và coi như cái "gai" trong mắt nhiều người.
Với kinh nghiệm từng là nhân viên "con cưng", anh Lê Hồng Tuấn, trưởng phòng kỹ thuật doanh nghiệp sản xuất bao bì ở TPHCM thừa nhận, dù được sếp cưng những có nhiều bất lợi, sự nghi kỵ.
Hơn nữa, một khi đã trở thành ê kíp của sếp thì xác định: Sếp ra đi thì mình cũng khó có đường ở lại.
Giờ cũng ở vị trí quản lý, anh Tuấn rút kinh nghiệm dù có "hợp cạ" với ai cũng cần giữa giới hạn nhất định.
Bên ngoài, anh em có thể thân thiết qua lại. Nhưng trong việc, bạn trẻ cần có sự tỉnh táo, khách quan, không ưu ái thái quá để tránh gây khó xử cho chính người đó và tránh gây bất mãn cho nhân viên khác.
"Nhân viên cũng cần tỉnh táo, đừng cố lấy lòng sếp quá. Khi được lòng sếp cũng rất dễ lệ thuộc, phải "nương" theo sếp, được cưng quá lại thành... khó sống", anh Lê Hồng Tuấn.