Hạ một loạt lãi suất điều hành: Giải pháp "cấp cứu" doanh nghiệp?
(Dân trí) - Lãi suất điều hành hạ sẽ giúp lãi vay giảm, hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời kích cầu tín dụng. Chuyên gia nhận định vẫn còn dư địa để Ngân hàng Nhà nước giảm thêm lãi suất trong nửa cuối năm.
Từ ngày mai (25/5), một loạt lãi suất điều hành sẽ điều chỉnh giảm 0,5 điểm %, theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, trần lãi suất huy động giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm. Một số loại như lãi suất tái cấp vốn, cho vay qua đêm trong thanh toán bù trừ liên ngân hàng cũng giảm 0,5 điểm %.
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh lãi suất cho vay vẫn neo ở mức cao, dù trước đó đã điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-1 điểm %. Bên cạnh đó, hoạt động của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung gặp khó khăn.
Lãi vay giảm: Kích cầu tín dụng
Trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Vietnam - nhận định động thái hạ lãi suất điều hành lần này là "nỗ lực để hạ lãi vay giúp người dân, doanh nghiệp" của Ngân hàng Nhà nước.
Theo ông, việc lãi suất tái cấp vốn giảm xuống 5%/năm sẽ giúp các ngân hàng thương mại tiếp cận được nguồn vốn vay rẻ hơn. Sử dụng lãi suất tái cấp vốn là nghiệp vụ diễn ra khi một số ngân hàng gặp khó khăn lớn về thanh khoản, buộc phải vay vốn từ Ngân hàng Nhà nước khi không vay được thông qua kênh liên ngân hàng.
"Đây là biểu hiện của việc Ngân hàng Nhà nước nới lỏng thanh khoản, từ đó có cơ sở hỗ trợ cho vay nhiều hơn với doanh nghiệp", ông Bình nói.
Trong khi đó, việc giảm trần lãi suất huy động cũng sẽ định hướng các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động, từ đó tạo tiền đề để giảm lãi vay, nhất là trong bối cảnh lãnh đạo doanh nghiệp hàng loạt ngành nghề than lãi vay cao, chỉ giảm "nhỏ giọt". Không ít doanh nghiệp cho rằng để tồn tại và duy trì hoạt động cũng áp lực, chưa nghĩ đến việc trả lãi ngân hàng.
Ông Bình ước tính, tổng dư nợ ngành ngân hàng đang ở mức 14 triệu tỷ đồng. Nếu lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại trung bình giảm 1 điểm %, thì sẽ hỗ trợ nền kinh tế 140.000 tỷ đồng, tức khoảng 6 tỷ USD.
"Chi phí giảm lớn hỗ trợ rất nhiều cho người dân, doanh nghiệp cũng như nền kinh tế", ông nói. Ông nhắc lại câu chuyện nền kinh tế có dấu hiệu xấu đi từ cuối năm 2022, kéo dài sang đầu năm 2023. Kết quả, tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 3,32%, theo Tổng cục Thống kê. So với 12 năm qua, mức này chỉ cao hơn tốc độ tăng của năm 2020 - thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.
Lãi vay giảm, theo ông Bình, còn có thể giúp kích cầu tín dụng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 20/4 mới đạt 2,57%, tương đương 1/3 so với mức tăng cùng kỳ năm 2022 (6,42%).
Dù vậy, ông Bình cũng lưu ý sẽ có độ trễ từ 1 đến 2 tháng tới để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp và người dân. Nguyên nhân là trước đó, lãi suất cho vay cao. Trong cuộc họp cuối tháng 4, hàng loạt ngân hàng như Nam A Bank, KienlongBank, VietABank… cũng đã bị Phó thống đốc Đào Minh Tú điểm tên vì cho vay lãi suất "quá cao".
Còn khả năng hạ tiếp lãi suất điều hành?
Về khả năng sẽ có thêm một đợt hạ lãi suất điều hành, các chuyên gia cho biết trong trường hợp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không đảo chiều chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm, Ngân hàng Nhà nước vẫn phải giữ vùng đệm lãi suất giữa VND và USD, dẫn đến khó giảm lãi suất.
Tuy nhiên, theo ông Lê Duy Bình, thực tế đang cho thấy việc Fed điều hành lãi suất không gây tác động quá lớn đến nền kinh tế. "Việt Nam hiện có thặng dư thương mại, cán cân thanh toán cũng đảm bảo cho khả năng hấp thụ về áp lực tỷ giá hối đoái của Việt Nam", chuyên gia nói. Vị này cho rằng Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa cho một đợt giảm lãi suất trong nửa cuối năm.
"Cách điều hành của Ngân hàng Nhà nước sẽ thận trọng, chắc chắn và linh hoạt trong từng hoàn cảnh. Với điều kiện hiện nay, lãi suất có thể giảm thêm 0,25-0,5 điểm %", vị này nói.
Lãi suất sẽ được điều chỉnh, song chuyên gia nhận định vẫn sẽ đảm bảo đạt điểm cân bằng giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Lãi suất huy động vẫn phải ở mức hấp dẫn với người dân, để khi bỏ tiền gửi ngân hàng vẫn cạnh tranh mức sinh lời với các kênh đầu tư khác.
Lãi suất thấp, doanh nghiệp yếu kém cũng khó hấp thụ
Các chuyên gia cũng lưu ý thêm câu chuyện hạ lãi suất điều hành là biện pháp quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp nhưng không thể giải quyết được hết các vấn đề hiện hữu.
"Doanh nghiệp hiện nay gặp nhiều vấn đề, không chỉ là lãi suất", ông Bình nói. Ông chỉ ra khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp hiện nay còn thấp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, không có nguồn tiền duy trì hoạt động kinh doanh… Đặc biệt các doanh nghiệp bất động sản - vốn là nhóm ngành có tăng trưởng tín dụng cao hơn tăng trưởng tín dụng của cả nền kinh tế - cũng đang gặp khó trong việc tiêu thụ hàng tồn kho, hụt hơi về dòng tiền, bị giam nợ…
"Hạ lãi suất là tốt, nhưng doanh nghiệp yếu kém thì lãi suất thấp bao nhiêu cũng không thể hấp thụ được. Doanh nghiệp thậm chí đang khó khăn hơn cả giai đoạn dịch Covid-19", chủ tịch một công ty tài chính nói với Dân trí.
Theo giới chuyên gia, lãi suất chỉ là một trong nhiều cấu phần tác động đến sức khỏe nền kinh tế, điều quan trọng là cần tìm những biện pháp căn cơ hơn. Có thể kể đến chính sách tài khóa (giảm thuế, phí…), thúc đẩy tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ tiêu dùng trong nước… Bên cạnh đó, lãi suất hạ nhưng doanh nghiệp, người dân có tiếp cận được hay không cũng là vấn đề đáng nói.