Vay Trung Quốc 300 triệu USD làm cao tốc: Nỗi lo phải trả giá

(Dân trí) - Việc dự kiến vay Trung Quốc 300 triệu USD để làm cao tốc diễn ra trong bối cảnh nguồn vốn ODA với lãi suất thấp sẽ kết thúc vào năm 2017, nợ công nguy cơ vượt trần cuối năm nay. Thế nhưng vì sao lại vay Trung Quốc mà không là nguồn khác? Thậm chí là giãn, lùi tiến độ thi công dự án?

Liên quan đến việc Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xem xét lời đề nghị của Trung Quốc về việc vay hơn 300 triệu USD thông qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc để thực hiện dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, xét bản chất vốn thì “ODA vay của nước nào cũng giống nước nào vì nguồn ODA lãi suất thấp đều kèm theo các điều kiện”.

Nghĩa là vay ODA thì không phân biệt tiền đến từ đâu mà điều quan trọng là phải xử lý, quản lý, sử dụng nguồn vốn này một cách hiệu quả để có lợi nhất cho đất nước, tránh trường hợp như dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông hay dự án Xe buýt nhanh Hà Nội.

Ông Kiên cho biết, dự án xe buýt nhanh của Hà Nội có vốn đầu tư tới 11.000 tỷ đồng, gần gấp đôi con số 7.000 tỷ đồng, mà đến thời điểm này đã gần hết thời gian giải ngân nhưng vẫn không chạy được.

Những điều kiện đi kèm khi vay vốn ODA, nhất là ODA Trung Quốc, đó là chỉ định thầu hay mang nhân công sang làm… tất cả những vấn đề này cần được đàm phán kỹ lưỡng và thể hiện rõ các điều khoản cụ thể trên hợp đồng.

Nhiều nỗi lo khi vay và nhận viện trợ Trung Quốc
Nhiều nỗi lo khi vay và nhận viện trợ Trung Quốc

Vì sao không lùi thời gian thực hiện dự án?

Khẳng định quan điểm “vay vốn ODA của Trung Quốc hay của nước nào cũng được, miễn là tiền về trong nước và lãi suất thấp hơn vay trong nước” nhưng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý, nếu lãi suất thấp nhưng thời gian giải ngân chậm, điều kiện khắt khe, so sánh với vay thương mại trong nước không có lợi hơn thì cần xác định lại.

“Cũng có thể tính đến trường hợp, tại sao không xem xét việc lùi, giãn, hoãn tiến độ, không phải làm trong 2017, 2020 mà làm trong 2021 hoặc 2025 và đấy là một trong những khả năng để chúng ta đàm phán hoặc chúng ta có thể đi vay một khoản của World Bank hoặc ADB, lựa chọn công nghệ và thời điểm vay cho phù hợp”, ông Kiên lưu ý thêm.

Hồi cuối năm 2015, trong chuyến thăm Việt Nam, ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc từng tuyên bố viện trợ 1 tỷ nhân dân tệ trong 5 năm cho Việt Nam, bổ sung khoản vay ưu đãi 250 triệu USD cho dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Tuy nhiên, phát biểu trước Quốc hội khóa XIII, đại biểu Trương Trọng Nghĩa từng khẳng định, “cử tri đề nghị không vay tiền và không nhận viện trợ từ Trung Quốc, ít nhất là trong thời điểm này!”.

Ông Nghĩa phân tích, kinh tế Việt Nam đang có xu hướng ngày một phụ thuộc sâu vào kinh tế Trung Quốc trên hầu hết các lĩnh vực, đe dọa chủ quyền kinh tế. Vị đại biểu cho rằng, nếu trưng cầu ý dân, đa số nhân dân sẽ không đồng ý vì vẫn còn nhiều nguồn cho vay khác.

Liên quan đến kế hoạch 300 triệu USD từ Trung Quốc xây cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, nhiều chuyên gia kinh tế đầu ngành như chuyên gia Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Lưu Bích Hồ… đều phản đối hoặc khuyến nghị thận trọng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, Bộ này đang đề nghị Bộ Tài chính đàm phán lại để thay đổi điều kiện vay thuận lợi hơn, như mức lãi suất vay thấp hơn và bỏ chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc. Theo đó, cố gắng phải đấu thầu công khai để tăng hiệu quả của dự án này.

Ngân sách đang chịu áp lực lớn

Việc dự kiến vay Trung Quốc 300 triệu USD để làm cao tốc diễn ra trong bối cảnh nguồn vốn ODA với lãi suất thấp sẽ kết thúc vào năm 2017 và hiện Chính phủ đang hết sức tích cực vận động tiếp cận nguồn vốn ưu đãi trong khi quyết định còn phụ thuộc vào các nhà tài trợ, theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.

Tại một sự kiện gần đây, Phó Thủ tướng cho biết, vốn vay ODA đã chiếm 26% tổng nợ công, 15% GDP và nguồn vốn này ngày càng khan hiếm sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình.

Mặc dù, tổng nhu cầu huy động và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi thời kỳ 2016 - 2020 là rất lớn, khoảng 39,5 tỷ USD, song theo Bộ Tài chính, từ 2017 khi không còn được vay các khoản ODA ưu đãi như trước, Việt Nam sẽ phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay kém ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường.

Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% - 3,5%. Một chuyên gia World Bank từng tính toán, chi trả lãi hiện nay chiếm tới 8% tổng thu của Chính phủ và trên 75% nợ trong nước sẽ đáo hạn trong 3 năm tới. Điều này sẽ gây áp lực lên nợ công.

Trong khi đó, báo cáo Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải thừa nhận, do tăng trưởng kinh tế suy giảm, nợ công và nợ Chính phủ dự báo đến cuối năm 2016 có thể vượt trần cho phép.

Hiện mức trần nợ công cho phép là 65% GDP, cuối năm 2015, nợ công/GDP ở mức 62,2%, áp sát ngưỡng kiểm soát. Trong khi đó, nợ Chính phủ thực tế đã vượt trần 0,3% (ở mức 50,3% GDP).

Bích Diệp