1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vay Trung Quốc 300 triệu USD làm cao tốc: “Nguy cơ mua “hàng ế” với giá đắt?”

(Dân trí) - Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc Trung Quốc sẵn lòng cho Việt Nam vay 300 triệu USD làm cao tốc là chuyện bình thường trong đầu tư. Tuy nhiên, là nước đi vay, trả nợ, chúng ta không được chủ quan, cần rất cẩn thận trong đàm phán.

Ông Doanh cho rằng: Cần phải làm sáng tỏ tính cấp thiết của dự án, quan trọng đến cỡ nào và có phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay hay không. Việc Trung Quốc cho Việt Nam vay, nếu đơn thuần là đầu tư thì cũng có báo cáo khả thi, các cơ chế đàm phán và ưu tiên lợi ích đất nước trên hết. Tôi cho rằng, Trung Quốc sẽ được hưởng lợi khi cao tốc này hoàn thành.

Hàng ế thành hàng đắt qua vốn vay!?

“Cẩn thận không mắc phải bẫy vốn vay. Tôi thấy nếu làm đường cao tốc, Trung Quốc sẽ được lợi vì hàng của họ sẽ được chuyển sang Việt Nam nhiều hơn, nhanh hơn. Trong khi đó, hàng nước này xuất khẩu đi các nước ASEAN khác sẽ tận dụng được cảng của Việt Nam, bởi hiện khu vực phía Tây Nam của Trung Quốc vẫn phụ thuộc lớn vào một cảng ở Quảng Đông cách xa 1.200 km”, ông Doanh nêu.

Đang có nhiều ý kiến phản đối xung quanh đề xuất vay 300 triệu USD từ Trung Quốc để làm cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (Quảng Ninh)
Đang có nhiều ý kiến phản đối xung quanh đề xuất vay 300 triệu USD từ Trung Quốc để làm cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (Quảng Ninh)

Chuyên gia Lê Đăng Doanh nói: Vốn vay hơn 300 triệu USD thuộc Quỹ hỗ trợ xuất khẩu của Ngân hàng Trung Quốc. Để được tiếp cận vốn vay, các bên đi vay phải chấp nhận sử dụng các công nghệ, máy móc, thiết bị của nước cung cấp vốn đưa ra.

“Trung Quốc đang dư thừa rất lớn sản lượng thép, xi măng, riêng về thép, mỗi năm nước này sản xuất khoảng 1,2 tỷ tấn thép, sản lượng tiêu thụ năm trước chỉ tầm 700 triệu tấn/năm, nhưng hiện nay cỡ chừng khoảng 600 triệu tấn. Điều này đặt ra thách thức buộc nước này phải tính toán. Trong điều kiện kinh tế Trung Quốc giảm tốc độ tăng trưởng họ phải tính đến các bước đường để cho những sản phẩm này đi, kể cả vào ODA, vốn vay song phương”, ông Doanh khẳng định.

Vì vậy, ông Lê Đăng Doanh cho rằng: “Nếu vay, phải đàm phán không thể để phía Trung Quốc tự đưa sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng dư thừa để làm đường với giá cao được. Không thể lấy nhân công, nhà thầu, mẫu thiết kế... của Trung Quốc triển khai tại Việt Nam, rồi cuối cùng Việt Nam chỉ nhận được duy nhất một con đường”.

Trên thực tế, trong báo cáo gửi Thủ tướng, về việc vay vốn hơn 300 triệu USD từ Trung Quốc, Bộ Tài Chính đề nghị Bộ Giao Thông Vận tải (Bộ GTVT - đơn vị kiến nghị sử dụng vốn vay) nêu rõ lý do Bộ này chuyển đổi chủ đầu của Dự án từ UBND tỉnh Quảng Ninh sang Bộ GTVT.

Theo Bộ Tài Chính, đây là dự án có nguồn tư trực tiếp (vào tỉnh Quảng Ninh), không thuộc đối tượng cấp phát mà phải vay lại từ nguồn vốn vay của Chính phủ, trong khi Bộ GTVT không thuộc đối tượng vay lại theo quy định của Luật Quản lý nợ công.

Trong đề án vay vốn Trung Quốc, một trong những điều nhiều chuyên gia lo ngại nhất chính là nguồn vốn được xuất phát từ Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc. Đây là ngân hàng tài trợ tín dụng phục vụ hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc.

Bộ Tài Chính cho rằng: Về cơ chế vay và đàm phán, điều kiện phía Trung Quốc đưa ra đối với 3 khoản vay tín dụng gần nhất là lãi suất 3 - 4%, phí quản lý từ 0,25 - 1%, phí cam kết từ 0,25 - 0,5%/năm. Ngoài ra, các khoản vay của Trung Quốc đều có ràng buộc, phải sử dụng nhà thầu, công nghệ, máy móc thiết bị của Trung Quốc.

Phép thử năng lực đàm phán của Việt Nam?

Trả lời câu hỏi của Dân trí về những trường hợp nhà đầu tư Trung Quốc bị hủy dự án đầu tư, mới nhất là dự án nhà máy điện hạt nhân tại Anh trị giá khoảng 18 tỷ USD, Việt Nam nên cân nhắc chất lượng dự án của Trung Quốc, đặc biệt việc đối đãi của nước này đối với các nước kém phát triển, trong đó có dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ KH&ĐT) cho rằng: "Chúng ta có quyền lựa chọn vốn vay, vay Trung Quốc cũng là một nguồn nhưng những gì đã và đang diễn ra tại Việt Nam và trên thế giới, năng lực đàm phán của các nhà đàm phán Việt Nam phải rất cẩn thận, khôn khéo".

"Nhiều tư tưởng thoát Trung, nhưng chúng ta làm gì và bắt đầu từ đâu thì không ai biết. Chúng ta vẫn có quan hệ thương mại, vẫn nhập khẩu, thậm chí vẫn có quyền khai thác thị trường Trung Quốc, nhưng chúng ta không làm được. Mỗi nước có một hoàn cảnh và cách lựa chọn của Việt Nam phải hành xử khôn khéo và có đối sách hợp lý", ông Hồ nêu quan điểm.

Trên thực tế, trong văn bản báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về chủ trương vay vốn Trung Quốc cho dự án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Nộ này dẫn các lý do của Bộ GTVT cho rằng, dự án xây dựng cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là dự án quan trọng, cấp bách và có tầm quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội. Trong quy hoạch, tuyến cao tốc này thuộc mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia phía Bắc.

Cũng theo Bộ GTVT, ngoài Trung Quốc hiện chưa có nhà tài trợ nào khác quan tâm đến dự án này. Do vậy, việc sử dụng nguồn vốn vay Trung Quốc cho dự án là hợp lý. Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ nếu đầu tư dự án theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) thì không khả thi vì nguồn ngân sách Nhà nước khó đáp ứng được.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, việc quyết định một dự án vay vốn mà chưa công khai cơ chế, không có sự lựa chọn ngay từ ban đầu là rất không nên. Ông Doanh cho rằng: "Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông tưởng vốn rẻ nhưng không rẻ, tưởng nhanh nhưng mà quá chậm. Việt Nam vừa mất tiền thêm, vừa không kịp phục vụ cho quy hoạch. Chúng ta cần vốn, nhưng không thể vốn với giá nào cũng nhận được. Cần phải công khai cơ chế đàm phán để giám sát dự án.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm