Trung Quốc "làm ngơ" lệnh cấm vận, thúc đẩy thương mại với Triều Tiên?

(Dân trí) - Bất chấp việc đã nhất trí với lệnh cấm vận kinh tế của Liên hợp quốc áp dụng với Triều Tiên, hoạt động thương mại Trung - Triều vẫn rất sôi động và hầu như không bị ảnh hưởng.

Các lệnh cấm vận được Liên hợp quốc áp đặt sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hôm 12/2 nhằm ngăn chặn việc vận chuyển và tiếp nhận các hàng hóa liên quan đến chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên, cũng như nguồn hàng hóa xa xỉ cung cấp cho các quan chức nước này. Đồng thời Liên hợp quốc thắt chặt các biện pháp kiểm soát tài chính, nhất là việc vận chuyển tiền bất hợp pháp.

Hàng đoàn xe chở hàng vẫn qua biên giới Trung – Triều mỗi ngày
Hàng đoàn xe chở hàng vẫn qua biên giới Trung – Triều mỗi ngày

Tuy nhiên theo phỏng vấn của phóng viên Reuters với một loạt các doanh nghiệp có hoạt động thương mại với Triều Tiên tại thành phố biên giới Dandong, cửa ngõ chính của khoảng 80% hàng hóa từ Trung Quốc vào Triều Tiên, thì có vẻ tình hình không mấy thay đổi. Các công ty này kinh doanh đủ mặt hàng từ các loại kim loại tới phụ tùng ô tô, quần áo và thực phẩm.

Khoảng một nửa trong số này cho biết hải quan đã tăng cường kiểm tra sau lệnh cấm vận, nhưng những người khác cho biết hoạt động kinh doanh với Triều Tiên nhìn chung vẫn luôn bị giám sát chặt hơn với các nước khác.

“Cứ nhìn vào những đoàn xe tải ngoài kia thì anh có thể biết liệu hoạt động thương mại có giảm sút hay không”, Liu Mingjin, một doanh nhân vừa nói vừa chỉ về phía đoàn dài các xe tải của Trung Quốc và Triều Tiên đang xếp hàng để qua cửa khẩu Dandong. “Hải quan có thể theo dõi chặt hơn nhưng cũng chẳng ảnh hưởng gì tới hoạt động kinh doanh”, Liu, một người chuyên nhập nhân sâm và xuất đủ loại mặt hàng sang Triều Tiên cho biết.

Phớt lờ lệnh cấm vận

John Park, một chuyên gia về Triều Tiên tại học viện công nghệ Massachusetts thì cho biết Trung Quốc đang khai thác một lỗ hổng trong lệnh cấm vận của Liên hợp quốc để hợp thức hóa các giao dịch thương mại và viện trợ của mình dưới dạng hoạt động phát triển kinh tế và nhân đạo.

“Không ích gì khi tranh luận về việc Trung Quốc có thực thi lệnh cấm vận hay không. Trong nhiều trường hợp, các quan chức của họ cũng như doanh nghiệp tư nhân xem những việc họ làm là giúp phát triển kinh tế”, ông Park nói.

Các quan chức Dandong cũng xác nhận: “Chính sách biên mậu hoàn toàn giống như trước đây, không có gì thay đổi”, Yin Tong, trưởng văn phòng ngoại thương và hợp tác kinh tế của Dandong nói. Một quan chức khác thì cho biết: “Hoạt động mậu dịch giữa Trung Quốc và Triều Tiên được điều phối từ cấp nhà nước, chúng tôi không quyết định gì. Tình hình chưa có gì thay đổi”.

Zeng Hongqun, một thương nhân của Dandong thì cho biết có vẻ như hải quan đã chú ý nhiều hơn đến các linh kiện ô tô, dù vậy ông vẫn có thể xuất xe tải vào Triều Tiên. “Cho dù hải quan đã kiểm soát chặt hơn, chúng tôi vẫn bận rộn. Triều Tiên là một người bạn lâu năm của Trung Quốc và chúng tôi cần họ cũng nhiều như họ cần chúng tôi”, ông Zeng nói trong lúc đang chờ làm thủ tục hải quan để đưa một chiếc xe tải mới qua cửa khẩu.

Nhắm mắt làm ngơ

Theo số liệu chính thức của Bộ thương mại Trung Quốc, trong quý 1 vừa qua, tổng kim ngạch thương mại của nước này với Triều Tiên giảm 7%, xuống còn 1,3 tỷ USD. Trong đó lượng hàng hóa Trung Quốc nhập từ Triều Tiên tăng 2,5%, đạt 590 triệu USD, nhưng xuất khẩu lại giảm 13,8% xuống còn 720 triệu USD. Tuy nhiên con số này chưa tính các mặt hàng năng lượng, thực phẩm và các khoản viện trợ khác của Bắc Kinh cho Bình Nhưỡng.

Trung Quốc là cửa ngõ chính cho hàng hóa xa xỉ vào Triều Tiên. Trong nghị quyết ngày 7/3 vừa qua, Liên hợp quốc đã nêu đích danh một số mặt hàng Triều Tiên không được nhập gồm du thuyền, xe đua, ô tô hạng sang và một số mặt hàng trang sức và đá quý.

“Việc kiểm tra hải quan đối với các lô hàng vào Triều Tiên luôn nghiêm ngặt”, Zhou Jin, lãnh đạo công ty Hengan International Logistics Co., tại Đại Liên cho biết. “Nhưng kể từ nửa sau năm ngoái, hải quan bắt đầu kiểm tra từng container hàng của chúng tôi xuất sang Triều Tiên. Đây là điều chưa từng có”.

Dù vậy tình hình tại biên giới Dandong vẫn khá “cởi mở” khi nhiều người buôn lậu cho biết các mặt hàng của họ, chủ yếu là gạo và thuốc lá, vẫn được đưa qua dễ dàng. “Tôi có thể đi qua đi lại mà không gặp vấn đề gì”, một cư dân biên giới giấu tên khẳng định. “Miễn là anh biết chung chi cho đúng quan chức ở Trung Quốc và Triều Tiên họ sẽ nhắm mắt làm ngơ”.

Không cô lập

Thời gian qua đã có nhiều bài viết được đăng tải trên các tờ báo lớn của Trung Quốc như Nhân dân nhật báo hay thời báo Hoàn Cầu, kêu gọi Bắc Kinh trừng phạt Bình Nhưỡng bằng cách hạn chế hoặc chấm dứt hoạt động viện trợ và thương mại sau những căng thẳng gần đây.

Tuy nhiên có vẻ như Bắc Kinh không có ý định đó khi vẫn tiếp tục thúc đẩy kế hoạch thành lập 3 đặc khu kinh tế với Triều Tiên, với hy vọng tận dụng được nhân công giá rẻ, đồng thời khuyến khích Bình Nhưỡng thấy được lợi ích của cải cách kinh tế.

Một trong những khu đó nằm tại Rason, cách biên giới Triều Tiên 50km và nằm đối diện với tỉnh Jilin của Trung Quốc. Một quan chức chính quyền tỉnh này cho biết dù những căng thẳng gần đây khiến nhiều nhà đầu tư tiềm năng lo lắng, chính quyền vẫn muốn thúc đẩy dự án này.

“Quả thực một số công ty đã bắt đầu mất niềm tin nhưng từ quan điểm của chính phủ và ủy ban quản lý Rason, chính sách vẫn không có gì thay đổi”, vị quan chức này nói. “Các lãnh đạo cấp cao của Jilin vẫn đang cố gắng trấn an mối lo ngại của một số doanh nghiệp”.

Thanh Tùng
Theo Reuters