Bình Định:
Vụ tàu vỏ thép 67 hư hỏng: Đăng kiểm viên không biết máy thật hay máy dỏm?
(Dân trí) - Trước các ngư dân có tàu vỏ thép bị hư hỏng, ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá, Tổng cục Thủy sản thừa nhận trong quá trình giám sát, kiểm định viên có sai sót. “Cơ quan đăng kiểm có những sai sót trong vấn đề liên quan đến kiểm tra thì chúng tôi nhận trách nhiệm. Còn liên quan đến tất cả vấn đề khác thì trách nhiệm của Bộ và Tổng cục”.
Đăng kiểm viên yếu năng lực?
Chiều 22/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp “Công bố kết quả kiểm tra sơ bộ của Tổ thẩm định tàu vỏ thép 67 hư hỏng” theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định.
Kết quả sơ bộ của Tổ thẩm định độc lập cho thấy, 5 tàu cá do Công ty Đại Nguyên Dương đóng thép xuất xứ từ Trung Quốc, 12 tàu cá do Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) đóng có nguồn gốc xuất xứ Hàn Quốc. Điều đáng nói, từ máy chính đến máy phụ nhiều tàu có vấn đề, thậm chí có máy phụ do Trung Quốc sản xuất (CO ghi máy lắp ráp tại Singapore). Trong 12 tàu bị rỉ sét thì 5 tàu có phần vỏ tàu, mặt boong, cabin, trang thiết bị rỉ sét nặng, bong tróc, xuống cấp trầm trọng.
Rất nhiều ý kiến cho rằng để xảy ra hàng loạt tàu vỏ thép hư hỏng, trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm rất quan trọng.
Về vấn đề này, ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản), lý giải: “Qua quá trình kiểm tra, khi lắp đặt và chạy thử thì máy vẫn hoạt động bình thường. Nhưng rõ ràng ở đây có những sai sót của cán bộ kiểm tra chưa giám sát kỹ được toàn bộ những phần liên quan đến thực tế máy móc có hay không có trục trặc. Do đó, mà có việc liên quan đến máy có những chế tạo, rồi việc làm giả rất tinh vi mà đăng kiểm viên không xác định được. Tới đây, chúng tôi sẽ kiểm điểm rất rõ trong quy trình, cách thức thực hiện của đăng kiểm viên, đồng thời xem xét nhằm nâng cao năng lực của đăng kiểm viên”.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc cơ quan đăng kiểm có liên đới chịu trách nhiệm với các cơ sở đóng tàu để đền bù cho dân trong việc để xảy ra sự cố hàng loạt tàu hư hỏng. Về vấn đề này, ông Đức nói: “Cơ quan đăng kiểm có những sai sót trong vấn đề liên quan đến kiểm tra thì chúng tôi nhận trách nhiệm. Còn liên quan đến tất cả vấn đề khác thì trách nhiệm của Bộ và Tổng cục”.
Đề cập về vấn đề, có hay không trong quá trình giám sát xảy ra vấn đề tiêu cực, dẫn đến nhiều tàu vỏ thép bị hư hỏng?, ông Đức khẳng định đến nay cơ quan chưa phát hiện ra tiêu cực.
Cơ sở đóng tàu “mất hút”?
Để khắc phục, giải quyết những vấn đề trên, Tổ công tác đề xuất Công ty TNHH MTV Nam Triệu thay mới toàn bộ 10 máy chính không đồng bộ, thay mới máy chính Doosan cho ông Trần Đình Sơn.
Bổ sung các tài liệu chứng minh về sự khác biệt ký hiệu máy giữa hồ sơ (4V222TIM) và thực tế (4VV222TIM) của 3 máy chính hiệu Doosan; khắc phục và sửa chữa các máy phụ bị hư hỏng.
Bình Định: Vụ tàu vỏ thép hư hỏng: Ngư dân yêu cầu thay máy mới
Đối với phần vỏ tàu, đề nghị Công ty TNHH MTV Nam Triệu, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương làm sạch bề mặt và sơn lại một phần hoặc toàn bộ tàu theo đúng quy trình bảo dưỡng tàu vỏ thép đối với các tàu gỉ sét.
Nếu các tàu kiểm tra các phần tôn vỏ không đạt thép cấp A thì kiểm tra và đánh giá lại toàn tàu, thay thế lại các phần tôn vỏ không đạt thép cấp A. Các vỏ tàu đã thay thế thép Trung Quốc nhưng đảm bảo thép cấp A, nếu giữa chủ tàu và cơ sở đồng ý thì cơ sở đóng tàu phải trả lại chênh lệch giá thép Hàn Quốc hoặc Nhật Bản so với thép Trung Quốc cho chủ tàu.
Đối với phần trang thiết bị hàng hải, đề nghị Công ty TNHH MTV Nam Triệu, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương sữa chữa hoặc làm mới hệ thống hầm bảo quản bị hư hỏng do không thoát nước và kiểm tra gỉ sét lớp vỏ bên trong vỏ tàu của phần hầm bảo quản theo đúng quy chuẩn; Thay mới hệ thống điện khai thác cho 3 tàu theo đúng hợp đồng ký kết.
Đối với máy dò ngang Sonar có giá trị cao từ 1,4 tỷ đồng trở lên và là một thiết bị quan trọng trong việc dò tìm cá ảnh hưởng lớn đến hiệu quả khai thác nên các đơn vị lắp đặt và bảo hành cần phải sửa chữa kịp thời các thiết bị trên. Kiểm tra, thay mới và sửa chữa cho hai chủ tàu có hệ thống đầu dò bị hỏng và thay mới màn hình đồng bộ cho máy Sonar MAQ đã bị đổi màn hình vi tính thông thường.
Công ty TNHH MTV Nam Triệu, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cần cung cấp đầy đủ các tài liệu vận hành, sử dụng: vỏ tàu, máy tàu, trang thiết bị hàng hải, khai thác và các điều khoản bảo hành rõ ràng cho từng chủ tàu.
Ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu, một lần nữa cam kết với ngư dân và địa phương sẽ sớm khắc phục sự cố các tàu hư hỏng.
Trả lời tại buổi họp, ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu, cam kết với chính quyền địa phương và các chủ tàu sẽ sớm thay thế 10 chiếc máy thủy không phù hợp đã gắn trên tàu của ngư dân Bình Định. Đồng thời, thay thế các trang thiết bị không phù hợp, sơn sửa lại tàu cho ngư dân trong thời gian sớm nhất.
Trong khi đó, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương “mất hút” không tham gia buổi họp.
Doãn Công