Vay Trung Quốc 7.000 tỷ đồng làm cao tốc: “Đường sắt Cát Linh – Hà Đông là một bài học”

(Dân trí) - Các chuyên gia cũng lưu ý về mặt hiệu quả khi sử dụng vốn vay, nhà thầu Trung Quốc tại các dự án tại Việt Nam. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh về bài học kinh nghiệm từ việc triển khai dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông được đánh giá là bài học trong việc triển khai dự án dựa vào vốn vay, nhà thầu Trung Quốc.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông được đánh giá là bài học trong việc triển khai dự án dựa vào vốn vay, nhà thầu Trung Quốc.

Liên quan tới đề xuất vay 7.000 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc để đầu tư cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, TS Lưu Bích Hồ cho biết: "Chủ trương đầu tư cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã có hàng chục năm nay, kể từ khi xây dựng đường 18 hiện nay, tức đoạn từ Bắc Ninh đi qua Phả Lại đi xuống Quảng Ninh. Đây cũng là đoạn đường ưu tiên trong tam giác vùng trọng điểm Bắc Bộ. Tuy nhiên, suốt nhiều năm chưa giải quyết được vì nguồn vốn và nhu cầu chưa thực sự cấp bách".

"Con đường nằm trong quy hoạch nên chúng ta vẫn theo đuổi và không dừng lại. Trong thảo luận giữa lãnh đạo cấp cao 2 nước đã đặt vấn đề liên quan đến xây dựng một số con đường là những con đường ưu tiên. Hiện đã xây dựng xong đường từ Bãi Cháy, Hòn Gai đi lên Móng Cái, cũng là những con đường chúng ta đặt ra trong hợp tác với Trung Quốc", ông Hồ nói.

Theo ông Hồ, dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thuận lợi cho cả 2 bên, không chỉ có lợi cho một phía Trung Quốc hay Việt Nam bởi vì đây là con đường thường xuyên vận tải hàng hoá sang Trung Quốc.

Đồng quan điểm, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cũng cho rằng, thực chất Trung Quốc muốn cho vay xây dựng cao tốc Vân Đồn – Móng Cái để thúc đẩy kết nối đường bộ và Trung Quốc có thể sử dụng cảng Vân Đồn vận tải hàng hoá, như vậy sẽ thuận lợi cho Trung Quốc trong việc xuất nhập khẩu hàng hoá.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý về mặt hiệu quả khi sử dụng vốn vay, nhà thầu Trung Quốc tại các dự án tại Việt Nam.

Theo đó, ông Lưu Bích Hồ cho rằng: "Cũng phải cân nhắc yếu tố an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, xét về mặt kinh tế, hiệu quả là quan trọng nhất nên làm sao để đầu tư đáp ứng nhu cầu vay vốn lãi suất hợp lý và có thể hoàn vốn, triển khai đúng tiến độ".

Riêng chuyện Hợp đồng Thiết kế - Cung ứng vật tư thiết bị - Xây lắp (EPC), theo ông Hồ: "Rút kinh nghiệm khi làm ăn với Trung Quốc, chúng ta không nên dùng EPC quyết định tất cả như đường Cát Linh – Hà Đông nữa. Đến mấy chục công trình như vậy, dây dưa và không đảm bảo chất lượng nên phải yêu cầu rằng, vay vốn nhưng thầu do phía Việt Nam chọn lựa nhà thầu, không bị ràng buộc".

"Theo tôi chưa bức xúc gì về con đường này nhưng cần làm, cố gắng làm nhưng phải là những điều kiện chúng ta chấp nhận được, vốn, lãi, thi công tổng thầu… Đề phòng việc chúng ta thương lượng vay vốn, không thể để rơi vào tình trạng tiêu cực", ông nói thêm.

Về phía mình, TS Lê Đăng Doanh cho hay, Trung Quốc khi cho vay bằng Quỹ hỗ trợ xuất nhập khẩu sẽ yêu cầu Việt Nam phải sử dụng các nguyên vật liệu như thép, xi măng của Trung Quốc để làm đường. Đây đều là những nguyên vật liệu dư thừa tại Trung Quốc do đó cũng giúp Trung Quốc có thể giải tỏa một phần sản xuất dư thừa.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải chấp nhận phương án thi công, thiết kế, nhân công của Trung Quốc. Thậm chí, không ngoại trừ trường hợp Trung Quốc cho vay không đủ tiền, dây dưa nâng vốn như đối với nhiều công trình chẳng hạn dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

"Vân Đồn là địa điểm chiến lược về kinh tế, quốc phòng vì vậy càng nên xem xét một cách kỹ lưỡng và thận trọng hơn. Trường hợp ký hợp đồng với phía Trung Quốc, cần xem cụ thể các điều khoản cho vay và giám sát dự án. Trước khi khi vay cũng cần công bố các điều kiện vay để giới chuyên môn và dư luận đánh giá. Cần hết sức thận trọng và cân nhắc, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang muốn đạt tăng trưởng”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Phương Dung