Nhân sự trẻ không vui là "bye bye" sếp, người lớn không hiểu nổi
(Dân trí) - Nhiều quản lý và cả phụ huynh sẽ không khỏi sốc khi các bạn trẻ... rất dễ dàng bỏ việc, nhảy việc. Chỉ cần không vui là họ có thể "bye bye" sếp ngay lập tức.
Nhà tuyển dụng đau đầu
Chủ đề về công việc, nghề nghiệp của thế hệ trẻ được quan tâm diễn đàn "Đối thoại với Gen Z: Cá tính hay quái tính? Tự do và giới hạn" vừa diễn ra tại TPHCM.
Thế hệ Z, hay còn gọi là gen Z được dùng để chỉ các bạn trẻ và thanh thiếu niên sinh trong giai đoạn 1995 - 2012.
ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương, người sáng lập Học viện YES chia sẻ, rất nhiều nhà tuyển dụng, phụ huynh và chính bản thân bà trước đây từng không hiểu nổi về nhân sự trẻ. Chỉ vài câu nặng lời của sếp thôi, hôm sau là họ có thể "bye bye" sếp luôn rồi.
Các bạn gen Z đang và sẽ là lực lượng lao động chính nhưng theo bà Uyên Phương, các nhà tuyển dụng đang cực kỳ khó khăn khi làm việc với thế hệ này.
Không ít vị phụ huynh cũng sốc, khi con mình ra trường, tìm được
"Nếu trước đây, khi đi làm, thế hệ trước thường nghĩ làm sao để giống mọi người. Còn bây giờ, các bạn trẻ sẽ hỏi: Có nên giống mọi người không? Giống thì "bay màu"...", CEO Thi Anh Đào.
công việc "ngon lành", thu nhập ổn. Bất ngờ một ngày, con báo nghỉ việc.
Thế nên, chúng ta dễ dàng gặp nhiều ý kiến than vãn, các bạn trẻ bây giờ sống và làm việc theo bản năng, thiếu kiên trì, nỗ lực, thiếu kỷ luật...
Tuy nhiên, ThS Trần Đình Dũng, người có hơn 20 năm làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia trong và ngoài nước không cho rằng người trẻ làm việc theo bản năng. Xuất phát từ việc các bạn trẻ rất nhanh, giải quyết nhanh, tư duy nhanh... Họ không nghĩ quá dài, quá sâu. Không thích giải thích và cũng không nghĩ xa đến hậu quả.
CEO Isobar Thi Anh Đào cho hay: "Các bạn bây giờ không có khái niệm, tôi chịu đựng công việc rất cực khổ để kiếm tiền, để cuối tuần hay vài tháng đi du lịch một lần".
Đi vào công việc mà không vui, họ sẽ nghỉ, các bạn thấy không đáng để mình bị tra tấn cảm xúc mỗi ngày. Nhiều người sẽ tưởng các bạn dễ đổ vỡ, mong manh.
"Thật ra, đây là điều rất chính đáng. Các bạn nhìn sâu hơn thế hệ trước, nhìn được tận cùng mục tiêu sống để làm gì, sống để hạnh phúc, sống không phải chỉ để kiếm tiền", bà Anh Đào nhấn mạnh.
Sếp cũng cần... điều chỉnh
Các bạn trẻ hiện nay tìm đến công việc, công việc đó phải giúp các bạn phải phát triển, mỗi ngày phải thấy hạnh phúc. Theo bà Thi Anh Đào, đây cũng chính là điều những người làm nhân sự nói hàng ngày nhưng thế hệ trước thường chúng ta chấp nhận hy sinh, cam chịu, không dám đánh đổi.
Bà Thi Anh Đào đánh giá, gen Z có rất nhiều lợi thế như nhanh, đẹp về hình thể lẫn tư duy, có khả năng giao tiếp tiếp tốt... Nhưng lợi thế nào mà quá thì cũng có thể trở thành hạn chế.
Điều này, rất cần một hệ thống hỗ trợ các bạn, những quyết định nào cần nhanh và những quyết định nào cần chậm, không sẽ có sự nhầm lẫn.
Theo bà Đào, hiểu được đặc tính của gen Z, làm việc với các chính những người sếp cũng cần có sự điều chỉnh để phát huy được lợi thế của các bạn. Đây là một thế hệ cần sự động viên, nhìn vào thế mạnh của họ.
Như bản thân bà, làm việc với các bạn trẻ, không dám la, không dám nói "Em có điên không?" như trước.
Theo bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, với tác động của thời đại, xã hội, hoàn cảnh... gen Z có những đặc điểm rất khác biệt. Bố mẹ trong giáo dục con hay nhà tuyển dụng, sử dụng nhân sự, cần có sự "giải mã" hiểu họ.
Họ có những kỳ vọng về môi trường làm việc mà trong mắt nhà tuyển dụng là rất phi thực tế. Có thể trong tương lai, công việc ngày 8 tiếng ở công sở có thể đã không còn phù hợp. Đặc biệt áp lực được công nhận, nổi bật của gen Z cực kỳ lớn.
Đây được xem là thế hệ số, các bạn có thể vài ngày không tắm, không chú trọng nhịp ăn uống nhưng không thể rời điện thoại. Thế nhưng bà Uyên Phương cho biết, nhu cầu kết nối, tương tác giữa người với người của các bạn rất cao.
"Nhiều người tưởng rằng mọi vấn đề với gen Z cần được giải quyết qua Email, điện thoại... Nhưng thật ra, trong cuộc sống, công việc hãy trao đổi, trò chuyện trực tiếp với các bạn mới là hiệu quả", bà Phương lưu ý.