1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bình Định:

Vụ tàu 67 hư hỏng: Có trách nhiệm của Trung tâm đăng kiểm?

(Dân trí) - Việc hàng loạt tàu 67 hư hỏng tại Bình Định có phần trách nhiệm của Trung tâm đăng kiểm (thuộc Tổng cục thủy sản). Sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ đưa ra hình thức kiểm điểm và chấn chỉnh lại hoạt động của cơ quan này”- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nói.

Trách nhiệm chính thuộc về 2 cơ sở đóng tàu

Trao đổi với báo chí tại Hội nghị Chuyên đề đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/CP về một số chính sách phát triển thủy sản vừa diễn ra tại TP Quy Nhơn (Bình Định), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng, việc để xảy ra tình trạng hàng loạt tàu 67 hư hỏng tại Bình Định có trách nhiệm của Trung tâm đăng kiểm, thuộc Tổng cục Thủy sản. Sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ đưa ra hình thức kiểm điểm và chấn chỉnh lại hoạt động của cơ quan này.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng trách nhiệm quan trọng và cuối cùng thuộc về 2 cơ sở đóng tàu có tàu hư hỏng
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng trách nhiệm quan trọng và cuối cùng thuộc về 2 cơ sở đóng tàu có tàu hư hỏng

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, trong 18 con tàu vỏ thép gặp trục trặc tại Bình Định thì địa phương này đã thành lập Tổ thẩm định độc lập để xác định lỗi của các con tàu, chỉ ra các nguyên nhân và trách nhiệm của các bên. Tuy nhiên, việc để xảy ra tình trạng hàng loạt tàu 67 hư hỏng tại Bình Định thì trách nhiệm quan trọng và cuối cùng thuộc về các cơ sở đóng tàu. Cụ thể, ở đây là 2 công ty TNHH Đại Nguyên Dương và công ty TNHH MTV Nam Triệu.

Thứ trưởng Tám nói: “Sau khi Tổ thẩm định có kết luận thì những tàu có sự cố về vỏ thép đóng không đúng như hợp đồng cam kết với ngư dân thì trách nhiệm của cơ sở đóng tàu phải khắc phục. Thậm chí, thay vỏ thép cho đúng hợp đồng nếu không sẽ chịu phạt theo hợp đồng".

"Theo quy định của NĐ 67 thì tất cả những tàu đóng mới đều phải được trang bị máy thủy, nguyên chiếc. Vì vậy, trong số 18 con tàu này, Tổ thẩm định có kết quả những tàu nào không phải máy thủy nguyên chiếc của nhà cung cấp chính hãng thì phải thay máy, chứ không có chuyện sửa máy. Các lỗi khác nhau thì chủ tàu và cơ sở đóng tàu phải cùng nhau khắc phục”- Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định.

Sẽ kiểm điểm, chấn chỉnh Trung tâm đăng kiểm

Theo ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, hiện tỉnh có 18 tàu cá vỏ thép do 2 đơn vị đóng tàu là Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu thực hiện. Đối với 5 tàu cá vỏ thép đóng tại Cty TNHH Đại Nguyên Dương có tình trạng lớp sơn ở vỏ tàu bị bong tróc; làm cho vỏ tàu, mặt boong, cabin, phần van ống bị rỉ sét, hầm bảo quản thoát nước kém, bị thay đổi thiết kế. Trong số 12 con tàu cá do Cty TNHH MTV Nam Triệu đóng có 1 số tàu bị gỉ sét phần thân, vỏ tàu, hà bám nhiều. Trong đó, có 4 tàu bị hư hỏng 1 số bộ phận của máy chính và máy phát điện, hầm bảo quản bị tiêu đá nhiều.

Phát hiện nhiều máy tàu không chính hãng theo hợp đồng với ngư dân
Phát hiện nhiều máy tàu không chính hãng theo hợp đồng với ngư dân

“Vụ việc vừa qua là sự cố đáng tiếc, đây là sự thiếu trách nhiệm của cơ sở đóng tàu. Sau khi có kết quả và chờ ý kiến của tổ thẩm định, chắc chắn UBND tỉnh sẽ yêu cầu cơ quan có chức năng cao hơn làm rõ những vấn đề này”- ông Châu cho hay.

Trong khi đó, đề cập đến trách nhiệm của Trung tâm đăng kiểm trong việc kiểm định chất lượng từng con tàu vỏ thép bị hỏng tại Bình Định, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho hay: “Để đóng 1 con tàu cũng như giám sát toàn bộ quy trình thì liên quan rất nhiều đơn vị, trong đó có quản lý nhà nước. Trong quản lý nhà nước có cơ quan đăng kiểm mà cụ thể ở đây là gần 300 con tàu vỏ thép hoàn toàn do Trung tâm đăng kiểm của Trung ương, thuộc Tổng cục thủy sản chịu trách nhiệm".

"Chúng tôi thấy rằng, vụ việc này có trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ rà soát, chấn chỉnh và kiểm điểm đối với cơ quan này”, ông Tám nêu rõ.

Tự ý thay thép Hàn Quốc/Nhật Bản bằng tôn (thép) Trung Quốc dẫn đến tàu rỉ sét nghiêm trọng
Tự ý thay thép Hàn Quốc/Nhật Bản bằng tôn (thép) Trung Quốc dẫn đến tàu rỉ sét nghiêm trọng

Để không còn tình trạng này lặp lại, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng: “Đây là bài học thấm thía không những đối với Trung ương mà còn cả địa phương, cơ sở đóng tàu cũng như chủ tàu. Điều này cần phải khắc phục sớm để đảm bảo chính sách 67 của Đảng và Nhà nước đến được với ngư dân. Đồng thời, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển hiệu quả và thực hiện theo chủ trương tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng hiện đại, phát triển bền vững”.

Doãn Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm