Vì sao lãi suất cho vay "chỉ giảm trên ti vi"?
(Dân trí) - Giảm trần lãi suất huy động và điều hành được cho là cơ sở để giảm lãi vay, từ đó tăng cung tiền ra nền kinh tế. Dù thế, chuyên gia cho rằng việc giảm lãi suất cho vay cần có độ trễ nhất định.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng phương tiện thanh toán (M2) đến hết tháng 2 năm nay đạt hơn 14,27 triệu tỷ đồng. So với cuối năm 2022, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 0,32% - mức thấp kỷ lục nếu tính theo tháng 2.
Tăng trưởng cung tiền năm 2022 trước đó cũng đã bắt đầu ghi nhận mức giảm khi chỉ tăng một chữ số (6,15%).
Tổng phương tiện thanh toán còn được gọi là cung tiền của nền kinh tế, là chỉ số quan trọng để Ngân hàng Nhà nước kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ. Thông thường, mức cung tiền tăng so với cầu tiền thì lãi suất giảm và ngược lại nếu cung tiền giảm so với cầu thì lãi suất tăng. Nhà điều hành tiền tệ có thể triển khai các công cụ để kiểm soát cung tiền thông qua giảm lãi suất liên ngân hàng, nới room tín dụng, mua vào trái phiếu, dự trữ ngoại tệ…
Các số liệu của nhà điều hành đều cho thấy cung tiền đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, việc giảm trần lãi suất huy động và điều hành mới đây của Ngân hàng Nhà nước lại tạo đà giúp cung tiền tăng trở lại.
Theo đó, từ ngày 25/5, lãi suất điều hành điều chỉnh lần thứ 3, với mức giảm 0,5 điểm %.
Ngân hàng rục rịch giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay cần có độ trễ
Theo các chuyên gia, giảm lãi suất điều hành là tín hiệu tích cực với nền kinh tế, bởi điều này đồng nghĩa Ngân hàng Nhà nước phát thông điệp sẵn sàng bơm vốn ngắn hạn với lãi suất rẻ hơn cho hệ thống ngân hàng. Sự đảm bảo của cơ quan quản lý là tín hiệu định hướng cho các giao dịch trên thị trường liên ngân hàng.
Trước đó, sau 2 lần điều chỉnh lãi suất điều hành vào tháng 3 và tháng 4, lãi suất vay mượn giữa các nhà băng ở kỳ hạn ngắn đã giảm nhanh. Các ngân hàng thanh khoản hạn chế có thể đi vay từ những nhà băng lớn thừa vốn, với chi phí rẻ hơn trước.
Trần lãi suất huy động cũng được điều chỉnh giảm về 5%/năm. Đây là thứ 2 trần lãi suất hạ trong năm nay và là giải pháp giúp giảm ngay lãi suất huy động kỳ hạn ngắn.
Hôm 25/5, ngày đầu tiên áp dụng trần lãi suất mới, các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất huy động. Hầu hết đều giảm 0,5 điểm % tại các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng xuống mức trần là 5%/năm.
Nhiều ngân hàng còn giảm lãi suất cao nhất dành cho kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng xuống còn 4,5-4,8%/năm như, SeABank, LPBank, TPBank, BVBank…
Hay nhóm big 4 (4 ngân hàng có vốn Nhà nước), dù đã niêm yết dưới mức trần 5%/năm, vẫn tiếp tục giảm thêm 0,5 điểm % lãi suất huy động áp dụng cho các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng, xuống còn 4,1-4,6%/năm.
Còn với kỳ hạn dài, huy động từ 6 tháng trở lên - do ngân hàng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường và không bị áp trần lãi suất cũng được một số đơn vị giảm, với mức giảm thấp hơn, từ 0,3-0,4 điểm %. Trên thực tế, đây mới là nguồn vốn quan trọng của ngân hàng, giúp các nhà băng cạnh tranh trong việc hút tiền gửi.
*Biểu lãi suất huy động tại một số ngân hàng (Đơn vị: %/năm)
Ngân hàng | 1 tháng | 3 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
GP Bank | 5 | 5 | 8,3 | 8,5 |
VietABank | 5 | 5 | 8,3 | 8,5 |
ABBank | 5 | 5 | 8,2 | 8,3 |
NCB | 5 | 5 | 8,2 | 8,25 |
NamABank | 5 | 5 | 8,5 | 8,2 |
PVCombank | 5 | 5 | 7,7 | 8,2 |
VIB | 5 | 5 | 7,8 | 8,2 |
OCB | 4,8 | 4,95 | 8 | 8,1 |
BVBank | 5 | 5 | 7,7 | 8,1 |
Lãi suất đầu vào giảm, là cơ sở để hạ lãi vay, từ đó tăng cung tiền. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng lãi vay không thể giảm ngay mà cần có độ trễ để ngân hàng đảm bảo được thanh khoản.
Ông Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Vietnam - dự báo thời gian lãi vay giảm theo lãi điều hành phải mất 1-2 tháng.
Để giải quyết việc này, nhà điều hành tiền tệ cho biết sẽ tiếp tục có giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước họp riêng với lãnh đạo các ngân hàng thương mại, nhằm đặt ra yêu cầu giảm lãi suất cho vay, đặc biệt với các khách hàng cũ.
Hàng loạt ngân hàng thương mại cũng dự kiến giảm 0,3-0,5 điểm % lãi suất cho vay với tất cả khách hàng, dự kiến áp dụng từ 29/5.
Ông Lê Quang Vinh - Phó tổng giám đốc Vietcombank - cho biết sẽ khẩn trương triển khai đợt giảm lãi suất để đảm bảo đáp ứng đúng nhu cầu của nền kinh tế, người dân, cũng như hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển chung. Từ đầu năm, nhà băng này cũng đã 2 lần hạ lãi suất.
Ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc MB - thông tin nhà băng này sẽ tiếp tục có những chính sách mới để hỗ trợ khách hàng trong thời gian tới. Vị này cho rằng đây là thời điểm thích hợp để các ngân hàng hạ lãi suất huy động và từ đó tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Trong bối cảnh thị trường đang hấp thu vốn yếu, tăng trưởng kinh tế khó khăn, việc giảm lãi suất điều hành sẽ giảm được nhiều khó khăn cho khách hàng và các ngân hàng.
Tương tự, ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank - nhận định động thái giảm lãi suất điều hành vừa qua đã gửi tín hiệu đến thị trường cho thấy nhà điều hành mong muốn lãi suất thị trường hạ xuống. Vị này nói chỉ khi các mức lãi suất trên thị trường giảm, chi phí vốn hạ thì các ngân hàng mới có khả năng điều chỉnh lãi suất cho vay.
Các điều kiện để giảm lãi suất
Khi tăng cung tiền, lãi suất sẽ giảm, nhưng tỷ giá hối đoái sẽ tăng lên. Lãi suất, cung tiền và tỷ giá, vốn là bộ 3 bất khả thi.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - trước đây, nhà điều hành sợ giảm lãi suất do tăng cung tiền sẽ ảnh hưởng đến lạm phát. Tuy nhiên, ông cho rằng sức ép tỷ giá hối đoái bên ngoài nhìn từ đồng USD không còn lớn như trước đây. Nguyên nhân do sản xuất kinh doanh của Mỹ đang gặp khó khăn và bản thân nước này "không muốn đồng USD quá mạnh".
Chưa kể, bất lợi từ xung đột Nga - Ukraine đã khiến uy tín của đồng USD giảm sút khi các nước tham gia vào xu hướng thanh toán bằng đồng nội tệ. Ông cho rằng, về dài hạn, đồng USD sẽ yếu đi chứ không mạnh nên không lo tỷ giá hối đoái có thể tăng. Điều này giúp kiểm soát được lãi suất.
Nhiều biện pháp "bơm" tiền ra nền kinh tế từng được giới chuyên gia đề cập trước việc tăng trưởng cung tiền quá thấp. Đơn cử, giải pháp nới room tín dụng được đưa ra. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), mức room định hướng cho năm nay lên tới 14%. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay hạn chế - trái ngược hẳn diễn biến năm ngoái. "Tín dụng không chảy không phải vì room mà do doanh nghiệp, người dân không có nhu cầu vay", ông nói.
Hay như việc xem xét tỷ lệ dự trữ bắt buộc để giảm lãi suất cũng được đưa ra. Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Nghĩa, tỷ lệ này ở Việt Nam vốn tương đối thấp so với mức ở Mỹ là 10% hay Trung Quốc xấp xỉ 10%. "Không cần thiết phải hạ vì các ngân hàng vốn không thiếu thanh khoản, chỉ là không thể cho vay", ông nói dù giảm tỷ lệ này cũng không giúp tiền "chảy" ra ngoài.
Nếu muốn "bơm" tiền, Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng nghiệp vụ trên thị trường mở, mua vào giấy tờ có giá, trái phiếu Chính phủ, dự trữ ngoại tệ hoặc cho vay trên thị trường liên ngân hàng, tái cấp vốn… Còn hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc được ông Nghĩa ví như sử dụng "máy bơm công suất lớn", chưa cần thiết.
Các chuyên gia nhìn thấy cơ hội cho một đợt điều chỉnh cuối năm. Ông Đặng Trần Phục - Chủ tịch Azfin Việt Nam, chỉ ra lạm phát tiêu dùng trong tháng 4/2023 của Mỹ đã tăng 4,9%, trong khi con số này của Việt Nam là 2,81% - mức chênh lớn. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm lên tới 3,7% còn lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam ở mức 3,1%. Lãi suất điều hành của Mỹ cao hơn Việt Nam nhưng lãi suất tiền gửi và cho vay ra của Việt Nam lại cao hơn Mỹ. "Sự bất cân đối này khiến vẫn còn dư địa cho việc giảm lãi suất và cho vay ra", ông Phục nói.
Ông Nguyễn Đức Độ cho rằng lãi suất điều hành có thể sẽ hạ về bằng mức thời Covid-19, xuống thêm 0,5-1 điểm %. Tuy nhiên, quá trình đó không diễn ra trong một vài ngày hay một vài tuần mà có thể trong nửa cuối năm.
Theo ông Phục, quý đầu năm, biên lãi thuần (NIM) toàn ngành ngân hàng ở mức 3,6%. Nếu các ngân hàng đồng loạt giảm cho vay 0,5 điểm %, trên lý thuyết sẽ ảnh hưởng 14-15% tổng lợi nhuận ngân hàng. Nhưng thực tế, mức giảm không nhiều vậy do khi ngân hàng giảm lãi vay, họ cũng sẽ giảm lãi đầu vào song song. Còn trong trường hợp người dân không gửi tiền nhiều, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ sử dụng công cụ "bơm" tiền. Như vậy, nếu giảm lãi vay khoảng 0,5 điểm %, sẽ ảnh hưởng đến khoảng 5% lợi nhuận ngân hàng.
Chiều 26/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tìm cách giảm thêm lãi suất. Theo đó, thời gian qua, dù cơ quan quản lý tiền tệ đã có nhiều nỗ lực nhưng mặt bằng lãi suất thực tế còn cao.
Ngân hàng Nhà nước cần yêu cầu các nhà băng sử dụng các biện pháp để giảm chi phí như ứng dụng chuyển đổi số, tăng hiệu quả quản lý hay giảm thủ tục hành chính nhằm hạ lãi suất. Điều này nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn, giúp doanh nghiệp phần nào giảm chi phí, tăng cường năng lực sản xuất, kinh doanh.
Nội dung: Thảo Thu