Trung Quốc cho vay 300 triệu USD làm cao tốc: Đừng vội mừng

Liên quan khoản vay 300 triệu USD xây cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, các bộ liên quan đều đề nghị đàm phán lại với Trung Quốc về điều kiện và lãi suất. Bởi “quả đắng” từ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn còn đó. Các chuyên gia cũng cảnh báo cẩn trọng với những điều khoản đi kèm vốn vay từ Trung Quốc.


Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Đừng vội mừng

Ngày 31/7, trao đổi với PV Tiền Phong, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ KH&ĐT đã có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành liên quan về khoản vay hơn 300 triệu USD của Trung Quốc cho dự án xây cao tốc Vân Đồn – Móng Cái (Quảng Ninh).

“Khi trả lời Bộ KH&ĐT, các bộ đều thống nhất phải đàm phán lại với Trung Quốc rồi mới quyết định vay hay không, do điều kiện đưa ra trong khoản vay chưa tốt, như lãi suất còn cao, phải chỉ định thầu với nhà thầu Trung Quốc…”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, số tiền 300 triệu USD mà Bộ GTVT đề xuất vay Trung Quốc nằm trong 1 hiệp định Chính phủ 2 nước ký cách đây vài năm. “Đây là khoản vay Trung Quốc đề xuất (cho Việt Nam vay), nên 2 bên đang xem xét, chủ yếu vẫn là điều kiện vay chưa thuận lợi”, ông Dũng nói thêm.

Theo người đứng đầu ngành Kế hoạch Đầu tư, những bài học từ các dự án sử dụng vốn vay Trung Quốc như đường sắt Cát Linh – Hà Đông đều để chúng ta phải cân nhắc, tính toán chuyện vay hay không.

Theo ông Dũng, các khoản vay ưu đãi nước ngoài thường kèm nhiều điều kiện, nên đôi khi giá đi vay không rẻ, nên phải tính toán cho hợp lý. “Tùy từng nhà đầu tư sẽ có các điều kiện đi kèm vốn vay, nhưng thường các nhà đầu tư đa phương (như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á - PV ) không quan tâm việc buộc nhà thầu phải là của họ, phải mua hàng hóa của họ... Nhưng nhà thầu song phương họ lại quan tâm điều này”, ông Dũng nói.

Tuy vậy, nếu sử dụng vốn vay trong nước sẽ phải chịu chi phí vay cao, dẫn tới hiệu quả đầu tư sẽ thấp, nên cũng phải cân nhắc. Vì vậy, theo ông Dũng, đi vay phải đảm bảo hài hòa lợi ích người đi vay và cho vay, giảm thiểu những điều kiện đi kèm và minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, giảm chi phí không hợp lý.

Trong phần trả lời Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính cho rằng, các khoản vay ưu đãi của Trung Quốc đều có ràng buộc, như phải sử dụng nhà thầu, công nghệ, máy móc, thiết bị Trung Quốc. Trong khi đó, đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc là dự án đầu tư phát triển có nguồn thu trực tiếp.

Do đó, cần tính toán, so sánh với khả năng huy động vốn từ các nguồn khác có chi phí rẻ hơn hoặc chất lượng, công nghệ tốt hơn, tránh rủi ro. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc chủ trương sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc cho dự án này, ưu tiên cho những dự án cấp thiết, có khả năng thu hồi vốn.

Khi được Bộ KH&ĐT hỏi ý kiến, Bộ GTVT cho rằng, đầu tư tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là quan trọng và mang tính cấp bách, có tầm ảnh hưởng trong phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, bộ này đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chuyển thẩm quyền quyết định đầu tư dự án cho phía Bộ GTVT thực hiện.


Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) là bài học lớn về vốn ưu đãi Trung Quốc. Ảnh: Phạm Thanh.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) là bài học lớn về vốn ưu đãi Trung Quốc. Ảnh: Phạm Thanh.

“Quả đắng” vốn vay vẫn còn đó

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS. Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) cho rằng, Trung Quốc bao giờ cũng cho vay từ Quỹ hỗ trợ xuất khẩu của Ngân hàng xuất khẩu Trung Quốc. Đây là nguồn quỹ khuyến khích xuất khẩu của họ.

Hiện, Trung Quốc đang dư thừa thép và xi măng. Họ có công suất 1.200 triệu tấn thép mỗi năm, nhưng chỉ sử dụng trong nước khoảng 600 triệu tấn, còn lại phải xuất khẩu. Trung Quốc đã gây sự với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ về sắt thép, với những tranh cãi rất gay gắt. Giờ Trung Quốc dùng quỹ này cho Việt Nam vay với điều kiện Việt Nam phải dùng nhà thầu, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu của họ.

Việc này vô cùng bất lợi cho Việt Nam, vì Trung Quốc luôn đưa ra một gói đấu thầu rất thấp, sau đó khi thực hiện Trung Quốc đội giá lên, điển hình là dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Sau đó đội vốn lên mình lại phải vay của họ, chất lượng lại không đảm bảo nhưng mình vẫn phải phụ thuộc toàn bộ vào họ. Do vậy, nếu ham lãi suất thấp, ham rẻ nhận gói này thì chẳng khác gì mua thêm nợ vào cho người dân.

“Tôi nghĩ rằng, trong tình hình thế này phải hết sức thận trọng, phải công khai, minh bạch, có sự thẩm định. Trung Quốc thầu cao tốc Vân Đồn – Móng Cái có lợi ích vô cùng lớn để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam, sử dụng ô tô của họ chạy trên tuyến đường của ta, sử dụng cảng của chúng ta…

Nhưng phải thấy rằng, đây là con đường chiến lược, là khu vực có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, do đó, dự án cần được đưa ra thẩm định hết sức thận trọng, chi tiết, đảm bảo lợi ích quốc phòng – an ninh. Có thể thời gian đầu chúng ta chưa có kinh nghiệm mới thuê và khoán hết cho họ. Còn bây giờ quá nhiều kinh nghiệm xương máu từ các dự án như Cát Linh - Hà Đông rồi”, ông Doanh nói.

Theo vị chuyên gia này, chưa nên vội vàng cho rằng không có nhà thầu nào khác ngoài Trung Quốc. Cần tiếp tục đấu thầu công khai để kêu gọi thêm nhiều nhà đầu tư khác để cân nhắc, lựa chọn hợp lý.

TS. Nguyễn Quang Toàn, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ (ĐH GTVT Hà Nội) cho rằng, đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái nằm trong quy hoạch đường cao tốc của quốc gia, chắc chắn Bộ GTVT đã cân nhắc mọi điều kiện cần thiết. Quá trình phát triển hạ tầng hiện nay chúng ta cần nhiều nguồn vốn, từ nhiều nguồn.

Bộ GTVT thấy, có nguồn vốn nào thì đề xuất, nhưng vay hay không vay nên cân nhắc. Nếu nguồn vốn đáp ứng được các điều kiện của mình thì nên chấp nhận. Còn các vấn đề xảy ra với dự án, như chậm tiến độ, đội vốn phải làm rõ lỗi do ai, bên nào, kể cả những nguồn vốn từ các nước khác cũng có khả năng như vậy, không phải vì thế mà dừng vay.

Sau khi được giao nhiệm vụ làm rõ điều kiện với khoản vay ưu đãi trị giá hơn 300 triệu USD từ phía Trung Quốc, Bộ KH&ĐT đã báo cáo Thủ tướng về dự án. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 382 triệu USD, trong đó Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) đề xuất tài trợ 304,9 triệu USD (tương đương 6.800 tỷ đồng), vốn đối ứng của Việt Nam là 77,3 triệu USD (tương đương 1.700 tỷ đồng). Tuyến đường này dài khoảng 91km, điểm đầu đấu nối với đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, điểm cuối giao với đường dẫn cầu Bắc Luân II (nối sang thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Quy mô đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Thời gian hoàn thành 48 tháng.

Theo Nguyễn H. Việt - Tuấn Nguyễn
Tiền Phong